Lao động thanh niên VN muốn hội nhập quốc tế phải tuân thủ "luật chơi"

 

Theo "Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0" (GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì Việt Nam hiện đang đứng thứ 102 trên tổng số 141 quốc gia về trụ cột "Kỹ năng".

 

Nâng chuẩn kỹ năng của người lao động để tuân thủ "luật chơi" chung của FTA

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đào tạo đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, khu vực, đặc biệt với việc một số nước, trong đó có Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (CPTPP, RCEP, EVFTA….) với những tiêu chuẩn lao động mới, tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, các chuẩn quốc tế, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc tham gia các FTA thế hệ mới, đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ các "luật chơi" chung, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục đào tạo nói chung và GDNN của Việt Nam nói riêng phải thay đổi mạnh mẽ.

Cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục phát triển nhanh chóng, nhất là tác động của CMCN 4.0, công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông đang và sẽ tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có GDNN, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý GDNN, tạo cơ hội mới cho GDNN phát triển; đồng thời có điều kiện để đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện đại của nhiều quốc gia phát triển.

Đào tạo theo hướng cầu đã trở thành cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả và đang được thực hiện rất thành công ở các quốc gia phát triển. Chương trình việc làm toàn cầu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đã khuyến cáo các quốc gia tổ chức đào tạo nghề linh hoạt theo hướng cầu của thị trường lao động, nhằm tạo việc làm bền vững.

UNESCO đã nêu rõ, phát triển kỹ năng nghề gắn với học tập suốt đời sẽ là xu hướng phát triển GDNN trong thế kỷ XXI.

Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực, tạo nên tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, nghèo đói gia tăng… ảnh hưởng đến việc giáo dục đào tạo nói chung, GDNN, đào tạo cho thanh niên nói riêng.

Lao động thanh niên VN muốn hội nhập quốc tế phải tuân thủ luật chơi - 1

Chuyên gia Đức hướng dẫn sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu thực hành Hàn (Ảnh: NH).

Được biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã định hình mô hình phát triển đất nước theo hướng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và là nước phát triển vào năm 2045; đồng thời nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược và đã nêu rõ định hướng xây dựng hệ thống GDNN mở và linh hoạt. Đây là cơ sở quan trọng cho phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên trong thời gian tới.

Nhiều cơ chế chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây, tạo thêm động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của GDNN và đào tạo nghề cho thanh niên.

Thách thức lớn cho năng lực hội nhập của lao động Việt Nam 

Tuy nhiên, theo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, các rủi ro phi truyền thống (như sự tác động của biến đổi khí hậu, các đại dịch, điển hình như dịch Covid-19 hiện nay...) ngày càng diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp, tác động tới cơ hội việc làm của thanh niên sau khi học nghề.

Tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh là chiến lược tăng trưởng kinh tế nước ta. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và sự dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu lại là một yếu tố hạn chế tính bao trùm, tạo ra nhóm người dễ bị "tổn thương", gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Để giải quyết mâu thuẫn này, một mặt phải đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, mặt khác lại phải tổ chức đào tạo nhân lực diện rộng cho các đối tượng chính sách. Đây là thách thức lớn đối với hệ thống GDNN, trong điều kiện ngân sách quốc gia phải sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang bắt đầu trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% dân số, nghĩa là chuẩn bị bước vào ngưỡng của quốc gia "dân số già".

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thay đổi mạnh của cơ cấu dân số, đặc biệt dân số trong nhóm thanh niên từ 15 - 29 tuổi trong cơ cấu lao động giảm. Điều này có nghĩa cần tăng cường đầu tư chiều sâu cho vốn con người, thông qua giáo dục đào tạo, trong đó có GDNN càng trở nên thiết yếu hơn nếu muốn phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) nên khả năng hấp thụ công nghệ mới và tiếp nhận lao động thanh niên có kỹ năng cao còn thấp; đồng thời khả năng tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN rất hạn chế.

Lao động thanh niên VN muốn hội nhập quốc tế phải tuân thủ luật chơi - 2

Các chuyên gia Đức trao đổi với sinh viên lớp Hàn (Ảnh: NH).

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cứ sau 5 năm 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Điều này đòi hỏi hệ thống GDNN phải đổi mới hoạt động đào tạo, không chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải trang bị cho người học kỹ năng thích ứng với sự thay đổi; đồng thời phải tăng cường các hoạt động đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động thanh niên trong doanh nghiệp.

Công nghiệp 4.0 đòi hỏi hạ tầng chuyển đổi số, nguồn dữ liệu, tài nguyên GDNN và các lĩnh vực ngành, nghề được tạo ra và quản trị sử dụng, chia sẻ trên nền tảng khoa học dữ liệu.

Tuy nhiên, năng lực tiếp cận chuyển đổi số, GDNN số trong hệ thống GDNN đang là điểm hạn chế. Năng lực hội nhập của lao động Việt Nam chưa cao; kỹ năng nghề còn yếu so với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Theo "Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0" (GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì Việt Nam hiện đang đứng thứ 102 trên tổng số 141 quốc gia về trụ cột "Kỹ năng". Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN.

Có thể nói, kỹ năng thấp chính là "rào cản" đối với lao động thanh niên Việt Nam trong thị trường việc làm 4.0. Nâng cao kỹ năng của lao động thanh niên, tạo điều kiện cho lao động thanh niên Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế và đây là thách thức lớn, đòi hỏi hệ thống GDNN Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ.

6  xu hướng cụ thể về phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên cũng được các nước trên thế giới quan tâm như sau:

(1) Phát triển bền vững GDNN trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển nguồn nhân lực nhằm trang bị cho thanh thiếu niên và người lao động các kỹ năng cần thiết cho việc làm, tinh thần kinh doanh và học tập suốt đời;

(2) GDNN phát triển dưới nhiều hình thức và ngày càng mở rộng tới cấp trung học nhằm trang bị cho thanh niên trẻ những kỹ năng cần thiết để sớm bước vào thị trường lao động; phân luồng và liên thông vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong hệ thống GDNN, nhằm tạo cơ hội học tập lớn nhất cho thanh niên, sớm gia nhập thị trường lao động;

(3) Học suốt đời và xây dựng trường học cộng đồng đòi hỏi thanh niên phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng mới cho bản thân để đáp ứng với những yêu cầu của thế giới việc làm, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ;

(4) Kỹ năng được coi là một loại tiền tệ toàn cầu. Theo xu hướng này[1], kỹ năng là một nguồn lợi thế kinh tế, ngày càng gia tăng và có thể giao dịch;

(5) Cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực năng suất lao động cao, đòi hỏi GDNN phải nhanh chóng chuyển từ mô hình đào tạo theo số lượng, sang mô hình đào tạo chất lượng, phân tầng chất lượng (nhất là chất lượng cao và trình độ cao) với quy mô thích hợp theo các giai đoạn phát triển kinh tế;

(6) Thế giới việc làm thay đổi nhanh và khó đoán định; do vậy cần chuyển hướng đào tạo từ diện nghề hẹp, chuyên sâu sang đào tạo diện nghề rộng, tích hợp liên ngành/nghề dựa trên nền tảng tăng hàm lượng chất xám và kỹ năng thích ứng linh hoạt, để người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp trên thị trường lao động không biên giới và đa văn hóa.

Nhật Hồng
Báo Dân trí