Phân luồng học sinh phổ thông: Thay đổi cách làm để tránh hình thức, lãng phí

 

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (đợt 2) năm 2022 đang được tổ chức trực tiếp tại 4 Hội đồng thi quốc gia. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN - Bộ LĐTBXH) về định hướng, chiến lược đào tạo nghề trong thời gian tới.


Ông Phạm Vũ Quốc Bình.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình.
 

PV: Thưa ông, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, những mục tiêu cụ thể nào được đặt ra?

Ông Phạm Vũ Quốc Bình: Mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu: Thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN. Phấn đấu có khoảng 70 trường nghề chất lượng cao, trong đó: 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao…

Đến năm 2030, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; Thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; Khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; Phấn đấu có khoảng 90 trường chất lượng cao…

Thưa ông, lâu nay công tác phân luồng, hướng nghiệp trong các trường phổ thông chưa thực sự đạt hiệu quả. Vậy việc định hướng nghề nghiệp phải làm thế nào để không hình thức, tránh lãng phí nguồn nhân lực?

- Trước hết, cần tạo sự chuyển biến về nhận thức của người học, phụ huynh và người dân nói chung về các cơ hội, con đường học tập, việc làm. Tiếp đó, cần chuẩn hóa nội dung, phương pháp về hướng nghiệp trong chương trình học tại trường THCS và THPT, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông.

Các cơ sở GDNN chủ động, linh hoạt, sáng tạo liên tục trong công tác tuyển sinh, lựa chọn các sản phẩm gần gũi, phù hợp với từng đối tượng được tư vấn hướng nghiệp, tránh ép buộc và chạy đua theo hình thức để góp phần làm thay đổi tư duy và nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Chú trọng đến các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…

Hiện quy mô đào tạo của các trường nghề tăng, nhưng rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực của thị trường? Vậy những bất cập nào đang tồn tại trong đào tạo nghề hiện nay?

- Trước hết là quy mô, số lượng đào tạo chưa tương xứng với dân số trong độ tuổi lao động. Đến hết năm 2021, còn khoảng 74% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp.

Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị: “Đến năm 2020 ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề và “Đến 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp”. Số lượng số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp giai đoạn 2016 - 2020 chỉ chiếm khoảng 16,3% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm.

Về chất lượng đào tạo, ở một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động. Xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN, chưa trở thành nhân tố chính trong các nhân tố tổng hợp cho tăng trưởng kinh tế, mặc dù trong mấy năm gần đây đã được thăng hạng lên trên 13 bậc. Đáng lưu ý là hội nhập quốc tế chưa chủ động và hiệu quả chưa cao.

Một trong những vấn đề người học quan tâm nhất hiện nay là gỡ khó việc dạy văn hóa trong trường nghề ra sao, để họ được đảm bảo quyền lợi và mong muốn học liên thông khi có nhu cầu?

- Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục GDNN đã có báo cáo đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ: Đề nghị sớm phê duyệt Đề án và cho phép thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS học GDNN; Cho phép các trường trung cấp, CĐ đã được giảng dạy chương trình văn hóa THPT thì tiếp tục giảng dạy chương trình văn hóa THPT cho người học đến khi có quy định mới; Chỉ đạo Bộ GDĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Trong đó cần quy định rõ: Khối lượng kiến thức văn hóa THPT để dạy trong các cơ sở GDNN và điều kiện để các cơ sở GDNN tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT; Các trường trung cấp, CĐ đủ điều kiện theo quy định của Bộ GDĐT thì được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho người học theo quy định; Học sinh có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì được dự thi tốt nghiệp THPT và học liên thông lên trình độ ĐH.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (đợt 2) năm 2022 đang được tổ chức trực tiếp tại 4 Hội đồng thi quốc gia (diễn ra từ ngày 12-23/7). Có 110 thí sinh tham gia ở 9 nghề thi: Chăm sóc sắc đẹp; Thiết kế các kiểu tóc; Sơn ô tô; Điện lạnh; Công nghệ ô tô; Công nghệ thời trang; Lắp đặt điện; Chăm sóc sức khỏe và xã hội; Dịch vụ nhà hàng- Nấu ăn. Đây là các nghề thi sẽ xuất hiện tại các kỳ thi kỹ năng nghề thế giới và ASEAN.

MINH QUANG - LÂM AN (THỰC HIỆN)
Báo Đại Đoàn kết