Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021: Tạo động lực, nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo GDNN


Hội giảng đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến tính từ năm 1998 trở lại đây, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 không chỉ thu hút sự chú ý của xã hội về năng lực của hệ thống GDNN, về chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN. Thông qua hoạt động trình giảng của các nhà giáo tạo động lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo GDNN.

Giảng viên giảng bài trực tuyến tại địa điểm Trường Cao đẳng truyền hình

Giảng viên giảng bài trực tuyến tại địa điểm Trường Cao đẳng truyền hình

Ths. Lê Tùng Lâm, giảng viên khoa Điện, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết, Bài giảng tôi mang đến Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 liên quan đến công nghệ về nhà thông minh. Đó là lập trình điều khiển hệ thống cảnh báo an ninh – một công nghệ rất thiết thực trong đời sống hiện đại bây giờ. Có thể nói đây là công nghệ của tương lai, dù hiện tại chúng ta cũng đã bắt đầu tiếp cận nhưng tương lai sẽ có sự phát triển sôi động hơn nữa.Theo tôi, so với bài giảng trực tiếp thì hiệu quả của các bài giảng trực tuyến đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thì việc tiếp cận với hình thức học tập trực tuyến là cần thiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cũng như thích ứng với những thay đổi do công nghệ tạo ra.

Ths. Lê Tùng Lâm cho biết thêm, Đối với việc học tập trực tuyến, tín hiệu đường truyền, tâm thế người tiếp nhận, cách thiết kế bài giảng trực tuyến là những khó khăn, thách thức đặt ra. Quá trình dạy và học trực tuyến cần có sự cố gắng, hợp tác từ cả người thầy và trò. Thực tế, còn nhiều học sinh, sinh viên thụ động trong việc nghe giảng, thậm chí góp mặt chỉ với mục đích điểm danh cho đủ điều kiện. Vấn đề này đối với học trực tiếp cũng rất khó tránh khỏi nhưng trong học tập trực tuyến càng cần phải quan tâm, chú ý nhiều hơn.

Giảng viên Nguyễn Lê Anh, Khoa Kỹ thuật truyền hình, Trường Cao đẳng truyền hình chia sẻ, đối với bản thân tôi khi chuẩn bị bài giảng trực tuyến sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian hơn bài giảng thông thường. Để thu hút sinh viên đến với bài giảng trực tuyến, giảng viên phải tìm nhiều hình ảnh, phương pháp truyền đạt khác nhau và các phần mềm hỗ trợ... Và khi giảng trên lớp bài giảng trực tuyến phải chi tiết và cụ thể dể sinh viên nắm vấn đề tốt hơn. Để thu hút sự chú ý của các em với bài giảng, tôi cho rằng, trong thiết kế bài giảng cần quan tâm đến sự tương tác giữa học sinh, sinh viên đối với thầy, cô giáo. Sẽ phải thiết kế các câu hỏi, các bài tập thảo luận nhóm để đánh giá xem các em theo dõi, tiếp thu bài giảng được đến đâu. Tuy nhiên, với tổng thời gian không đổi, lại phải dành thêm thời gian cho tương tác, nên khi thiết kế bài giảng trực tuyến, thầy cô cũng phải chú ý tập trung vào những nội dung kiến thức cốt lõi nhất để truyền đạt đến học sinh, sinh viên.

Giảng viên nghề Chăm sóc sắc đẹp tham gia Hội giảng

Giảng viên nghề Chăm sóc sắc đẹp tham gia Hội giảng

Ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN cho biết, Giám khảo tại Hội giảng lần này sẽ  thực hiện đánh giá tại nơi làm việc của giám khảo qua máy tính cá nhân kết nối cổng thông tin Hội giảng. Lần đầu tiên điểm đánh giá bài trình giảng được công khai trên cổng thông tin của từng tiểu ban ngay sau khi nhà giáo kết thúc bài trình giảng tối đa 05 phút. Lần đầu tiên, các bài trình giảng và đánh giá bài trình giảng sẽ được livestreams trên kênh thông tin của các tiểu ban để các đại biểu, nhà giáo và học sinh, sinh viên theo dõi. Theo đó, hoạt động trình giảng và chấm trình giảng được giám sát bởi tất cả các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan (các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN có nhà giáo dự thi, nhà giáo, học sinh sinh viên,…) đảm bảo “Khách quan – Công bằng – Chính xác” của Hội giảng.Ban tổ chức tập trung ở một địa điểm tại Hà Nội (Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội), thực hiện điều hành, giám sát thông qua cổng thông tin Hội giảng.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Với mong muốn truyền đi thông điệp “Nhà giáo GDNN ĐỔI MỚI – SÁNG TẠO- THÍCH ỨNG – HỘI NHẬP” – nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, Hội giảng sẽ tập trung phát động, lan tỏa hình ảnh, thông tin về hệ thống GDNN thông qua năng lực thích ứng của nhà giáo khi sử dụng công nghệ và áp dụng phương pháp mới trong tổ chức giảng dạy. 404 nhà giáo GDNN sẽ tham gia trình giảng tại 113 địa điểm trình giảng của 55 địa phương và 06 Bộ, ngành và kết nối với cổng thông tin Hội giảng. Thứ tự trình giảng được bốc thăm ngẫu nhiên qua ứng dụng công nghệ thông tin. Việc bốc thăm được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chứng kiến trực tiếp của đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Sở LĐ-TB&XH TP.Hà Nội và trực tuyến của đại diện Lãnh đạo 61 đoàn tham gia Hội giảng.

“Chiến lược GDNN giai đoạn tới sẽ tập trung vào chuyển đổi số và phát triển công tác nhà giáo. Kỹ năng nghề giỏi phải bắt nguồn từ đổi mới nhà giáo. Những đổi mới tại Hội giảng Nhà giáo GDNN năm nay sẽ tạo động lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo GDNN.” bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh.

Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 sẽ bế mạc và trao giải vào ngày 18/11


Văn Lý
Báo Dân sinh