TS Trương Anh Dũng: “Phải coi doanh nghiệp là nhà trường thứ hai”


TS Trương Anh Dũng cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải tăng cả quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh sự tự chủ của các trường. Bên cạnh đào tạo chính quy cần đẩy mạnh đào tạo vừa học, vừa làm, coi doanh nghiệp là nhà trường thứ hai.
 

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cứ sau 5 năm 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới.

Bên cạnh đó, theo “Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0” năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì có thể nói, kỹ năng thấp chính là “rào cản” đối với lao động thanh niên Việt Nam trong thị trường việc làm của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh đó, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải góp phần dẫn dắt, định hướng phát triển nguồn nhân lực.

“Một mặt đào tạo chuẩn bị sẵn các lực lượng lao động cho phát triển địa phương, của các vùng, các ngành. Nhưng mặt khác chúng ta phải nắm bắt thông tin của thị trường lao động để tổ chức đào tạo cho nó khớp với nhu cầu”, ông Dũng cho biết.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH

Hiện nay, mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước với 1911 cơ sở đào tạo 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, thuộc 65 nhóm ngành, nghề ở 23 lĩnh vực.

Giai đoạn 2016 – 2020, tuyển sinh của các trường nghề đạt trên 11 ngàn người (đạt 103% kế hoạch, tăng 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015.

Đặc biệt, đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (2019), chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc trong trụ cột kỹ năng.

Tuy nhiên, TS Trương Anh Dũng thừa nhận, thách thức cho hệ thống Giáo dục nghề nghiệp trong việc góp phần dẫn dắt, định hướng phát triển nguồn nhân lực đang là rất lớn.

Trong đó, nhận thức về học nghề vẫn đang là rào cản. Dù thông điệp học nghề để lập thân, lập nghiệp đang được truyền thông rộng rãi nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn tuyển lao động phổ thông. Cơ cấu sản xuất, công nghệ chưa được cải tiến mạnh khiến cho doanh nghiệp vẫn tổ chức đào tạo các kỹ năng rất đơn giản cho người lao động.

“Nếu như chúng ta không đào tạo một cách bài bản khi chuyển đổi công nghệ, dịch chuyển lao động thì đây sẽ là bất lợi lớn cho người lao động”, ông Dũng lo lắng.

Bên cạnh đó, theo TS Trương Anh Dũng vẫn còn một khoảng cách về nhận thức trong mỗi gia đình khi nhiều phụ huynh đến nay vẫn không muốn cho con đi học nghề. Thậm chí, hương ước làng, xã vẫn chỉ tôn vinh, khen thưởng cho những ai đi học đại học mà chưa nơi nào khen thưởng học sinh đi học nghề có thu nhập cao.

Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp đang hình thành mạng lưới các trường nghề
chất lượng cao Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp đang hình thành mạng lưới các trường nghề chất lượng cao

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ông Dũng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo, đặc biệt là khối công lập. Nghị quyết của Trung ương đặt chỉ tiêu giảm 10% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nhưng thực tế những năm qua đã giảm 13% cơ sở.

Tuy nhiên vẫn còn sự chồng chéo, lãng phí khi cùng một địa bàn vẫn có trường đào tạo cùng một ngành nghề; Sự cạnh tranh không lành mạnh, truyền thông thì hay nhưng chất lượng lại không tới, “treo đầu dê bán thịt chó”…

“Muốn tuyển sinh và đào tạo được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có thương hiệu, phải có thực lực. Hiện nay chúng ta có khoảng 70-80 trường có chất lượng đào tạo tốt. Trong đó 45 trường đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức; 25 trường đào tạo theo tiêu chuẩn của Úc”, TS Trương Anh Dũng cho biết.

Định hướng đổi mới, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới theo ông Dũng vừa phải tăng cả quy mô lẫn tăng chất lượng, đẩy mạnh tự chủ của các trường nghề. Để đạt được mục tiêu này, buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, thay đổi phương thức đào tạo.

Các trường nghề phải tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, số hóa, áp dụng CNTT trong đào tạo. Bên cạnh đào tạo chính quy, đào tạo trực tiếp thì đẩy mạnh đào tạo vừa học, vừa làm, đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo từ xa kết hợp trực tiếp. Coi doanh nghiệp là nhà trường thứ hai.

“Vừa qua, Tổng cục GDNN đã thiết kế chương trình đào tạo dành cho người làm công tác quản lý, cán bộ kỹ thuật ở doanh nghiệp để họ trở thành giảng viên, giáo viên tham gia vào quá trình đào tạo. Thậm chí đã mở ra cơ chế cho phép trường đào tạo 40% thời gian đào tạo trong doanh nghiệp”, TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

 
BÁ DUY
VOV2