Nghịch lý trường nghề: Lương ra trường cao hơn cả... cử nhân nhưng vẫn "khát" học viên?

 

Dù có mức lương khi ra trường không hề thấp, đôi khi, cao hơn cả khởi điểm của cử nhân đại học, trường nghề vẫn khó thu hút thí sinh - Vì sao? Lời giải là gì?

 

Nhu cầu lao động có tay nghề chiếm khoảng 70% thị trường lao động, nhưng hiện nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng một nửa. Trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, mức lương học viên trường nghề ra trường khá cao so với mặt bằng chung, thế nhưng các trường đào tạo nghề vẫn ít người học. Tại sao có nghịch lý này?

Lương khi ra trường cao, trường nghề vẫn "đói" học viên: Tâm lý không muốn làm "thợ" còn nặng nề

 

Mùa tuyển sinh lớn nhất trong năm đã bắt đầu. Hàng trăm nghìn học sinh lớp 12 đang trong những ngày căng thẳng chọn trường, chọn ngành, quyết định con đường tương lai của mình. Đây cũng là lúc câu chuyện mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực cần nhìn nhận rõ hơn. Trong khi cuộc đua vào các trường đại học hết sức nóng bỏng, khối trường đào tạo nghề kỹ thuật, lao động có tay nghề vẫn khó tuyển sinh. Nhìn vào thực trạng tuyển sinh và nhu cầu của doanh nghiệp, có thể thấy rõ sự thiếu hụt công nhân kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật cao như thế nào.

Sau 2 năm dịch bệnh, một số ngành đang trên đà phục hồi cần nhiều lao động đã qua đào tạo. Nhờ đó hoạt động tuyển sinh của các trường nghề cũng trở nên tấp nập hơn. Sự quan tâm của người học là có nhưng các trường cao đẳng xác định sẽ gặp nhiều khó khăn do thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học hơn.

Theo TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, dù có những thách thức trong việc thu hút đào tạo nghề song mấu chốt để các trường nghề có thể tạo ra yếu tố cạnh tranh chính là từ chỗ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Nghịch lý trường nghề: Lương ra trường cao hơn cả... cử nhân nhưng vẫn khát học viên? - Ảnh 1.

Nhiều học viên trường nghề có mức lương sau ra trường hấp dẫn nhưng các cơ sở đào tạo nghề đang gặp khó khăn trong việc tuyển sinh vì tâm lý ngại làm "thợ" còn nặng nề. (Ảnh minh họa)

5 năm qua, lao động kỹ thuật hầu như không tăng trong khi các nhà máy mới mở ngày càng nhiều lên. Sự mất cân đối giữa tỷ lệ học đại học và học nghề dẫn tới sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều gây lãng phí, sản xuất không phát triển được vì thiếu người làm việc trực tiếp trong các nhà máy.

Từ năm nay, các trường nghề cũng sẽ tuyển sinh viên quanh năm bằng phương pháp xét học bạ. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh khối cao đẳng là 200 nghìn em, vẫn còn thấp hơn 50% so với nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ về góc nhìn với tư cách một đơn vị tuyển dụng, ông Nguyễn Hoàng Tú - Giám đốc dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao - Công ty cổ phẩn Kết nối nhân sự Talentnet, Trưởng ban Chiến lược Nguồn nhân lực, Hiệp hội nhân sự cho hay: "Đối với thị trường, lực lượng lao động có tay nghề cũng như lao động phổ thông đang thiếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam, tập trung vào các thành phố lớn có lực lượng lao động lớn ví dụ như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Trung bình mỗi tỉnh thành đang thiếu khoảng 50.000 - 60.000 lao động".

Theo ông Tú, câu chuyện khó khăn của trường nghề chúng ta đều đã biết trong nhiều năm qua, vất vả từ khâu tuyển sinh khi văn hóa của người Việt Nam vẫn thích việc học Đại học. Trong khi, việc trúng tuyển Đại học cũng đơn giản hơn ngày xưa khi số lượng trường tăng lên, chỉ tiêu tuyển sinh tăng. Bên cạnh đó, nội bộ các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề cũng chưa đủ nguồn lực ví dụ như thiếu hụt chất lượng giảng viên, thiếu hợp tác với doanh nghiệp hay nguồn lực liên quan đến máy móc thiết bị hỗ trợ đào tạo…

Và, điều đó xuất phát từ tâm lý "không muốn làm thợ" có thể vẫn còn nặng nề. Nguyên nhân chính có thể đến từ phía gia đình khi bố mẹ mong mỏi con học đại học để có 1 tương lai tốt hơn. Một phần nữa là xã hội cung cấp thông tin bị thiếu để rồi từ đó tâm lý thí sinh cũng có sự phân biệt, nghiêng về phía đi học đại học hơn là học nghề.

Hướng nghiệp: Lời giải cho bài toán ở trường nghề?


Nghịch lý trường nghề: Lương ra trường cao hơn cả... cử nhân nhưng vẫn khát học viên? - Ảnh 2.

Hướng nghiệp có phải là lời giải cho các trường nghề? (Ảnh minh họa)

Cuối năm ngoái, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh có làm một khảo sát, cho thấy nhu cầu nhân sự của hơn 20 nghìn doanh nghiệp như sau:

15% cần nhân sự chưa qua đào tạo (VD: dệt may - giày da, cơ khí, công nghệ lương thực - thực phẩm, bảo vệ)…

85% cần nhân sự qua đào tạo, nhưng trong đó, nhu cầu trình độ đại học chiếm hơn 17%, còn lại 68% nhu cầu lao động có trình độ nghề (tức là có bằng sơ cấp, trung cấp, cao đẳng).

Tuy nhiên, nguồn cung lại có sự lệch pha nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong số lao động đi tìm việc trong quý III/2021 có hơn 26% là lao động chưa qua đào tạo, gần 36% là người có trình độ đại học, còn lao động có trình độ nghề (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) chỉ chiếm hơn 38%.

NHU CẦU THỊ TRƯỜNG NGUỒN CUNG LAO ĐỘNG
- Chưa qua đào tạo: 15% - Chưa qua đào tạo: 26%
- Đại học: 17% - Đại học: 36%
- Có tay nghề: 68% - Có tay nghề: 38%


Như vậy là có sự lệch pha rất lớn về cầu và cung với lao động có tay nghề. Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Tú cho hay: "Khi các doanh nghiệp thiếu nguồn lực, đặc biệt là lao động có tay nghề chắc chắn câu chuyện kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng khi các công ty không đảm bảo được các cam kết về sản phẩm với đối tác. Thứ hai, những người được đào tạo nghề không đủ, còn người học đại học thì thừa, có thể xảy ra câu chuyện những người phải làm trái ngành trái nghề. Rất có thể, những lao động dạng này sẽ không có được cảm hứng trong công việc, dễ mất định hướng, dễ sinh ra những hệ lụy liên quan đến xã hội khác.

Khi học đại học, chúng ta phải mất từ 4 - 5 năm với chi phí không hề nhỏ, trong khi đó, học nghề chỉ mất từ 2 - 3 năm. Do đó, sẽ có những trường hợp cảm thấy lãng phí thời gian khi đầu tư công sức nhưng lại không có được công việc tốt. Và vì thế, việc có 1 định hướng tốt theo tôi quan trọng hơn việc cứ phải đi học đại học" - ông Tú cho biết thêm.

Câu chuyện hướng nghiệp không phải là bài toán của riêng các trường phổ thông mà là bài toán của cả doanh nghiệp. Theo tôi, hướng nghiệp không phải bắt đầu từ PTTH mà từ cuối cấp THCS.

Ông Nguyễn Hoàng Tú: "Trong nhiều năm trở lại đây, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược của Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, lực lượng lao động ở Việt Nam đã có sự dịch chuyển tích cực từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp".

Để nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, nguồn nhân lực có chất lượng cao là một điều kiện tiên quyết. Do đó, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo là đòi hỏi không thể khác. Nhưng ngay trong số lao động được đào tạo, cơ cấu lao động tay nghề cần phải được cải thiện nhanh chóng, để vừa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, vừa tránh những lãng phí không nhỏ về mặt xã hội.

Theo VTV.VN