GDVN -Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hiện tại so với năm 2020 giảm chậm, các cơ sở đào tạo trùng lắp,... là những khó khăn tồn tại của hệ thống GDNN.

Năm 2023, Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành.

Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu của việc quy hoạch này là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;

Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%; Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trùng lắp ngành nghề trên cùng địa bàn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) bày tỏ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá của chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Không những vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đã chỉ ra 9 giải pháp.

Trong đó có giải pháp thứ 4 về “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” đã xác định: Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau trung học phổ thông, liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; củng cố và phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới".

z5143613148547_30f37f0562ecb743bfe9116788ec59be.jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) Phạm Vũ Quốc Bình (Ảnh: TCCC).

Qua thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đã phát triển rộng khắp trên cả nước, đa dạng về loại hình tổ chức, chất lượng và hiệu quả đào tạo ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, về tổng thể, số đông cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung tại các khu đô thị lớn, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cùng địa bàn đào tạo ngành, nghề trùng nhau, hoạt động chưa hiệu quả, chất lượng đào tạo không đồng đều.

Quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Huế cùng 2 trường nghề trên địa bàn


Quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Huế cùng 2 trường nghề trên địa bàn

Vì vậy, bên cạnh Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, theo ông Bình, việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có tác động lớn, mang tính định hướng phát triển đối với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

Bên cạnh đó, việc quy hoạch này cũng góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp; đóng vai trò quan trọng cho việc huy động và tập trung tất cả các nguồn lực để xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng hơn, hướng tới mục tiêu hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng, mở, linh hoạt, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền;

Chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Tiếp tục sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả

Để thực hiện mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đến năm 2025 nêu trong quy hoạch là giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang tập trung triển khai và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch;

Tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Quy hoạch khi được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương.

img-0738-194172.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

Bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác rà soát, sắp xếp, xây dựng và triển khai thực hiện phương án tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đề án rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập.

Đến nay, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên.

Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 684 cơ sở (chiếm 36,2 %). Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.196 cơ sở, so với năm 2020 giảm 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (giảm khoảng 3%).

Theo ông Bình, nguyên nhân của việc giảm chậm là do 2 năm 2021, 2022 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai xây dựng quy hoạch, đề án rà soát sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Quy hoạch nhằm đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

Tiếp tục sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả; đối với những cơ sở đủ năng lực tự chủ thì tạo điều kiện để phát triển; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sắp xếp, tổ chức lại cần nhanh chóng ổn định tổ chức, đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng và hoạt động có hiệu quả;

Sửa đổi, bổ sung các chính sách; quy định về loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa; Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung.

Được biết, theo mục tiêu của Quyết định số 2239/QĐ-TTg/2021, đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó: 03 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 06 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 05-10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.

Trước mục tiêu trên, ông Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể.

Thứ nhất là, quy định tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao (Thông tư số 35/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

Thứ hai là, xây dựng Kế hoạch đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao năm 2022 (Quyết định số 756/QĐ-LĐTBXH ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

Thứ ba là, hướng dẫn đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao (Công văn số 2310/TCGDNN-KĐCL ngày 24/10/2022); Hướng dẫn trường thực hiện tự đánh giá (Công văn số 2311/TCGDNN-KĐCL ngày 24/10/2022) và hướng dẫn thực hiện đánh giá thực tế trường cao đẳng theo tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao năm 2022 (Công văn số 2457/TCGDNN-KĐCL ngày 09/11/2022) của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

6 rủi ro có thể xảy ra khi sáp nhập trường nghề cùng một địa phương


6 rủi ro có thể xảy ra khi sáp nhập trường nghề cùng một địa phương

Một số kết quả cụ thể từ việc đưa ra các hướng dẫn này có thể kể đến như tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 44 chuyên gia đánh giá, bao gồm các kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp và chuyên gia của một số trường cao đẳng.

Tính đến nay, đã có 10 trường cao đẳng được lựa chọn đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao năm 2022 đã thực hiện tự đánh giá theo hướng dẫn của Tổng cục và có báo cáo kết quả tự đánh giá năm 2022.

Thứ tư là, triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Mặt khác, ông Bình cho biết thêm, đối với việc lựa chọn, phê duyệt ngành, nghề trọng điểm, theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Lựa phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường cao đẳng, trường trung cấp được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã chọn 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ (trong đó 68 ngành, nghề cấp độ Quốc tế; 101 ngành, nghề cấp độ Khu vực ASEAN và 144 ngành, nghề cấp độ quốc gia).

Việc tập trung đầu tư cho các ngành, nghề trọng điểm đã góp phần tăng quy mô đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước năm 2023 là 27% (tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Đồng thời, thông qua việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành, nghề trọng điểm đã đưa chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên nhất là ở các chương trình chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm. Bước đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao.

Ngoài ra, Tổng cục cũng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045 về hình thành, phát triển trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, cụ thể:

Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 336/QĐ-LĐTBXH ngày 13/4/2022. Trong đó có các nhiệm vụ về phát triển trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20;

Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phân công cụ thể cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ về phát triển trường chất lượng cao; các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2026-2030 (dự án đầu tư trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; dự án đầu tư trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20; dự án đầu tư trường chất lượng cao và dự án đầu tư trường có các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia);

Tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền Bắc, Trung, Nam;

Xây dựng chương trình đầu tư công "Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị và điều kiện bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20;

Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát, đề xuất và trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm, trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; phù hợp với mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và địa phương;

Tất cả các nhiệm vụ này được triển khai đồng bộ nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu nêu trên tại Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Sẽ rà soát, đánh giá Luật Giáo dục nghề nghiệp

Đặc biệt, bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, để khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đặt ra những phương hướng phát triển và nhiệm vụ cụ thể.

Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là quyết liệt, chủ động triển khai các hoạt động trọng tâm, đột phá của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình.

8d04b72e-5e28-4214-8977-13d49cae999d.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.

Trong đó, chỉ tiêu cụ thể như sau: Tuyển sinh đạt 2.430.000 người (trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng: 1.900.000 người); Tốt nghiệp 2.146.000 người (trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 346.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng: 1.800.000 người).

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm mới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, Tổng cục sẽ rà soát, đánh giá Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;

Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động;

Tập trung triển khai hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TW ngày 04/05/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chiến lược, Quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp và các Chương trình, Đề án về giáo dục nghề nghiệp.

Phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các cơ quan, bộ, ngành và địa phương theo 4 cấp (quốc gia, vùng, ngành, địa phương). Xây dựng phương án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức Hội thao thể dục thể thao và Hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Tổ chức tốt Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 tại Quảng Ninh, Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới lần thứ 47 tại thành phố Lyon (Pháp) và tổ chức tuyên dương học sinh sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2024;

Tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo;

Tăng cường công tác phối hợp để giảng dạy khối lượng văn hóa bậc trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giải quyết vấn đề liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân;

Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp về phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu, tài nguyên học liệu đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp cho các ngành, nghề và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đánh giá và công nhận. Tăng cường công tác pháp chế, thanh tra, kiểm tra, ...;

Xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo vùng, địa phương; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp;

Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả triển khai các tiểu dự án, nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các dự án, hoạt động vốn ODA;

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các Đề án, Dự án về đào tạo nghề; sớm tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới.

Theo Tường San
Báo Giáo dục Việt Nam