Yêu cầu mới của Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp
Với thông điệp: Đổi mới – sáng tạo – thích ứng và hội nhập, hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức diễn ra trong bối cảnh hệ thống các trường nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại một số địa phương vẫn cho học sinh, sinh viên học trực tuyến tại nhà.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và mỗi nhà giáo nói riêng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Tác động kép của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho xã hội trong đó có hệ thống Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để giáo viên, giảng viên các cơ sở Giáo duc nghề nghiệp nâng cao năng lực chuyên môn. Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp là khởi đầu để đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng cho nhà giáo”, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương trao đổi với báo chí sáng ngày 09/11
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp là một trong hai trọng tâm chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng nhà giáo sẽ quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Do vậy, dự kiến trong thời gian tới sẽ có một chương trình bồi dưỡng nhà giáo tại nước ngoài. Các giáo viên, giảng viên trường nghề có cơ hội được học tập, nghiên cứu tại các doanh nghiệp lớn trên thế giới, tiếp cận trình độ công nghệ, sản xuất mới, rèn kỹ năng thực hành nghề để từ đó hướng dẫn, truyền nghề trực tiếp cho người học.
Ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng vụ Nhà giáo (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên lần đầu tiên Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp được tổ chức trực tuyến. 404 nhà giáo tranh tài tại 113 địa điểm trình giảng của 55 địa phương và 06 Bộ, ngành.
Giáo viên thực hiện bài thi của mình tại địa điểm trình giảng do các địa phương chuẩn bị và kết nối với cổng thông tin Hội giảng. Giám khảo thực hiện đánh giá tại nơi làm việc của giám khảo qua máy tính cá nhân kết nối cổng thông tin Hội giảng.
Để đảm bảo sự khách quan, công bằng, chính xác lần đầu tiên, các bài trình giảng và đánh giá bài trình giảng sẽ được livestreams trên kênh thông tin để các đại biểu, nhà giáo và học sinh, sinh viên theo dõi. Đây cũng cơ hội để không chỉ ban giám khảo mà còn học sinh, sinh viên và xã hội theo dõi, đánh giá bài giảng của nhà giáo.
Cũng theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), các bài trình giảng đạt giải cao tại Hội giảng (Nhất, Nhì, Ba) sẽ được lưu trữ, chia sẻ; hình thành Kho học liệu bài giảng số để nhà giáo tham khảo, sử dụng.
Bên lề hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp năm 2021 sẽ diễn ra cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp”, "Triển lãm số về giáo dục nghề nghiệp”, hội thảo "Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và người đào tạo là người của doanh nghiệp”...
Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020), để tri ân, tôn vinh nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp có nhiều đóng góp quý báu cho công tác giáo dục nghề nghiệp, đi đầu trong phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, khắc phục mọi khó khăn để duy trì và đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là nhà giáo đạt thành tích xuất sắc tại Hội giảng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam cùng với Lễ Bế mạc Hội giảng và tổ chức trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Bá Duy/ VOV2
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp