Phối hợp tốt cơ chế "3 bên" để có thị trường lao động và bền vững

 

Phát triển và vận hành tốt cơ chế 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam có một thị trường lao động và việc làm bền vững.

Hội nghị người sử dụng lao động năm 2021 với chủ đề "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại Doanh nghiệp" được VCCI phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức đã khẳng định quan điểm trên. 

Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cùng đại diện các doanh nghiệp xác định những khó khăn, bất cập, những giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy hơn nữa hoạt động học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp có lợi ích gì khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp?

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định: "Doanh nghiệp như một nhà trường thứ hai, một thành phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo. Khi doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ có các chính sách ưu đãi thuế và nguồn lao động chất lượng cao".

Phối hợp tốt cơ chế 3 bên để có thị trường lao động và bền vững - 1

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề.

Nói về lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động giáo dục đào tạo, Vụ trưởng vụ đào tạo chính quy cho biết, sau khi khấu hao chi phí đào tạo đối với doanh nghiệp, từ năm thứ 2 và năm thứ 3, doanh nghiệp sẽ không mất thêm bất kỳ một chi phí nào. 

Khi đó, người lao động - sinh viên sẽ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp. Họ sẽ tham gia vào sản xuất, tạo sản phẩm cho chính doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp giải quyết việc thiếu nguồn nhân lực ở mùa cao điểm.

Phối hợp tốt cơ chế 3 bên để có thị trường lao động và bền vững - 2

Biểu đồ thể hiện lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 

Vấn đề luôn được các doanh nghiệp quan tâm khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp chính là thuế suất ưu đãi, chính sách thuế giá trị gia tăng, chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. 

Theo ông Hùng, căn cứ theo văn bản hợp nhất 11/2017/VBHN-BTC- 15/5/2017, doanh nghiệp sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong hoạt động tài trợ như: tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập; tài trợ cho các hoạt động thường xuyên của trường; tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên; tài trợ cho các cuộc thi về các môn học mà đối tượng tham gia dự thi là người học.

Khi đã xác định được thu nhập chịu thuế này thì doanh nghiệp sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động. Miễn 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm đối với doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh lực giáo dục nghề nghiệp. 

"Doanh nghiệp sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng nếu tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 thì doanh nghiệp cũng được miễn thuế, hưởng chính sách xã hội hóa khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp", ông Hùng cho biết thêm.

Đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng chương trình đào tạo học nghề, tập nghề cụ thể

Trước những thách thức và cơ hội đặt ra với nguồn nhân lực Việt Nam khi hội nhập cũng như tác động của các mạng công nghệ 4.0 thì việc các đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng chương trình đào tạo và tiếp nhận học nghề, tập nghề cụ thể. 

Lý giải về vấn đề này, bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho hay: "Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và toàn cầu đã đặt ra một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh và khẳng định vị thế. 

Phối hợp tốt cơ chế 3 bên để có thị trường lao động và bền vững - 3

Bà Trần Thị Lan Anh (thứ ba từ trái qua) khẳng định đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng chương trình đào tạo và tiếp nhận học nghề, tập nghề cụ thể sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.

Doanh nghiệp muốn có được vị thế và cạnh tranh tốt, có dịch vụ chất lượng cao thì cần phải có một lực lượng lao động chất lượng cao. Muốn làm được điều đó thì chỉ có cách là xây dựng chương trình đào tạo nghề và kết nối dạy nghề. Việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp có yếu tố quyết định và cực kỳ quan trọng".

Cũng theo bà Lan Anh, khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ giúp người lao động có kỹ năng. Đó chính là tác phong công việc, khi tốt nghiệp có thể thích ứng bắt tay vào dây chuyền sản xuất mà không tốn thời gian đào tạo mới. 

"Một doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng, cho xã hội thì sẽ xây dựng được hình ảnh, uy tín. Đây chính là một giá trị vô giá, mỗi doanh nghiệp này sẽ có những Gen tốt để giúp cạnh tranh tốt trong bối cảnh đổi mới, thích ứng hiện nay", bà Lan Anh nhấn mạnh. 

Lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách "3 bên"

Ông Nguyễn Thế Cường, Giám đốc đào tạo Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ, khoảng 10 năm trở lại đây, Tập đoàn mới nhận thức được vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực và thành lập đơn vị văn phòng Tập đoàn, giải quyết các vấn đề chính sách, chuyên môn và thành lập các chuyên môn theo ngành dọc như ban tài chính, ban vận hành,...

Từ kinh nghiệm của tập đoàn, ông Cường "tiết lộ" 3 trụ cột chính để đào tạo tốt.

Một là, có tài liệu đào tạo, dù ngành khách sạn đã có từ lâu nhưng bộ đào tạo tiêu chuẩn thì chưa có. Do đó, tập đoàn phải thành lập ban chuyên môn đào tạo riêng cho tập đoàn.

Hai là, có đào tạo viên, phối hợp với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo ra các đào tạo viên, sau đó lọc ra những người chuyên nghiệp để đào tạo lại cho các đào tạo viên tại tập đoàn.

Ba là, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Thường doanh nghiệp có thuận lợi về cơ sở vật chất hơn các nhà trường, từ tài liệu, trang thiết bị,... phân loại rõ ràng đối tượng, có chương trình hỗ trợ cho sinh viên học tập riêng và có chương trình học việc cho nhân viên mới chưa có kỹ năng nghề.

"Ngoài kỹ năng chuyên môn, chúng tôi còn đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, đồng thời thuê các đối tác bên ngoài để đào tạo thêm cho các cấp lãnh đạo, giám đốc. Để trở thành giám đốc quản lý một khách sạn 5 sao là rất khó khăn, nhưng với công tác đào tạo được chú trọng từ ban đầu, Mường Thanh đã xây dựng được đội ngũ lãnh đạo, quản lý chuyên nghiệp", ông Cường chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên, trực thuộc Tổng công ty May 10, khi tận dụng được nguồn lực và quan tâm chia sẻ của doanh nghiệp cho giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp cho học viên tiếp cận nhanh nhất với doanh nghiệp, bắt nhịp nhanh với doanh nghiệp để không bị bỡ ngỡ sau khi ra trường. 

Để đáp ứng được yêu cầu này thì vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, ông Việt Hà cho biết: "Chỉ khi kết hợp được doanh nghiệp thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới có mô hình dạy và học sát với thực tế và nhu cầu của cả đôi bên. 

Dù trong thời gian đào tạo ngắn hay dài thì thông qua đó sẽ chuyên môn hóa kỹ năng tay nghề. Còn doanh nghiệp mong muốn có lao động chất lượng cao, thích ứng với thị trường thì cần phải có sự phối hợp với các cơ sở GDNN".

"Tuy nhiên, nên nghiên cứu cấp kinh phí trực tiếp cho doanh nghiệp khi tham gia giáo dục đào tạo, để doanh nghiệp "mặn mà" hơn với hoạt động này, đồng thời giúp đơn giản hóa nhiều thủ tục", ông Việt Hà nói. 


Lệ Thu
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp