Học nghề “hút” giới trẻ


Trước ngã rẽ buộc phải lựa chọn cho tương lai nghề nghiệp của mình, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn tìm lối đi mới - chọn học nghề ngắn hạn thay vì tìm kiếm cơ hội việc làm sau cánh cửa đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).
Học sinh chọn học nghề thay vì tìm kiếm cơ hội việc làm sau cánh cửa đại học ĐH. Ảnh: Mạnh Dũng.

Học sinh chọn học nghề thay vì tìm kiếm cơ hội việc làm sau cánh cửa đại học ĐH. Ảnh: Mạnh Dũng.

 

Từ chối cơ hội trúng tuyển ĐH

Thay vì hoàn thành thủ tục đăng ký nguyện vọng ĐH và chờ kết quả, nhiều học sinh đã từ chối cơ hội trúng tuyển, chọn nhập học sớm tại các trường CĐ.

Tuấn Nghĩa (Phú Thọ) vừa nhập học tại Trường CĐ nghề Bách Khoa Hà Nội trong khi các bạn của em chờ đón kết quả trúng tuyển ĐH. Tuấn Nghĩa thi tốt nghiệp THPT đạt 25 điểm khối C00 và từng ao ước trúng tuyển một số ngành yêu thích tại các trường ĐH như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Văn hóa và ĐH Nội Vụ.

Trong thời gian Bộ GD&ĐT mở cổng đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, em cũng đã đăng ký tới gần 10 nguyện vọng vào các trường ĐH. Nhưng sau khi tính toán và cho rằng phổ điểm khối C năm nay có thể tăng, trong khi điểm thi của bản thân chưa phải ở mức xuất sắc, Tuấn Nghĩa đã quyết định từ chối cơ hội trúng tuyển ĐH và theo học tại một trường CĐ. 

"Nếu học CĐ, chi phí rẻ hơn, thời gian học nhanh và sẽ có nghề, có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đa số chúng em bây giờ không đỗ ĐH sẽ đi học nghề chứ không đi làm luôn”, Nghĩa chia sẻ.

Tương tự, Quốc Hưng (Hưng Yên) sau nhiều lần đắn đo, tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè đã quyết định theo học chuyên ngành Lập trình Web, Trường CĐ FPT. “Ban đầu em cũng băn khoăn có nên học ĐH không. Một phần sợ ra trường khó xin việc, mặt khác sau khi nghe tư vấn, em quyết định đăng ký theo học CĐ”, Hưng bày tỏ.

“Học ĐH tốn kém mà không chắc đã xin được việc làm nên em đã quyết định học nghề để khi ra trường có cơ hội tìm việc làm dễ dàng hơn”, Ngọc Dũng, học viên Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Với mức điểm thi THPT 2022 khá cao, Ngọc Trung (Thái Bình) biết chắc chắn mình sẽ có cơ hội vào ĐH, nhưng vẫn chọn cho mình một trường nghề. Bởi theo Trung, hiện nay, học nghề có nhiều cơ hội tìm được việc làm, thậm chí còn có mức lương khá cao, như vậy sẽ sớm phụ giúp với bố mẹ cho em gái đang học THPT.

Còn Phương Thủy, học viên Trường CĐ Nấu ăn Hà Nội cho biết, sau khi học hết phổ thông, em đã đi học nghề và nay đang có một công việc ổn định tại một nhà hàng mà không phải ngược xuôi để xin việc.

Không phải vào ĐH mới thành công khi lập nghiệp

Hiện có xu hướng học sinh không lựa chọn ĐH mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp gia tăng. Ngoài ra, khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả ĐH nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề.

Thực tế, việc học nghề xem như một lựa chọn sáng suốt trong thời điểm này. Khi thị trường việc làm đang “thừa thầy thiếu thợ”, những bạn trẻ có tay nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm.

Không những vậy, nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay còn kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hoặc nếu không ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào thì sau khi được đào tạo, bạn trẻ cũng có thể tự khởi nghiệp với sức khỏe, bản lĩnh và tay nghề của mình.

Qua 2 năm đại dịch Covid-19, các nghề liên quan đến công nghệ, nghề có thể làm từ xa, mọi lúc mà không bị ràng buộc, giới hạn về không gian, thời gian đang là đích đến của nhiều bạn trẻ. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết ngày 30/5/2022, cả nước ước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 890.646 người (trên 40% kế hoạch), trong đó: Trình độ trung cấp thu hút được 24.192 người, đạt 7,2% kế hoạch; trình độ CĐ được 24.192 người, đạt 8,1% kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 850.000 người, đạt 54,6% kế hoạch.

Bà Tuyết Loan, Phó phòng Đào tạo, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP. Hồ Chí Minh cho hay, các học sinh đã thay đổi tư duy, học ĐH hay CĐ không còn quan trọng. Điều các em quan tâm là được thực hành, ra trường sớm, bắt tay vào công việc sớm và trở thành lao động lành nghề.

Theo các chuyên gia, sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch thì các lĩnh vực như: Du lịch, y tế, logicstics, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm... được người học quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, để bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, giới trẻ cần phải bổ sung các kỹ năng bổ trợ như: Kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, tin học... Ngoài ra, cần thay đổi nhận thức không chỉ có một con đường duy nhất là phải vào ĐH, CĐ mới thành công khi lập nghiệp.

THANH HÒA
Báo Dân sinh