Kỳ thi kỹ năng nghề 2021: Bước chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Ngày 12.12, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 trên nền tảng Zoom tại Hội đồng thi quốc gia (HĐTQG) số 1 (Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) và HĐTQG số 5 (CĐ Than – Khoáng sản Việt Nam, tỉnh Quảng). Đây là lần đầu tiên một kỳ thi về thực hành kỹ năng nhưng lại tổ chức theo hình thức trực tuyến đã thành công ngoài mong đợi, đánh dấu sự thành công trong chuyển đổi số của giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Ứng dụng tối đa sức mạnh công nghệ
Phần thi đánh giá kỹ năng nghề Cơ điện mỏ hầm lò- Nguồn: ITN
Lần đầu tiên Kỳ thi diễn ra theo hình thức trực tuyến; và cũng lần đầu tiên có sự xuất hiện của các ngành nghề thi và ứng dụng công nghệ mới như: Nghề siêu máy tính; Điện toán đám mây; Nghề Công nghệ 4.0; Nghề Quản trị hệ thống mạng thông tin; Nghề Phát triển ứng dụng di động…
Theo Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường, trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn giữ vai trò quan trọng; hệ thống công nghệ thông tin, tự động hóa dần thay thế lao động truyền thống thì sự xuất hiện của những nghề mới sẽ mở ra cơ hội cho hệ thống GDNN. Cơ hội đó có thể là việc các thí sinh thích nghi, thích ứng, trải nghiệm và làm chủ công nghệ và có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới vào năm 2022.
Chia sẻ thêm về cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, PGS.TS. Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Chủ tịch Hội đồng thi số I cho hay, Phần mềm VNSkills do đội ngũ giảng viên Nhà trường xây dựng, kết hợp hệ thống siêu máy tính và ứng dụng điện toán đám mây đã chạy ổn định, an toàn và xử lý tất cả các nội dung của bài thi trực tuyến mà các chuyên gia, giám khảo yêu cầu.
PGS.TS. Cao Hùng Phi cho biết thêm, Nhà trường rất tự hào khi được Tổng Cục GDNN lựa chọn là một trong những đơn vị đăng cai tổ chức. Đây là một cuộc thi chưa từng có tiền lệ khi được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nhà trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng ở tất cả các khâu như cơ sở vật chất, nền tảng số, an ninh, công tác phòng dịch cho tới việc đánh giá kết quả của bài thi. Mọi phát sinh trong quá trình thi của thí sinh đều được giải quyết rất nhanh và bảo đảm tối đa kết quả của bài thi. Công tác chấm điểm bằng phần mềm và qua hội đồng chuyên gia cũng được thiết kế để tuân thủ nguyên tắc chính xác, công tâm và minh bạch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được Nhà trường và tỉnh Vĩnh Long đặc biệt chú trọng.
Sẵn sàng hội nhập thế giới
Kỳ thi năm nay với thành phần thí sinh rất đa dạng về độ tuổi, ngành nghề, vị trí công việc nhưng đều có một điểm chung là sự quyết tâm thể hiện kỹ năng nghề, cố gắng hết mình để mang về thành tích cho địa phương và hơn thế nữa là quyết tâm vì tương lai nghề nghiệp của bản thân thí sinh và vì sự phồn vinh của đất nước. Đây cũng là kỳ thi chưa có tiền lệ với hình thức trực tuyến và những ứng dụng mới trong công tác thi và chấm thi. Chưa có một kỳ thi nào đội ngũ kỹ thuật và Ban tổ chức phải làm việc vất vả như năm nay. Lần đầu tiên siêu máy tính được sử dụng tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất cao, bộ chip đời mới nhất, dung lượng, đường truyền lớn, nhanh để thí sinh có thể làm bài với một khoảng thời gian rất lớn, thậm chí có những bài thi kéo dài tới 18 tiếng.
PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Kỹ thi Kỹ năng nghề 2021
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết, PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho hay, qua cuộc thi này, Tổng cục GDNN và Ban tổ chức có thể khẳng định với Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chính phủ về sự làm chủ công nghệ và chuyển đổi số, sẵn sàng tổ chức các kỳ thi ngang tầm khu vực và thế giới. Những thành công của cuộc thi đã minh chứng cho nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN, là tiền đề cho sự nắm bắt và làm chủ công nghệ, bắt kịp tiến trình hội nhập và sẵn sàng đương đầu với những biến động mới của thị trường lao động thế giới. Thi trực tuyến là đột phá của kỹ năng nghề Việt Nam, một cuộc chuyển đổi số trong GDNN, đánh giá kỹ năng nghề, thi tay nghề của Việt Nam theo hướng chuyển đổi mà các kỳ kỹ năng nghề quốc tế và nhiều công ty toàn cầu đang hướng tới. “Kỳ thi tạo cú hích trong thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia theo quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đối với nền kinh tế vẫn sử dụng nhiều lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, kỹ năng nghề của người lao động còn nhiều hạn chế như hiện nay thì việc chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế” – PGS. TS Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.
Sau hơn một tuần làm việc nghiêm túc, trách nghiệm, an toàn, Ban tổ chức đã lựa chọn được 16 giải nhất, 11 giải nhì, 16 giải ba và 16 giải khuyến khích trong tổng số kết quả thi của 109 thí sinh thuộc 11 nhóm nghề. Nhìn chung, các thí sinh đều có kỹ năng về công nghệ rất tốt, thích ứng nhanh với thể thức của cuộc thi và chất lượng chuyên môn trong các bài thi rất đồng đều.
Tùng Dương
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp