Giáo dục và đào tạo nghề (VET/GDNN) ở Đan Mạch là chìa khóa để đảm bảo một môi trường linh hoạt và lực lượng lao động có tay nghề cao có thể thích ứng với những thay đổi trong thị trường lao động. Những cải cách gần đây của hệ thống VET đã tập trung vào việc làm cho nó đơn giản hơn, hiệu quả hơn, minh bạch và linh hoạt hơn theo nhu cầu của thị trường lao động và những thách thức xã hội. Đan Mạch có tỷ lệ người lớn tham gia GDNN và đào tạo thường xuyên cao nhất tại Liên minh Châu Âu (EU) và có truyền thống về mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các đối tác xã hội.

1. Mô hình tổ chức, quản trị GDNN

Hệ thống GDNN Đan Mạch cung cấp hơn 100 loại chương trình đào tạo khác nhau trong đó mỗi chương trình được chia theo một số chuyên ngành nhất định. Tất cả các chương trình GDNN đều tạo cơ hội cho người học học lên trình độ cao hơn bao gồm học lên trình độ thuộc giáo dục đại học ở cấp độ 5 và 6 của Khung tham chiếu trình độ châu Âu.

Cấu trúc một chương trình GDNN bao gồm chương trình cơ bản (basic programme) và chương trình chính (main programme). Chương trình cơ bản cung cấp cho người học kiến thức và năng lực tổng quan về nghề nghiệp, giúp người học đánh giá tổng thể các chương trình khác nhau để lựa chọn chương trình học phù hợp tiếp theo. Chương trình chính dựa trên nguyên tắc xen kẽ nội dung đào tạo tại trường và đào tạo tại nơi làm việc. Do đó, người học phải có thỏa thuận đào tạo với một công ty được cho phép đào tạo. Chương trình chính thường kéo dài từ 3-3,5 năm, nhưng có thể ngắn hơn hoặc dài hơn đối với một số chương trình nhất định. Các chương trình chính được cung cấp ở cấp độ 3 Khung trình độ châu Âu là 1,5 năm, cấp độ 4 là 3 năm và một số chương trình ở cấp 5 là 5 năm. Trong chương trình chính, người học phải làm một số loại bài kiểm tra, tùy thuộc từng ngành, nghề đào tạo; khi kết thúc chương trình người học phải hoàn thành bài kiểm tra chuyên môn cuối kỳ để đánh giá năng lực tại môi trường làm việc thực tế. Bài kiểm tra kết thúc có cấu trúc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Có những kỳ thi cuối kỳ do các Hội đồng nghề (Trade Committee) tổ chức. Các Hội đồng này đưa ra các quy định liên quan đến thi cuối kỳ.

Ngoài ra, trong trường hợp muốn được đào tạo ở nơi làm việc thực tế hơn là học ở trường lớp, người học có thể đăng ký học tại doanh nghiệp và đăng ký chương trình “Thực tập nghề mới”. Người học tham gia thỏa thuận đào tạo với một doanh nghiệp và trong năm đầu tiên, người học dự kiến sẽ được trang bị kiến thức và trình độ như các học sinh đã theo học chương trình cơ bản tại trường cao đẳng nghề. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt từ phía người học, công ty và trường nghề.

Việc quản trị GDNN tại Đan Mạch được thực hiện thông qua mô hình quản trị sau:

Bộ Giáo dục và Trẻ em: Nghị viện Đan Mạch đặt ra khung pháp lý tổng thể cho đào tạo nghề và Bộ Giáo dục và Trẻ em là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở Đan Mạch. Trách nhiệm của Bộ gồm: (i) Chịu trách nhiệm chung trước Nghị viện về tài chính và trách nhiệm về GDNN, đưa ra các mục tiêu tổng thể của các chương trình và cung cấp khung pháp lý liên quan; (ii) Phê duyệt các chương trình/văn bằng trình độ GDNN (VET qualifications) mới trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Tư vấn về GDNN ban đầu, và phê duyệt danh sách các trường cao đẳng đào tạo chương trình GDNN cơ bản và chương trình chính; (iii) Quy định quy tắc tổng thể cho GDNN trong hợp tác với Hội đồng Tư vấn về GDNN ban đầu và đưa ra các quy định cho từng chương trình GDNN cá nhân trên cơ sở hợp tác với các Hội đồng nghề (quốc gia); (iv) Đảm bảo chất lượng và đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực; (v) Xác định khuôn khổ, thể chế cho việc quản lý giáo dục, kinh tế và pháp lý của các cơ sở GDNN và cấp kinh phí cho phần đào tạo tại cơ sở GDNN (chương trình cơ bản và phần đào tạo tại cơ sở GDNN trong chương trình chính).

Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu (IVET Council): là một hội đồng có đại diện từ tất cả các bên liên quan trong hệ thống GDNN, gồm 25 thành viên từ các đối tác xã hội, lãnh đạo nhà trường và hiệp hội giáo viên cũng như một số thành viên được chỉ định của Bộ Giáo dục và Trẻ em Đan Mạch. Chủ tịch Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Trẻ em bổ nhiệm. Hội đồng có trách nhiệm: (i) Tư vấn cho Bộ Giáo dục và Trẻ em về các vấn đề chính sách và chất lượng liên quan đến GDNN; (ii) Theo dõi các xu hướng của thị trường lao động, trên cơ sở đó đề xuất việc xây dựng các chương trình GDNN/bằng cấp GDNN mới, đề xuất ngừng hoặc tiếp tục các chương trình đào tạo và (iii) Chịu trách nhiệm giám sát các chương trình hiện có đưa ra các khuyến nghị về sự phối hợp tốt hơn giữa các chương trình hoặc hợp nhất các chương trình.

Hội đồng nghề (quốc gia) (The Trade Committees) là “xương sống” của hệ thống GDNN Đan Mạch. Khoảng 50 hội đồng nghề chịu trách nhiệm cho hơn 100 chương trình đào tạo. Trách nhiệm của Hội đồng nghề bao gồm: (i) Chịu trách nhiệm về các chương trình đào tạo chính (main programe), chuyên ngành, thời lượng, cấu trúc, kỳ thi, trình độ năng lực đầu vào các chương trình chính, sự thích ứng và phát triển liên tục của các chương trình VET, giám sát phát triển kỹ năng trên thị trường lao động và trên cơ sở đó, đề xuất những thay đổi đối với các chương trình hiện có. Hội đồng cũng có thể khuyến nghị các chương trình GDNN mới hoặc ngừng chương trình đã lạc hậu; (ii) Khuyến nghị các chương trình GDNN mới hoặc ngừng chương trình đã lạc hậu; (iii) Phê duyệt các địa điểm đào tạo; (iv) Kiểm tra quá trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho các học viên (đào tạo kỹ thuật).

Các Hội đồng đào tạo địa phương: Hội đồng đảm bảo liên hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, cộng đồng địa phương và nhu cầu cụ thể của thị trường lao động địa phương. Hội đồng đào tạo địa phương đóng vai trò cố vấn cho trường trong tất cả các vấn đề liên quan đến các chương trình GDNN trong phạm vi quyền hạn của họ và thúc đẩy hợp tác giữa trường cao đẳng và thị trường lao động địa phương đối với một ngành cụ thể.

Cơ sở GDNN: Mỗi cơ sở GDNN có hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chung về quản lý hành chính, tài chính của cơ sở đào tạo và các hoạt động đào tạo theo quy định. Họ đảm nhận các trách nhiệm hàng ngày về giảng dạy và kiểm tra. Các trường cao đẳng là các tổ chức công lập, độc lập với hội đồng quản trị của riêng họ, đa số thành viên đại diện các lĩnh vực đào tạo của trường. Các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động trong Hội đồng quản trị của trường phải được đại diện với số lượng bằng nhau và phải đại diện cho khu vực địa lý hoặc các lĩnh vực ngành, nghề đào tạo của trường. Ngoài ra, hội đồng còn có đại diện giáo viên và sinh viên của trường. Các trường cao đẳng có quyền tự chủ tương đối về ngân sách, chiến lược tổ chức và sư phạm…

Các trường cao đẳng chịu trách nhiệm về việc lập kế hoạch đào tạo và hợp tác của các hội đồng đào tạo địa phương. Nội dung đào tạo được xây dựng trong kế hoạch đào tạo, tuân thủ các quy định và hướng dẫn chung theo từng trình độ GDNN. Kế hoạch phải bao gồm mô tả về các nguyên tắc sư phạm, phương pháp luận cho việc đào tạo, mô tả về trình độ giáo viên, thiết bị kỹ thuật, sự hợp tác giữa trường cao đẳng, người học và doanh nghiệp, kế hoạch giáo dục cá nhân và nhật ký, v.v.

Doanh nghiệp: Doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống GDNN Đan Mạch, với 2/3 các chương trình GDNN được triển khai trong doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp được Hội đồng nghề chấp thuận đều có thể tuyển dụng nhân viên học việc. Các doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ từ hội đồng đào tạo địa phương và trường cao đẳng về các vấn đề như quy trình tuyển dụng, xử lý các khía cạnh pháp lý và quá trình để đưa các tiêu chuẩn nghề vào đào tạo.

2. Đảm bảo chất lượng đào tạo

Ở Đan Mạch, chất lượng trong GDNN được nhận thức chủ yếu liên quan đến nhà cung cấp và người học, với mục đích đảm bảo sự tương ứng giữa các mục tiêu GDNN quốc gia và các chương trình GDNN địa phương, và đảm bảo chất lượng của từng nhà cung cấp.

Hệ thống GDNN tại Đan Mạch là một hệ thống phi tập trung, trong đó các nhà cung cấp GDNN có rất nhiều quyền tự chủ về việc điều chỉnh dịch vụ GDNN mà họ cung cấp cho địa phương, trong đó các đối tác xã hội đóng vai trò thể chế hóa ở tất cả các cấp. Cấu trúc ba cấp (Hội đồng tư vấn quốc gia, Ủy ban đào tạo địa phương và các nhà cung cấp GDNN) này đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các khía cạnh chất lượng của GDNN. Bên cạnh đó, hệ thống khá chặt chẽ, do sự đối thoại liên tục giữa tất cả các bên liên quan ở tất cả các cấp độ khác nhau.

Bộ Giáo dục Đan Mạch đã xác định 09 nguyên tắc/biện pháp phổ biến liên quan đến chính sách về các vấn đề chất lượng, bao gồm: Sự tham gia của các bên liên quan; Hướng dẫn chung quốc gia; Giám sát đầu ra bằng cách sử dụng các chỉ số; Quy tắc chất lượng; Phê duyệt, theo dõi, kiểm tra cấp Bộ trưởng; Chạy thử và điều chỉnh; Minh bạch và công khai; Đánh giá của Viện Đánh giá Đan Mạch và Hợp tác và khảo sát quốc tế.

09 biện pháp này sẽ được mô tả trong khuôn khổ mô hình CQAF10, dựa trên vòng tròn chất lượng. Mô hình bao gồm bốn yếu tố: quy hoạch (mục đích và kế hoạch); thực hiện; đánh giá và xem xét (phản hồi và thay đổi).
Một mạng lưới các hội đồng, ủy ban và cơ quan tư vấn hoạt động bình đẳng, hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đan Mạch về các khía cạnh của GDNN và ở tất cả các cấp của hệ thống GDNN. Về chất lượng, các đối tác xã hội tham gia vào tất cả các giai đoạn đảm bảo và phát triển chất lượng. Các hội đồng sinh viên cũng tham gia vào việc lập kế hoạch và đánh giá việc giảng dạy và đào tạo.

Các doanh nghiệp là bên liên quan lớn thứ ba trong hệ thống GDNN của Đan Mạch. Họ được đại diện ở cấp quốc gia, thông qua các tổ chức của người sử dụng lao động và ở cấp địa phương trong các hội đồng đào tạo địa phương và trong ban giám đốc của các trường cao đẳng GDNN địa phương. Bên cạnh đó, tất cả các nhà cung cấp GDNN phải sử dụng một hệ thống đảm bảo và phát triển chất lượng. Họ phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong các quy tắc chất lượng, theo đó họ cũng sẽ đáp ứng các yêu cầu của CQAF.

Bộ Giáo dục Đan Mạch là cơ quan chính về giáo dục và đào tạo ở Đan Mạch và chịu trách nhiệm chung về cách thức hoạt động của hệ thống. Đối với GDNN, Bộ đóng một vai trò quan trọng trong cả việc phê duyệt và kiểm tra GDNN được cung cấp: Bộ trao cho các tổ chức quyền cung cấp các chương trình GDNN cụ thể. Các nhà cung cấp phải đáp ứng một số điều kiện, nếu không có thể bị thu hồi giấy phép.

3. Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ quan quản lý về đào tạo nghề các cấp của Đan Mạch để tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức, quản trị GDNN của Đan Mạch, tìm hiểu hệ thống đào tạo kép, những chính sách quản lý nhà nước dành cho đào tạo nghề của Đan Mạch (đặc biệt chính sách quan hệ 3 bên: Nhà nước, người lao động, doanh nghiệp; vấn đề thống kê dữ liệu, giám sát, đảm bảo chất lượng) để áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam (nghiên cứu, đưa nội dung hợp tác đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp rõ ràng, cụ thể hơn). Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ về kinh phí đào tạo, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các trường công lập, hỗ trợ kinh phí cho các trường theo hướng cấp theo số lượng người học. Tăng cường đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo để phù hợp với quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Văn phòng TCGDNN