Dấu ấn phát triển lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp trong năm 2023
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Trên cơ sở đánh giá tổng thể lĩnh vực GDNN giai đoạn 2011-2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tân Đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam tại trụ sở Bộ sáng ngày 09/11/2023
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng và Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tặng hoa và trao giải nhất cho 10 nhà giáo đạt giải tại Hội giảng Nhà giáo GDNN thành phố Hà Nội
Ban Bí thư khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ; đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài.
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đạt các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 (i) Thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào GDNN; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở GDNN, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. (ii) Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; (iii) Có khoảng 90 cơ sở GDNN chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; (iv) Có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15 - 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới (v) Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới,... Nhiều cấp ủy đảng ở Trung ương và các tỉnh ủy/thành ủy đã ban hành Kế hoạch/Chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW và Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Sắp xếp, tổ chức lại các trường công lập 4 cấp (quốc gia, vùng, ngành, tỉnh) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở GDNN đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Giờ học lắp đặt điện
Trên cơ sở đó, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập theo quy hoạch. Đến nay, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành các quyết định giải thể 13 trường cao đẳng, sáp nhập các cơ sở GDNN công lập của 04 Bộ, 46 địa phương. Các tỉnh/thành phố theo thẩm quyền đã quyết định sáp nhập, giải thể 30 trường trung cấp và 42 trung tâm GDNN.
Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các Bộ, ngành Trung ương theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Ban chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có Kết luận số 114/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 08/12/2023 yêu cầu các bộ, ngành sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập theo 4 cấp (quốc gia, vùng, ngành, tỉnh) theo quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nguyên trạng 10 trường cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ Xây dựng; Bộ Nội vụ đã đề xuất chuyển nguyên trạng 08 trường cao đẳng thuộc Bộ Công thương, 02 trường cao đẳng thuộc Bộ NN&PTNT và 03 trường cao đẳng thuộc Bộ Quốc phòng sang Bộ LĐTBXH quản lý để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng hoạt động; giao Bộ LĐTBXH chủ trì xây dựng Đề án thành lập cơ sở GDNN thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành chất lượng cao.
3. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp
Hoạt động hợp tác quốc tế không ngừng được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho toàn hệ thống GDNN đổi mới và phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh việc duy trì hoạt động hợp tác hiệu quả với các đối tác truyền thống, đã thu hút được nhiều đối tác tiềm năng mới quan tâm hợp tác với lĩnh vực GDNN như các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Phần Lan,...
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á Thái Bình Dương ký biên bản ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hiệp hội Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA)
Các chương trình, dự án quốc tế đã hỗ trợ kịp thời cho hệ thống GDNN trong tư vấn, hoàn thiện chính sách; hỗ trợ các cơ sở GDNN trong việc nâng cao nhận thức, đổi mới chương trình, giúp trang bị những kỹ năng mới cho giáo viên, học sinh, người lao động tại doanh nghiệp…góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Diễn đàn quốc tế về GDNN với chủ đề “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia GDNN trong kỷ nguyên số”
Sự tham gia, đóng góp tích cực của lĩnh vực GDNN trong các hội nghị cấp cao của Chính phủ, của Bộ LĐTBXH trong khu vực ASEAN và thế giới; nhiều diễn đàn quốc tế về GDNN, phát triển kỹ năng nghề với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, cơ quan trong và ngoài nước (diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số”; Hội nghị “Cơ hội việc làm và nhu cầu kỹ năng cho chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam”; Hội thảo “Phát triển kỹ năng số cho lực lượng lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”,…) đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của GDNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, hiệu quả từ các dự án đã và đang thực hiện, cùng với sự vận động, đàm phán tích cực thì đã có thêm nhiều chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật mới, đóng góp cho các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng của quốc gia (như Tuyên bố JETP về chuyển đổi năng lượng công bằng, Chiến lược tăng trưởng xanh…), trong đó đặc biệt quan trọng là cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của Liên minh châu Âu đối với lĩnh vực GDNN Việt Nam giai đoạn 2024-2028 với tổng nguồn vốn lên tới 54,6 triệu Euro.
4. Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực
Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người học và mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong GDNN, rất nhiều cơ sở GDNN đã chủ động tiếp cận công nghệ thông tin trong đào tạo nghề; xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường. Các Bộ, ngành đã lồng ghép kế hoạch chuyển đổi số GDNN trong Chương trình, kế hoạch chuyển đổi số hằng năm, 5 năm.
Hội thảo Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn trường nghề số
Đặc biệt, trong năm 2023, đã xây dựng Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho việc đánh giá trường cao đẳng số/thông minh; mô đun đào tạo “Năng lực số” trình độ trung cấp, cao đẳng; xây dựng và bước đầu đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (LMS); nền tảng quản trị số (DMP); nền tảng Tài nguyên Giáo dục mở (OER) dùng chung, phòng E-learning studios sản xuất học liệu số, hệ thống thực tế ảo tại 11 trường; triển khai nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn đã cung cấp 22 khóa học (gồm kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp...) và cấp chứng chỉ cho gần 30.000 lượt người, trong đó có gần 1.800 người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; khoảng 1.200 cán bộ quản lý và nhà giáo hoàn thành và có chứng chỉ các khóa tự học miễn phí về kiến thức căn bản chuyển đổi số trong GDNN trên nền tảng Atingi… Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số GDNN đã góp phần mở rộng phương thức đào tạo, tăng thêm cơ hội tiếp cận GDNN cho người học, thúc đẩy phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
5. Chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ
Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) là chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thí sinh thi nghề cơ điện tử
Theo số liệu điều tra, thống kê về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá của doanh nghiệp đã có những bước thăng hạng nhảy vọt. So với năm 2022, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với điểm trung bình trọng số 4.82 trên thang điểm 7 đã tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (5 bậc). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong tốp 4 và chỉ xếp sau Singapore và Indonesia. Chỉ số GCI là một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế. Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là yếu tố cơ bản cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Sự tăng tiến của chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam cũng có thể thấy rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố vào tháng 3 năm 2023. Theo đó, chất lượng đào tạo nghề Việt Nam trên thang điểm 6 đã đạt 4.4 điểm (năm 2018 chỉ đạt 3.8 điểm). Báo cáo PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện dựa trên kết quả điều tra đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng cường chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam. Xếp hạng chỉ số B6 là động lực thúc đẩy hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi cần tác động đến hệ thống trong trung và dài hạn, cần từng bước nâng cao chất lượng nội tại một cách thực chất với mục đích thúc đẩy các nền kinh tế tự cải thiện, nâng cao năng lực.
Theo VPTCGDNN