Môn học khởi nghiệp sẽ được dạy trong các trường Giáo dục nghề nghiệp

 

Tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp thời đại 4.0, các chuyên gia, cơ sở GDNN mong muốn đưa môn startup vào chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Giáo dục nghề nghiệp

Để triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh sinh viên từ nay đến năm 2025, bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên cho biết, dự kiến trong thời gian tới Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng tới phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái này xuất phát từ các cơ sở GDNN, đồng hành với học sinh sinh viên.

Bà Huyền đánh giá, dù môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam so với trên thế giới còn non trẻ nhưng có nhiều tiềm năng và lợi thế: Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của dân số vàng, nền kinh tế đang phát triển, đang có hơn nửa triệu doanh nghiệp hoạt động. Chúng ta cũng có hàng nghìn trường ĐH, CĐ, Trung tâm nghiên cứu.

Để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cần có sự kết nối với các đối tác bắt nguồn từ các cơ sở GDNN, xây dựng mạng lưới chuyên gia và nhà cố vấn.

Tiếp đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tổ chức Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên Startup Kite. Từ đây sẽ tìm ra những ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng. Bà Huyền khẳng định Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành sẽ đồng hành cùng startup. Nhưng để triển khai cần sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư Việt Nam, các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ học sinh sinh viên phân tích tiếp cận thị trường, hỗ trợ nguồn lực nhằm khai thác ý tưởng, dự án.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp GDNN, các cơ sở GDNN là thành tố quan trọng hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Các trường Cao đẳng và Trung cấp có lợi thế trong triển khai khởi nghiệp bởi đây là nơi đào tạo nghề chất lượng cao, địa chỉ phát triển các ý tưởng dự, án từ chính ngành nghề mà các em được học”, bà Huyền nhận định.

Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Có 3 giai đoạn của hệ sinh thái khởi nghiệp gồm: hình thành ý tưởng dự án, phát triển ý tưởng dự án và tăng trưởng. Quá trình đó nhà trường đóng vai trò tiên phong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và các kỹ năng giúp SV khởi nghiệp, bên cạnh đó cần kêu gọi nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Chia sẻ về một số mô hình hỗ trợ sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp ở Đức, TS. Kerstin Vorber, Giám đốc dự án IW Junior, cho biết các mô hình hỗ trợ người trẻ, thanh niên khởi nghiệp được thực hiện ở ngay các trường học, kích thích tinh thần khởi nghiệp tại trường học, thúc đẩy các năng lực chính của thế hệ doanh nhân tương lai.

TS. Kerstin Vorber nêu ví dụ về việc tổ chức cuộc đua về kinh doanh. Theo đó, sinh viên thiết lập một kế hoạch khởi nghiệp trong một khoảng thời gian ngắn tùy chọn, một trọng tâm theo chủ đề cho khởi nghiệp có thể được xác định. Điều này sẽ giúp phát triển tinh thần kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, tư duy thiết kế, làm việc nhóm và tự chịu trách nhiệm của sinh viên.

Ông Hub Langstaff, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, SwissEP cho biết tại Singapore, một vườn ươm quốc gia đã được thành lập vào tháng 9 năm 2017 nhằm tạo ra thể chế hoạt động chung cho các tổ chức nhằm hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp. Từ đó, nhiều hỗ trợ được đưa ra như phát triển tư duy, hỗ trợ đổi mới và khởi nghiệp, sự tham gia vào các ngành nghề, tích hợp đầy đủ từ trường học đến khởi nghiệp, tăng tỷ lệ thành công của khởi nghiệp.

Đưa khởi nghiệp trở thành môn học trong các cơ sở GDNN

Bà Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương Mại và Du lịch Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận những hạn chế trong mô hình khởi nghiệp sinh viên để rút ra bài học khi đưa khởi nghiệp vào các cơ sở GDNN.

Bà Hà cho biết, hằng năm sinh viên được yêu cầu xây dựng các dự án khởi nghiệp trong các modun, kết thúc môn học. Mặc dù có nhiều bài tập nhưng tỉ lệ thành công chưa nhiều. Trong khi đó, một số ít sinh viên đam mê khởi nghiệp quá dẫn tới bỏ học. Đây là vấn đề cần nghiên cứu giải pháp. 

Một điểm đáng lưu ý đó đưa khởi nghiệp vào nhà trường với những nội dung gì, thời lượng như thế nào? Ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái mong muốn đưa môn startup vào trong chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN, hỗ trợ chi phí cho học sinh làm quen với khởi nghiệp; đặc biệt là bài học thành công của các nước trên thế giới.

Đưa bộ môn Startup vào chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Đưa bộ môn Startup vào chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Học sinh sinh viên GDNN có lợi thế trong khởi nghiệp là trực tiếp tạo ra sản phẩm, làm chủ công nghệ, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu, phân tích về hoạt động khởi nghiệp của sinh viên để triển khai hoạt động này trên thực tế phù hợp.

Bà Trịnh Thị Thu Hà cho rằng sau khi nghiên cứu, phân tích cần đặt mục tiêu GDNN tạo ra đội ngũ doanh nhân như thế nào, có tầm nhìn chiến lược làm chuỗi hay chỉ học nghề, tự thành lập doanh nghiệp hộ gia đình hay doanh nhân mang tầm tế giới? Đồng thời xây dựng tinh thần, tư duy khởi nghiệp mang màu sắc Việt Nam.

“Cần triển khai hoạt động khởi nghiệp phù hợp GDNN. Chúng tôi mong hệ thống mạng lưới cơ sở GDNN có hoạt động giao lưu khởi nghiệp, sinh viên tham gia mạng lưới do Tổng cục thành lập với ý tưởng khởi nghiệp phát triển tốt thì Tổng cục và các cơ quan xây dựng vườn ươm khởi nghiệp”, bà Hà chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, năm 2021, Tổng cục có kế hoạch triển khai đào tạo bồi dưỡng 3 lớp ở Bắc, Trung, Nam là thầy cô giáo làm công tác tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp.

Với học sinh sinh viên, Tổng cục GDNN có kế hoạch triển khai 9 lớp thí điểm hỗ trợ các trường dạy học sinh sinh viên khởi nghiệp, xây dựng chương trình tài liệu với 5 chuyên đề: Khởi nghiệp và tư duy khởi nghiệp; Khởi nghiệp tinh gọn; Các kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh sinh viên và Startup; Mô hình kinh doanh ở Việt Nam và Kêu gọi vốn khởi nghiệp.

Thực hiện chủ trương đưa môn khởi nghiệp trở thành môn học chính thức trong các trường ĐH, CĐ, các cơ sở GDNN có thể lựa chọn đưa khởi nghiệp thành môn học chính thức hoặc ngoại khóa. “Về phía Tổng cục sẽ hỗ trợ một số trường làm thí điểm, còn việc triển khai thực hiện tới học sinh sinh viên trong tương lai hoặc 5 năm nữa là trách nhiệm của các trường. Trong kế hoạch, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng quy định nội dung này. Hy vọng từ nay đến 2025 sẽ hỗ trợ phần lớn các trường, ít nhất mỗi trường được hỗ trợ 1 lớp thí điểm dạy học sinh sinh viên, gần nhất hỗ trợ cho những trường tham gia Start up Kite và tổ chức Startup Kite từ vòng sơ loại”, bà Huyền chia sẻ./.


Phương Lan/ VOV2