Giáo dục là quyền của con người, là hàng hóa công cũng như là trách nhiệm của cộng đồng. Ngày 03/12/2018, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/73/25 tuyên bố ngày 24/01 là Ngày Quốc tế Giáo dục nhằm tôn vinh vai trò của giáo dục đối với hòa bình và phát triển.

      Giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng, là nhân tố chìa khóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển; hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, các chính phủ đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việc chuyển đổi tương lai đòi hỏi một sự tái cân bằng khẩn cấp hoặc các mối quan hệ với thiên nhiên cũng như với công nghệ xuyên suốt cuộc sống, mang lại những cơ hội đột phá trong khi nâng cao mối quan tâm nghiêm túc về công bằng, hòa nhập và sự tham gia dân chủ. Ngày Quốc tế Giáo dục là một cơ hội để cùng nhìn nhận lại giáo dục và vai trò của giáo dục; khẳng định giáo dục là một quyền cơ bản của con người, cần được chung tay bảo vệ.
 
 
 
 
 
 
Hình ảnh đại diện Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An trao quà cho các em học sinh Trường THCS Cắm Muộn, Huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

       Tại Việt Nam, giáo dục luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển đất nước. Trong những thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, có những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Việt Nam đã và đang nỗ lực duy trì 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tích hợp các nội dung liên quan đến phát triển bền vững và công dân toàn cầu trong dạy và học.

       Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo dục mũi nhọn của Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên toàn thế giới. Chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ, kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu cho thấy: Trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường Đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo Đại học tốt nhất toàn cầu.

       Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 17/01/2023 kêu gọi đầu tư vào phát triển con người và ưu tiên giáo dục trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Giáo dục 24/01 sắp tới. Ông Guterres nhấn mạnh "đầu tư là rất quan trọng để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4" và giáo dục là "nền tảng của xã hội, kinh tế và tiềm năng của mỗi người". Người đứng đầu Liên Hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia biến các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi Giáo dục Toàn cầu hồi năm ngoái thành những hành động cụ thể để tạo ra môi trường học tập hòa nhập cho tất cả học sinh. Theo ông, hiện nay cũng là thời điểm để chấm dứt tất cả các đạo luật và hành vi phân biệt đối xử cản trở khả năng tiếp cận giáo dục. Đồng thời cũng khuyến khích các quốc gia coi giáo dục làm trọng tâm trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2023 và Hội nghị Thượng đỉnh về hoạch định tương lai vào năm 2024. Ông kêu gọi đầu tư nhiều hơn và tốt hơn cho chất lượng giáo dục.

       Trên cơ sở những thành tựu đạt được, cùng với các nước trên thế giới, giáo dục Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực đổi mới và phát triển. Đại hội XIII của Đảng đã định hướng phát triển Giáo dục Việt Nam cho thời kỳ tới, trong đó, một số điểm nổi bật như: Thay vì chỉ nhấn mạnh vào “phát triển nhanh Giáo dục và Đào tạo” như trước đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề cập trực tiếp việc “phát triển nguồn nhân lực, Giáo dục và Đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế”. Phương hướng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” được xác định theo hướng mới: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)