“Siêu máy tính” được sử dụng trong kỳ thi Kỹ năng nghề


Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 diễn ra từ ngày 02/12-12/12 với 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến và 3 nghề thi trực tiếp. 

Với chủ đề “nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 chính thức diễn ra từ ngày 02/12-12/12/2021.

Để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19, trước mắt kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 tổ chức thi 14 nghề, trong đó 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến (do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long chủ trì) và 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chủ trì).

Một điểm đặc biệt của kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần này là hầu hết các nghề được tổ chức theo phương thức xã hội hóa (10/14 nghề). 

Trao đổi với báo chí ngày 02/12, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 được tổ chức sau nhiều lần trì hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một nỗ lực rất lớn của Ban tổ chức, các đơn vị đăng cai và đặc biệt là từ chính các thí sinh.

“Trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia vẫn phải đảm bảo mục tiêu cao nhất là chất lượng, minh bạch, công bằng và góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động”, bà Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ thông tin với báo chí về kỳ thi ​​​​​​Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ thông tin với báo chí về kỳ thi ​​​​​​Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12

Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp), việc tổ chức thi Kỹ năng nghề theo hình thức trực tuyến (online) là một bước đột phá của Kỹ năng nghề Việt Nam, một cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng như đánh giá kỹ năng nghề…

Cụ thể, các nghề theo hình thức trực tuyến sẽ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, công nghệ số, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) để đảm bảo sự kết nối và an toàn; an ninh dữ liệu thông qua kết nối máy tính với mạng internet dưới dự điều khiển của máy tính và ứng dụng các khoa học công nghệ số khác để các thí sinh dự thi có thể làm bài tại nhiều điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự đồng bộ về mặt trang thiết bị, cấu hình máy tham gia…

“Lần đầu tiên siêu máy tính được sử dụng tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất cao, bộ chip đời mới nhất, dung lượng, đường truyền lớn, nhanh để thí sinh có thể làm bài với một khoảng thời gian rất lớn, thậm chí có những bài thi kéo dài tới 18 tiếng. Đặc biệt, quá trình thi, giám sát, đánh giá, chấm điểm sẽ được xử lý bởi công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn… những giải pháp này chỉ có siêu máy tính mới đảm bảo được”, ông Trường cho biết.

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề
(Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp) Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp)

11 nghề thi theo hình thức trực tuyến hầu hết thuộc nhóm các ngành/nghề công nghệ thông tin (CNTT) như: Lắp cáp mạng CNTT, Quản trị hệ thống mạnh CNTT; Điện toán đám mây; Giải pháp phần mềm; Công nghiệp 4.0… Ngoài ra còn có các nghề: Thiết kế đồ họa; Thiết kế thời trang kỹ thuật số; Thiết kế kỹ thuật Cơ khí CAD; Robot di động…

3 nghề thi theo hình thức trực tiếp là: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò. Ông Ngô Xuân Quang (Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam cho biết, đây đều là 3 nghề lần đầu tiên được tổ chức tại một kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia dành cho người lao động làm việc trực tiếp trong mỏ hầm lò. Thông qua kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia, ông Quang kỳ vọng không chỉ tạo không khí thi đua mà còn là cơ hội nâng cao trình độ và năng suất lao động.

Theo thống kê của Ban tổ chức, Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 có sự tham gia của 163 thí sinh đến từ 25 đoàn. Trong đó có 23 đoàn dự thi trực tuyến tại 30 điểm cầu của 17 tỉnh, thành phố. Thí sinh nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005 (16 tuổi) và thí sinh lớn tuổi nhất sinh năm 1972 (49 tuổi).

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp) khẳng định, việc mở rộng độ tuổi dự tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, kỹ năng của chính người lao động. Người lao động sẽ có cơ hội trải nghiệm, cập nhật những kỹ năng mới nhất của tay nghề thế giới.

“Đề thi được cập nhật các kỹ năng, công nghệ đỉnh cao, tiên tiến nhất. Độ khó, độ phức tạp của đề thi không khác gì với đề thi khu vực Asean và Thế giới”, ông Nguyễn Chí Trường cho biết.

 
VOV2