Toàn xã hội cùng tham gia xây dựng hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp

 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM liên quan đến vấn đề Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo vẫn thấp (số báo ra ngày 19/1), tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - nói:

- Dù Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới, nhưng bất bình đẳng giới trong lao động và tiếp cận việc làm ở nước ta vẫn còn và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng. Nhằm thúc đẩy việc thực hiện hai mục tiêu, hai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra “Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030”, các nguồn lực dành cho đào tạo, dạy nghề vẫn cần được ưu tiên nhiều hơn cho khu vực nông thôn, đặc biệt là nữ giới.

Phóng viên: Thưa ông, tại các thành phố lớn, thực trạng tiếp cận GDNN của lao động nữ di cư cũng đang là một vấn đề cần quan tâm?

Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình: Một cách khái quát, văn bản pháp luật, các đề án và một số cam kết của Việt Nam với quốc tế thì phụ nữ - bao gồm cả phụ nữ di cư và làm việc trong các khu vực phi chính thức - luôn được quan tâm trong học tập, bồi dưỡng, đào tạo nghề, tạo việc làm nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an ninh xã hội. Một số văn bản pháp luật còn bảo hộ người phụ nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ trong lao động và đào tạo. Thế nhưng, việc triển khai trong thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đạt kết quả như mong đợi. Ngoài ra, vấn đề đào tạo lại, đào tạo nghề cho phụ nữ di cư còn chưa được đề cập, các chính sách đào tạo nghề, lao động và việc làm chưa thực sự giải quyết cho nhóm lao động phi chính thức.

Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

* Ông có thể phân tích những mặt hạn chế này?

- Lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ di cư, gặp nhiều hạn chế khi muốn tìm kiếm việc làm tốt hơn và thu nhập cao hơn bởi vì phần lớn họ thiếu thông tin về tuyển dụng và không có các kế hoạch để nâng cao kỹ năng nghề và trình độ để cải thiện tình trạng việc làm. Nhận thức và trình độ của lao động nữ di cư cũng còn hạn chế. Đa số đều không có trình độ chuyên môn. Phần lớn lao động làm việc ở khu vực phi chính thức không được đào tạo nghề, hoặc học nghề thông qua vừa học vừa làm.

Các chế độ liên quan đến bảo hiểm của người lao động chưa được quan tâm. Do làm việc tại các cơ sở phi chính thức nên họ ít được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại nơi làm việc. Các chế độ đãi ngộ khác cũng hạn chế. Bên cạnh đó, do việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài nên người lao động ít có cơ hội học nghề, nâng cao trình độ và nhận được rất ít hỗ trợ từ phía chủ cơ sở sử dụng lao động trong vấn đề này. Một bộ phận lao động di cư đã có kinh nghiệm làm việc và trình độ tay nghề nhất định nhưng do chưa có bằng cấp, chứng chỉ nên trình độ kỹ năng đó đã không được công nhận chính thức trên thị trường lao động.

Giải pháp để đẩy mạnh bình đẳng giới trong lao động, tiếp cận việc làm và nâng tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề sẽ như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, cần nghiên cứu chính sách cụ thể cho lao động nữ di cư làm việc trong khu vực phi chính thức, đề xuất một số điều khoản cụ thể tại chương X - Những quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ luật Lao động sửa đổi. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ di cư tại khu vực thành thị. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông đối với lao động nữ di cư về đào tạo phát triển kỹ năng, hướng nghiệp, tư vấn nghề và việc làm…

Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bổ sung quan điểm phát triển bao trùm không bỏ ai lại phía sau, mục tiêu cụ thể đã được xác định đến năm 2025 thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN, trong đó học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Đến năm 2045, lần lượt 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống GDNN, với tỷ lệ nữ đạt trên 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Chiến lược cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể để đạt được tỷ lệ nữ học sinh, sinh viên tham gia học nghề. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN. Trong đó nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút người học các trình độ GDNN thuộc lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm; chính sách bình đẳng giới trong GDNN; hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và người lao động qua đào tạo nghề nghiệp… Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN, từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

Thứ hai, truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN. Hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN với sự tham gia của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của GDNN, tầm quan trọng của kỹ năng lao động và cơ hội có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo nghề nghiệp.

Xin cảm ơn ông! 

Quốc Ngọc (thực hiện)
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Theo vùng kinh tế thì đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ lao động nữ đang làm việc đã qua đào tạo thấp nhất với 11,9%. Tiếp đến là Tây Nguyên 13,6%, trung du và miền núi phía Bắc 15,9%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 18,4%, Đông Nam bộ 25,1%. Cao nhất là đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 27,8%.