Kinh nghiệm quốc tế trong thành lập các Trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao
 

Chiều ngày 10/9/2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Chương trình Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam (GIZ-TVET) tổ chức Hội thảo trực tuyến: Kinh nghiệm quốc tế trong thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Tham dự Hội thảo có các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu đến từ Bộ LĐTBXH và các Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục GDNN; các diễn giả, các chuyên gia từ các quốc gia Đức, Singapore, Úc, Hàn Quốc, các chuyên gia đến từ tổ chức UNESCO trụ sở chính ở Paris, chuyên gia từ ILO trụ sở chính ở BKK và Geneva; các đối tác quốc tế song phương và đa phương; các tổ chức phi chính phủ; các hiệp hội, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực GDNN khác và đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng cho biết: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, dẫn tới sự thay đổi của các chính sách, trong đó có các chính sách về GDNN.  Việc tái cơ cấu lại các cơ sở GDNN, hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao, thành lập các trung tâm nghề xuất sắc, các Viện nghiên cứu và thực hành GDNN… được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống GDNN của các nước phát triển. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đang xúc tiến chủ trương thành lập Trung tâm quốc gia Đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến tại ba miền của Việt Nam. Mô hình Trung tâm Quốc gia này phải là các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa đối với các cơ sở GDNN; đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế và chuyển giao các chương trình giảng dạy mới”.

Sau khi nghe đại diện Tổng cục GDNN trình bày Kế hoạch thành lập Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại Việt Nam, các diễn giả, các chuyên gia đã chia sẻ những mô hình về các trung tâm chất lượng cao hay các mô hình tương tự.

TS. Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam đã giới thiệu về Mô hình Trung tâm đào tạo và thực hành nghề liên doanh nghiệp (Trung tâm) của CHLB Đức. Trung tâm này thường thuộc sở hữu của các Phòng Thương mai và Hiệp hội nghề nghiệp. Trung tâm sẽ đào tạo chuyên sâu về một số ngành nghề xác định, cung cấp các xưởng thực hành kỹ thuật với các công nghệ mới nhất, bổ sung cho hợp phần đào tạo qua công việc (on-the-job) trong hệ thống GDNN kép. Người học trong hệ thống GDNN kép được đào tạo tại Trung tâm khoảng 2 tháng mỗi năm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bà Sabrina Loi, Giám đốc, Bộ phận Chất lượng cao & Hợp tác quốc tế của Học viện Giáo dục kỹ thuật Singapore cũng đã chia sẻ về Mô hình “One system ITE, Three colleges - Một hệ thống, ba trường cao đẳng” (ITE) - mô hình đã tạo nên thương hiệu của GDNN Singapore. ITE là cơ sở đào tạo giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp sau trung học và thực hiện hoạt động phát triển tiêu chuẩn và chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia của Singapore. ITE có các chương trình giảng dạy năng động, cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện cho người học, tăng cường hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp, hiệp hội và quan tâm, phát triển năng lực cho cán bộ; xây dựng các giá trị đích thực để tạo ra những người trẻ có kỹ năng ứng dụng và sự lạc quan… giúp họ có được một công việc tốt, tiếp tục học hỏi trong cuộc sống và cống hiến cho đất nước.

Đến từ quốc gia có hệ thống GDNN có nhiều nét tương đồng với GDNN Việt Nam, ông John Tucker, Tổng giám đốc, Học viện SkillsTech thuộc TAFE Queensland đã mang đến cho các đại biểu những hiểu biết cơ bản nhất về Mô hình trường Cao đẳng nghề công lập chất lượng cao của Úc (TAFE). TAFE là mạng lưới quốc gia (có khoảng 25-27 trường TAFE trên toàn nước Úc), cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề phi lợi nhuận với sự hỗ trợ manh mẽ từ Chính phủ. Ở Úc, Chính phủ sẽ hỗ trợ theo đầu sinh viên, nghĩa là sinh viên lựa chọn học ở trường nào thì kinh phí hỗ trợ sẽ chuyển cho trường đó, không kể trường công hay tư. Thông qua việc hỗ trợ kinh phí đó, Chính phủ mong muốn mục tiêu theo học hiện tại của mỗi sinh viên cũng chính là nhu cầu của doanh nghiệp trong tương lai. Đối với những ngành nghề doanh nghiệp và xã hội có nhu cầu cao thì Chính phủ Úc sẽ có sự hỗ trợ nhiều hơn so với những ngành nghề khác để thu hút sinh viên.

Cùng với các mô hình đến từ Đức, Úc, Singapore, ông Ji-Hyeon Noh, Giám đốc Bộ phận hợp tác Phát triển Nguồn nhâ lực toàn cầu, Viện GIFTS Hàn Quốc cũng giới thiệu mô hình Viện GIFTS (Viện chuyển giao kỹ năng toàn cầu). GIFTS là tổ chức thuộc Bộ Nguồn nhân lực Hàn Quốc và được Chính phủ hổ trợ ngân sách. Chức năng chính của GIFTS là phát triển và thúc đẩy kỹ năng chuyên sâu; tổ chức các sự kiện quốc gia, quốc tế về GDNN, trong đó có các cuộc thi kỹ năng nghề; hỗ trợ khởi nghiệp cho các kỹ thuật viên; hợp tác quốc tế để thúc đẩy công nhận lẫn nhau về văn bằng chứng chỉ. GIFTS hoạt động như một trung tâm chất lượng cao, có mối liên hệ trực tiếp với các cơ sở GDNN, hỗ trợ cho sinh viên của các cơ sở GDNN trong việc đào tạo chuyên sâu hoặc đào tạo các kỹ năng khó mà cơ sở không đủ điều kiện thực hiện (thời gian không quá 2 tuần) trong thời gian sinh viên theo học tại cơ sở đó.

Sau khi các diễn giả chia sẻ về các mô hình chất lượng cao, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận. Ông Gabriel Bordado, Chuyên gia về kỹ năng và việc làm của ILO tại Ấn Độ khuyến nghị Việt Nam khi xem xét thành lập các Trung tâm chất lượng cao cần đánh giá, phân tích ưu điểm, hạn chế của từng mô hình để lựa chọn mô hình phù hợp trên cơ sở định hướng chung về chính sách kết hợp định hướng cụ thể theo ngành và khu vực, có thể tham khảo mô hình các thành phố thông minh của Ấn Độ. Ông cũng cho rằng việc thành lập các Trung tâm chất lượng cao không khó nhưng để vận hành và duy trì nó thực sự là bài toán không đơn giản để có thể hướng tới mục tiêu là phục vụ lực lượng lao động và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Gabriel Bordado cũng nhấn mạnh tới vai trò của hệ thống quản trị, giám sát cơ sở GDNN, vai trò của đối thoại xã hội và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xã hội, vai trò của doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức về GDNN.

Ông Hiromichi Katayama, chuyên gia về lĩnh vực Thanh niên và Phát triển kỹ năng của Tổ chức UNESCO cũng chia sẻ một số thông tin liên quan đến kinh nghiệm của UNESCO trong quá trình hỗ trợ các nước châu Phi xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo về đào tạo nghề. Ông cho rằng khó khăn chung của các nước thu nhập thấp chính là việc các doanh nghiệp và khu vực tư nhân chưa có đủ năng lực cần thiết để tham gia vào GDNN và thiếu thông tin về thị trường lao động. Các cơ sở GDNN không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo để tìm kiếm việc làm của người học mà còn phải đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời để người học có thể chuyển đổi nghề nghiệp bất cứ khi nào, đáp ứng sự dịch chuyển về lao động trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay. UNESCO cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng mô hình tài chính cho các cơ sở GDNN cũng như hình thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho GDNN.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Phạm Vũ Quốc Bình đã khái quát lại một số đặc điểm chung của các trung tâm chất lượng cao hay các mô hình tương tự trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng, vận hành các mô hình của các nước (Đức, Úc, Singapore, Hàn Quốc) như:  (i) Chính phủ và các đối tác xã hội cùng phối hợp định hướng, thực hiện và cấp vốn cho GDNN, các trung tâm chất lượng cao; (ii) Tái cấu trúc lại mạng lưới cơ sở GDNN đảm bảo hiệu quả, hiệu suất kèm theo đổi mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ; cung cấp các xưởng thực hành kỹ thuật với các công nghệ mới nhất; (iii) Xây dựng các tiêu chuẩn được công nhận trên toàn quốc gia; (iv) Đào tạo chuyên sâu về một số ngành nghề xác định; (v) Hỗ trợ và đào tạo phục vụ sự nghiệp chuyển đổi số trong GDNN và CMCN 4.0; (vi) Xây dựng chương trình giảng dạy GDNN chung thông qua các nền tảng của các nhà cung cấp GDNN, có thể từ các quốc gia khác, đảm bảo lồng ghép những kinh nghiệm tốt nhất và tạo điều kiện cho quá trình công nhận lẫn nhau…

Hội thảo đã đưa ra một số khuyến nghị ban đầu đối với hệ thống GDNN Việt Nam như: Đào tạo lý thuyết và thực hành theo nhu cầu ở mọi trình độ và loại hình (không chính quy/ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trở lên - đến mức tiêu chuẩn quốc tế cao nhất); Đào tạo theo hình thức hợp tác (kết hợp đào tạo tại cơ sở GDNN và đào tạo qua công việc (on-the-job) tại doanh nghiệp); Đào tạo lại và đào tạo nâng bậc kĩ năng cho người lao động và người tìm việc về các kỹ năng công nghệ, kỹ thuật số và kỹ năng chuyển đổi (transferrable skills); Đào tạo nâng cao cho đội ngũ giáo viên GDNN và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp (cả thực hành và phương pháp sư phạm); Giảng dạy văn hóa (9+), đào tạo ngoại ngữ; - Hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong khu vực thông qua các Hội đồng cố vấn ngành (Industry Advisory Board)…

TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN khẳng định những thông tin, bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo hết sức quan trọng, hữu ích đối với Tổng cục GDNN trong quá trình xây dựng mô hình 03 Trung tâm Quốc gia tại Việt Nam. Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo chuyên đề về vấn đề này và mong muốn được tiếp tục lắng nghe những kinh nghiệm của các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng như mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ tất cả các đối tác để trong quá trình xây dựng, vận hành các Trung tâm Quốc gia trong thời gian tới.

                                                                   
Văn phòng TCGDNNN.