Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội giảng nhà giáo GDNN “đặc biệt” nhất từ năm 1998

 

Là Hội giảng đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến tính từ năm 1998 trở lại nay, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 không chỉ thu hút sự chú ý của xã hội về năng lực của hệ thống GDNN, về chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN thông qua hoạt động trình giảng của các nhà giáo mà còn thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp bởi các hoạt động chuyên môn, bên lề trao đổi về các vấn đề nóng của GDNN.

404 nhà giáo trình giảng tại 113 địa điểm

Với mong muốn truyền đi thông điệp “Nhà giáo GDNN ĐỔI MỚI – SÁNG TẠO- THÍCH ỨNG – HỘI NHẬP” – nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, Hội giảng sẽ tập trung phát động, lan tỏa hình ảnh, thông tin về hệ thống GDNN thông qua năng lực thích ứng của nhà giáo khi sử dụng công nghệ và áp dụng phương pháp mới trong tổ chức giảng dạy.

404 nhà giáo GDNN sẽ tham gia trình giảng tại 113 địa điểm trình giảng của 55 địa phương và 06 Bộ, ngành và kết nối với cổng thông tin Hội giảng. Thứ tự trình giảng được bốc thăm ngẫu nhiên qua ứng dụng công nghệ thông tin. Việc bốc thăm được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chứng kiến trực tiếp của đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội và trực tuyến của đại diện Lãnh đạo 61 đoàn tham gia Hội giảng.

Giám khảo thực hiện đánh giá tại nơi làm việc của giám khảo qua máy tính cá nhân kết nối cổng thông tin Hội giảng. Lần đầu tiên điểm đánh giá bài trình giảng được công khai trên cổng thông tin của từng tiểu ban ngay sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng tối đa 05 phút.

Lần đầu tiên, các bài trình giảng và đánh giá bài trình giảng sẽ được livestreams trên kênh thông tin của các tiểu ban để các đại biểu, nhà giáo và học sinh, sinh viên theo dõi. Theo đó, hoạt động trình giảng và chấm trình giảng được giám sát bởi tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan (các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN có nhà giáo dự thi, nhà giáo, học sinh sinh viên,…) đảm bảo “Khách quan – Công bằng – Chính xác” của Hội giảng.

Ban tổ chức tập trung ở một địa điểm tại Hà Nội (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội), thực hiện điều hành, giám sát thông qua cổng thông tin Hội giảng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng đại diện lãnh đạo Tỏng cục GDNN kiểm tra công tác chuẩn bị Hội giảng tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, chiến lược GDNN giai đoạn tới sẽ tập trung vào chuyển đổi số và phát triển công tác nhà giáo. Kỹ năng nghề giỏi phải bắt nguồn từ đổi mới nhà giáo. Những đổi mới tại Hội giảng Nhà giáo GDNN năm nay sẽ tạo động lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo GDNN.

Lần đầu tiên tổ chức Triển lãm số trong GDNN

Triển lãm số trong GDNN do Tổng cục GDNN cùng với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp tổ chức với mục tiêu giới thiệu kết quả các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN tại Việt Nam, đặc biệt là trong phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN; kết quả tiêu biểu của các cơ sở GDNN; công nghệ và sản phẩm của các DN.

Dự kiến, sẽ có khoảng 35 gian triển lãm, gồm các gian triển lãm của một số cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế (OIF, ILO, GIZ,…) và một số cơ sở GDNN. Mỗi gian triển lãm bao gồm: 01 logo của đơn vị; 03 hình ảnh tiêu biểu (dưới dạng slide ảnh); 01 video; thông tin giới thiệu về đơn vị; thông tin liên hệ (Zalo, FB, SĐT); file đính kèm (báo cáo, catalogue, tài liệu chuyên môn…).

Chung kết Cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN”

Cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN” do Tổng cục GDNN cùng với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) phối hợp tổ chức được phát động từ ngày 15/7/2021.

Cuộc thi đã nhận được sự nước tích cực hưởng ứng, tham gia của các địa phương, cơ sở GDNN trên cả nước. 50 địa phương đã tổ chức cuộc thi (Vòng 1) ở cấp cơ sở với 600 nhà giáo có sản phẩm tham dự và lựa chọn ra 101 bài có chất lượng tốt nhất tham gia Vòng 2 (Vòng sơ loại toàn quốc). Trên cơ sở đó, Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra 7 bài giảng có chất lượng tốt nhất để tham dự Vòng 3 (Vòng chung kết toàn quốc) được tổ chức trong thời gian diễn ra Hội giảng. Kết quả chấm và xếp giải Cuộc thi được công bố và trao giải tại Lễ Bế mạc Hội giảng.

Tọa đàm “Hợp tác quốc tế trong GDNN: Cơ hội và tiềm năng”

“Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và tiềm năng” là chủ đề Tọa đàm do Tổng cục GDNN cùng phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tổ chức nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong GDNN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tọa đàm sẽ diễn ra vào chiều 15/11/2021 tại trụ sở Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các đại biểu trong nước và quốc tế. Dự kiến có khoảng 350 đại biểu tham dự, cả trực tiếp và trực tuyến.

Tại Tọa đàm, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong phát triển và nâng cao chất lượng nhà giáo GDNN giữa các quốc gia, cơ quan, tổ chức quốc tế; Thông tin về định hướng, tiềm năng, cơ hội hợp tác trong phát triển đội ngũ GDNN giữa các quốc gia, cơ quan, tổ chức quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực GDNN giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa Tổng cục GDNN với các cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN.


Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp gặp mặt đoàn cán bộ, chuyên gia, nhà giáo tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021

Theo Tổng cục GDNN, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và hướng đến hoàn thành mục tiêu cụ thể đã của Nghị Quyết tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng.

Với khoảng hơn 51 triệu người đang trong độ tuổi lao động, trong đó trên 55% là đội ngũ những người trực tiếp làm ra của cải, vật chất, dịch vụ và đóng vai trò quan trọng góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh và là nguồn lực, động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

GDNN với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có nhiệm vụ và vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực cho sự phát triển quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị Quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và ảnh hưởng sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế là một trong những giải pháp ưu tiên, trọng tâm.

Hội thảo “Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà GDNN và người đào tạo là người của DN”

Hội thảo “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN và người đào tạo là người của DN” do Tổng cục GDNN cùng phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tổ chức là một trong những hoạt động nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong GDNN, đặc biệt là trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hội thảo sẽ diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021 tại trụ sở Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các đại biểu trong nước và quốc tế.

Thông qua Hội thảo, nhằm đánh giá được thực trạng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; mối quan hệ hợp tác giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trong đó có thực trạng việc huy động người đào tạo của doanh nghiệp tham gia vào GDNN. Nắm bắt được kinh nghiệm của các nước phát triển như Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức và của hai đại diện cơ sở GDNN Việt Nam trong việc nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thích ứng với đại dịch Covid-19; gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển đội ngũ người đào tạo là người của DN.

Đề xuất được giải pháp nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có khả năng thích ứng với bối cảnh hội nhập và đại dịch Covid-19; đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của DN, thị trường lao động của GDNN.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương, năm nay là lần đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam cùng với Lễ Bế mạc Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc để động viên, tôn vinh nhà giáo có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp GDNN, đặc biệt là nhà giáo đạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba) tại Hội giảng.


Hải Yến/ nghenghiepcuocsong.vn