Những mong mỏi, kỳ vọng của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp gửi đến Thủ tướng
Những mong mỏi, kỳ vọng của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp gửi đến Thủ tướng
Vinh dự đại diện cho hơn 83.000 nhà giáo GDNN về dự và phát biểu tại lễ gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ, TS khoa học, bác sĩ Dương Quý Sỹ – Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng; nhà giáo Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai đã báo cáo với Thủ tướng những thành tích ấn tượng của GDNN cũng như kiến nghị đến người đứng đầu Chính phủ những cơ chế, chính sách để GDNN tiếp tục phát triển, hoàn thành sứ mệnh của mình là đào tạo nguồn lực có kỹ năng, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Sáng 14/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện 60 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong đó, có 10 nhà giáo, cán bộ quản lý đến từ lĩnh vực GDNN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên cả nước – Ảnh VGP/Nhật Bắc
Dạy nghề vượt khó vươn lên, phát triển ngang tầm quốc tế
Báo cáo với Thủ tướng, nhà giáo Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Sau khi đất nước độc lập với một nền tảng cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật lạc hậu và hệ thống dạy nghề chưa phát triển, đến nay, GDNN Việt Nam đã từng bước khắc phục những khó khăn để vươn lên, đã có nhiều ngành nghề tiệm cận và phát triển ngang tầm quốc tế, có nhiều sinh viên thi kỹ năng nghề Quốc tế đạt giải cao.
Trong những năm qua, GDNN Việt Nam đã và đang ngày đêm miệt mài đào tạo hàng chục triệu công nhân kỹ thuật và người lao động có tay nghề đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ, cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thầy Hoàng Quang Đạt: Hệ thống GDNN đã đào tạo ra hàng chục triệu người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến – Ảnh VGP/Nhật Bắc
Riêng đối với khu vực miền núi phía Bắc, với đặc thù là địa hình phân bậc và chia cắt mạnh, đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn về KT-XH, khó khăn trong tiếp cận giáo dục và khoa học kỹ thuật tiên tiến – hệ thống dạy nghề bằng sự năng động sáng tạo, đã dời thành thị mang nghề đến với nông thôn. Các nhà trường GDNN đã tổ chức hàng nghìn lớp dạy nghề đến các làng, bản, vùng núi, vùng sâu. Để đến ngày hôm nay, đứng giữa dải đất biên cương nhìn những thành tựu mà người dân chúng ta đã đạt được: như những mảnh vườn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những rừng cây xanh tốt không kém gì bên đất nước bạn Trung Quốc; những công xưởng, những nhà máy, khu công nghiệp từ những hoang tàn sau chiến tranh… chúng tôi không khỏi tự hào về sự thay đổi thần kỳ này.
Từ thực tiễn người làm công tác quản lý, nhà giáo Hoàng Quang Đạt nhìn nhận quản lý địa phương có hai mặt then chốt là: An ninh và phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống GDNN đã đóng góp một tỷ lệ khá lớn những người lao động có tay nghề, có việc làm ổn định, từ đó góp phần vào sự ổn định xã hội, cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mạnh mẽ trong những năm qua.
Đặc biệt, “việc mang nghề đến nông thôn còn có một đóng góp không nhỏ giúp đồng bào ổn định kinh tế, giảm thiểu di dịch cư tự do, giảm thiểu nạn phá rừng trái phép, người dân có thể yên tâm sống và làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình và đặc biệt giúp cho hàng chục triệu người dân vùng núi có cuộc sống phát triển và ổn định”, thầy Hoàng Quang Đạt báo cáo Thủ tướng.
Để có được những thành quả tích cực trước hết là nhờ sự quan tâm với chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với GDNN. Điều này được thể hiện bằng những Nghị quyết, cơ chế chính sách để GDNN khắc phục khó khăn, vươn lên ngày càng khẳng định vị thế của mình với bạn bè quốc tế và khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, không thể không nói tới những gian lao vất vả của các thầy, cô giáo trong hệ thống GDNN đang ngày đêm tận tụy với công việc của mình. Những cán bộ tuyển sinh phải trèo đèo lội suối, leo lên những con dốc núi dựng đứng để vận động tuyên truyền người dân; hơn thế nữa những cán bộ giảng viên đã gác lại những khó khăn bộn bề của cuộc sống để mang hết kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến với đồng bào để ăn ngủ cùng đồng bào dân tộc thiểu số và dạy nghề cho họ.
Trong giai đoạn tới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ban, ngành, hệ thống chính trị cho GDNN, các nhà giáo trong các trường GDNN trên cả nước,
Ưu đãi về cơ chế, chính sách để nhà giáo yên tâm gắn bó, cống hiến
Nhấn mạnh những yêu cầu lớn lao đặt ra từ thực tiễn, nhà giáo Hoàng Quang Đạt cho rằng, GDNN của đất nước trong những năm tới cần đột phá mạnh mẽ để vươn lên đào tạo ra những cán bộ kỹ thuật có trình độ, kiến thức kỹ năng để phát triển kinh tế-xã hội, song hành cùng sự phát triển của đất nước, song hành cùng sự phát triển của dân tộc.
Phân tích đặc thù của GDNN là đầu tư ban đầu lớn, chi phí đào tạo cao và người học phần lớn là những người khó khăn nên khó thu hút đầu tư tư nhân, đại diện cho đội ngũ nhà giáo GDNN, nhà giáo Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH quan tâm giải quyết các vấn đề về mặt cơ chế, chính sách.
Đó là: Quy hoạch mạng lưới các trường nghề phù hợp với Quy hoạch quốc gia, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong quy hoạch Quốc gia; Xây dựng chiến lược đào tạo nghề quốc gia và các dự án thành phần, có cơ chế, có lộ trình chi tiết, có đích đến là người lao động Việt Nam giỏi nghề, có năng lực làm việc tốt trong và ngoài nước; Xây dựng cơ chế cụ thể, chi tiết và thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực: (1) Thành lập cơ sở GDNN; (2) Tham gia đào tạo nghề cùng các trường nghề; (3) Tuyển dụng lao động; Ban hành Nghị định về đặt hàng đào tạo với những ngành nghề trọng điểm quốc gia, trước mắt, có cơ chế miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học nghề trọng điểm với những đối tượng khó khăn vì thực tiễn cho thấy điều kiện kinh tế của các gia đình có con em đi học nghề không tốt bằng những gia đình có con em đi học ở phân khúc giáo dục khác
Nhà giáo Hoàng Quang Đạt cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH quan tâm để Lào Cai có thể xây dựng một Trường CĐ chất lượng cao cho tỉnh và cho nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc.
“Vai trò của GDNN tại nhiều địa phương còn mờ nhạt, nhưng hệ thống GDNN nói chung, nhà giáo GDNN nói riêng luôn xác định những khó khăn đó như những thử thách kiên quyết phải vượt qua, để đưa GDNN của nước nhà bước lên những vinh quang mới, những đỉnh cao mới”, thầy Hoàng Quang Đạt chia sẻ tại buổi gặp mặt.
Thầy Dương Quý Sỹ mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù – Ảnh VGP/Nhật Bắc
Góp chung tiếng nói từ hệ thống GDNN, PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng cho biết: Trong giai đoạn tới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ban, ngành, hệ thống chính trị cho GDNN, các nhà giáo trong các trường GDNN trên cả nước, có những chính sách, mô hình đào tạo kỹ năng toàn diện, bao trùm, đặc biệt là thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, tình hình mới hiện nay.
“Rất mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù, đào tạo, GDNN cho đối tượng yếu thế, ở các trường dân tộc nội trú, những ngành nghề đặc biệt… Mong rằng chúng ta có những chính sách thu hút nhân tài, cũng như có những mô hình mới để phát triển các trung tâm đào tạo nghề quốc gia, hình thành hệ thống liên kết trong GDNN, để lực lượng lao động ngang tầm với khu vực và thế giới”, PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng đề xuất.
Theo PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ, những chỉ đạo, đồng hành, tình cảm của Thủ tướng dành cho GDNN, các cơ sở GDNN là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ giáo viên đóng góp hơn nữa, phấn đấu đạt được “mục tiêu kép” trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, ngày 13/11, Tổng cục GDNN cũng đã tổ chức gặp mặt, tôn vinh các cán bộ quản lý và nhà giáo GDNN tiêu biểu, xuất sắc
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, nhà giáo GDNN được hưởng các chính sách chung như đối với nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân như: Chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút đối với nhà giáo giảng dạy ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách tôn vinh nhà giáo, chính sách đào tạo, bồi dưỡng… đồng thời được hưởng chính sách đặc thù, thu hút những người có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề cao trở thành nhà giáo GDNN.
Để động viên, khuyến khích nhà giáo GDNN yên tâm gắn bó với nghề, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2015/NĐ-CP. Điểm nổi bật của Nghị định là quy định nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành được hưởng phụ cấp đặc thù.
Bên cạnh đó, nhà giáo GDNN còn được hưởng chính sách đặc thù trong việc xếp hạng chức danh, chuyển xếp lương và thi, xét thăng hạng theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH, Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH, Thông tư 31/2019/TT-BLĐTBXH.
Các văn bản này được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên GDNN, góp phần động viên, khuyến khích nhà giáo không ngừng phấn đấu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế: Một số các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN. Chưa chú trọng đến bồi dưỡng nâng cao năng lực và đặc biệt là nâng cao trình độ kỹ năng nghề, năng lực sư phạm số và năng lực phát triển chương trình đào tạo cho nhà giáo GDNN.
Hệ thống các chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo GDNN, các chính sách về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo GDNN giỏi, chính sách thu hút những người có chuyên môn kỹ thuật, có tay nghề giỏi, có kinh nghiệm và thực tế sản xuất vào làm nhà giáo…. chậm được sửa đổi, ban hành. Do vậy chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển đội ngũ nhà giáo và người đào tạo là người của doanh nghiệp.
Nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ nhà giáo còn hạn chế.
Hải An
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp