Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đồng thời, đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, giảm áp lực về nhu cầu việc làm tại các thành phố lớn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn.
Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Khu vực nông thôn với nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh đã đáp ứng nhu cầu việc làm tại chỗ cho người nông dân. Một bộ phận lao động trong độ tuổi lao động là thanh niên với ngành nghề thích hợp đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống gia đình, từng bước góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân ở vùng nông thôn.
Cùng với đó, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, các địa phương đã có chính sách thu hút các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đào tạo lao động kỹ thuật tham gia đào tạo để có lao động tinh hoa tại các làng nghề. Do đó, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%, khu vực nông thôn là 32,9 triệu người, chiếm 62,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh mở các lớp đào tạo nghề, người học còn được hỗ trợ chi phí đào tạo hay chi phí ăn ở, đi lại... Trong đó, đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo như: Người khuyết tật mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học. Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: Mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học...
Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học. Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo tùy điều kiện và khả năng, huy động thêm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nước ta hiện nay đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, doanh nghiệp, xây dựng được nội dung, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện rõ ràng. Hoạt động đào tạo nghề có sự tham gia của các trung tâm đào tạo hướng nghiệp, dạy nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh để hướng đến xuất khẩu lao động, khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, qua đó tạo việc làm cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động hoặc đã hết tuổi lao động nhưng vẫn còn sức lao động, có nhu cầu về việc làm để tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống.
vov2.vov.vn