Việt Nam hỗ trợ Lào công nghệ đào tạo các nghề mũi nhọn
Một số cơ sở đào tạo nghề của Lào đã được cung cấp các trang thiết bị và chuyển giao công nghệ đào tạo một số ngành mũi nhọn như công nghệ ô tô, điện, điện tử, công nghệ thông tin. Hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, sinh viên Lào đã và đang được đào tạo tại các trường đại học sư phạm kỹ thuật, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc Bộ LĐ-TB&XH với nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam…
Đây là một trong những kết quả tích cực ở lĩnh vực GDNN trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào được chia sẻ tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam – Lào lần thứ 7, ngày 2/11.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng phát triển, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội hai nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị từ đầu cầu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khái quát, cả hai nước đều đang dành những ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào. Đây cũng là mối quan hệ vĩ đại, đặc biệt có một không hai, thủy chung, gắn bó như anh em một nhà.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Kể từ Hội nghị Bộ trưởng lao động và phúc lợi xã hội Việt Nam- Lào lần thứ 6 tại Viêng-chăn năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng thấy rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ nhưng hai nước vẫn linh hoạt để thực hiện hợp tác trên các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và người có công và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn đại biểu Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam tại Hội nghị
Chia sẻ kết quả đạt được trong lĩnh vực GDNN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hai nước đã đa dạng hóa các hình thức hợp tác từ đào tạo ngắn hạn, luyện thi tay nghề ASEAN tới hỗ trợ trang thiết bị, và đào tạo dài hạn từ bậc đại học.
Một số cơ sở đào tạo nghề của Lào đã được cung cấp các trang thiết bị và chuyển giao công nghệ đào tạo một số ngành mũi nhọn như công nghệ ô tô, điện, điện tử, công nghệ thông tin…
Từ những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn ban đầu, tới nay đã có hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên, sinh viên Lào đã và đang được đào tạo tại các trường đại học sư phạm kỹ thuật, cơ sở GDNN thuộc Bộ LĐ-TB&XH với nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam.
Cùng với lĩnh vực GDNN, hai Bên cũng trao đổi kinh nghiệm về công tác người có công, hợp tác trao đổi kỹ thuật và cung cấp trang thiết bị chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Thông tin về tình hình lao động Việt Nam tại Lào và lao động Lào tại Việt Nam, về các quy định, chính sách có liên quan của hai nước và thảo luận các giải pháp để quản lý lao động Việt Nam tại Lào…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bay Kham Khat Thi Nha, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào chia sẻ về những tác động kép của đại dịch Covid-19 tới đời sống nhân dân, phát triển kinh tế- xã hội của Lào và cảm ơn những hỗ trợ to lớn về kỹ thuật, trang thiết bị y tế… của Đảng và Chính phủ Việt Nam cho Lào thời gian qua. Đồng thời, khẳng định hợp tác hai Bộ tiếp tục được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Bay Kham Khat Thị Nha
Tại Hội nghị, hai Bên cũng trao đổi về những thuận lợi, khó khăn cần khắc phục. Kết thúc Hội nghị, hai Bộ trưởng thống nhất với Báo cáo đánh giá kết quả hợp tác giai đoạn 2019-2021 và định hướng hợp tác giai đoạn 2021-2025 về lao động và xã hội và đã ký trực tuyến Biên bản Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội lần thứ 7 và Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa hai Bộ. Hai bên cũng nhất trí, Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt Nam – Lào lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Lào vào năm 2023.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Lễ ký trực tuyến Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa hai Bộ
Theo Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giữa hai Bộ, hai bên sẽ tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về phương pháp sư phạm, kỹ năng nghề, công nghệ mới cho giáo viên dạy nghề của Lào, trao đổi giáo viên, chia sẻ, cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến.
Phối hợp xây dựng chuẩn năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề tham chiếu chuẩn chung ASEAN (làm cơ sở công nhận trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề lẫn nhau); bồi dưỡng, huấn luyện chuyên gia, thí sinh Lào tham dự các cuộc thi kỹ năng nghề ASEAN.
Triển khai việc công nhận trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề lẫn nhau và khung tham chiếu ASEAN; đẩy mạnh công tác quản lý và hợp tác dịch chuyển lao động có tay nghề giữa hai nước.
Thúc đẩy hợp tác trong thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo nghề, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi và thiết bị dạy nghề tự làm. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp của Việt Nam và Lào trong lĩnh vực đào tạo và phát triển kỹ năng nghề. Khuyến khích hợp tác song phương giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam và các cơ sở đào tạo và phát triển kỹ năng nghề của Lào.
Hải Yến
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp