Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến


Ngày 22/10, Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc 2021 đã tổ chức phiên họp đầu tiên để triển khai công tác chuẩn bị Hội giảng và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban tổ chức trong thời gian diễn ra Hội giảng. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 sẽ chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. 402 nhà giáo GDNN trên cả nước sẽ tham gia so tài tại Hội giảng.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng  phát biểu tại hội nghị

Bà Nguyễn Thị Việt Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng phát biểu tại hội nghị

Nhiều điểm mới Hội giảng năm nay

Phát biểu khai mạc phiên họp, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết, Hội giảng nhà giáo GDNN là hoạt động thường xuyên của GDNN kể từ khi tái thành lập Tổng cục Dạy nghề đến nay. Mỗi lần tổ chức Hội giảng đều có những cải tiến thích ứng để phù hợp với tình hình.

Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức Hội giảng gặp những khó khăn nhất định. Tổng cục GDNN cũng đã cân nhắc vấn đề có tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 hay không và quyết định vẫn tổ chức căn cứ trên vai trò, mục đích, ý nghĩa của Hội giảng

“Hội giảng nhà giáo GDNN đặt mục tiêu tôn vinh nỗ lực của đội ngũ nhà giáo GDNN, tạo sự lan tỏa, phong trào thi đua trong hệ thống GDNN, khiến hoạt động của cả hệ thống GDNN được chú ý. Hội giảng cũng là cơ hội thu hút sự chú ý toàn xã hội, báo cáo toàn xã hội về hoạt động giảng dạy của GDNN cũng như chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN.

Trong bối cảnh dịch bệnh, mục đích, ý nghĩa này càng cần được nhấn mạnh hơn nữa. Và chúng ta chỉ có một phương án, đó là chuẩn bị tốt nhất, để thích ứng nhất chứ không để dịch bệnh đứt gãy chuỗi hoạt động GDNN”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, tại Hội giảng lần này, yêu cầu thích ứng với bối cảnh công nghệ số lần đầu tiên được đặt ra. Ban tổ chức đưa ra tiêu chí chấm điểm rất cao đối với việc cập nhật các phương pháp mới trong giảng dạy, để khuyến khích những sáng tạo của nhà giáo cũng như nâng cao năng lực thích ứng của đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh tình hình mới.

Về những những điểm mới của Hội giảng năm nay, bà Nguyễn Thị Việt Hương cho biết: Hội giảng lần đầu tiên có sự tham gia của các đoàn dự thi đại diện các bộ, ngành. Thứ tự, danh sách trình bày bài giảng được lựa chọn ngẫu nhiên trên máy tính, đồng thời kết quả thi cũng sẽ được Ban giám khảo công khai ngay sau từng buổi thi để đảm bảo sự khách quan.

So với các Hội giảng trước, các hoạt động bên lề Hội giảng năm nay cũng được triển khai đa dạng và mở rộng quy mô thông qua kết nối trực tiếp đến các đoàn tham dự.

Các hoạt động bên lề sẽ tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính: Hoạt động chuyên môn tập trung các việc tổ chức các hội thảo; Hoạt động nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ sự phạm của các nhà giáo; Hoạt động truyền thông….

Tại phiên họp, báo cáo về công tác chuẩn bị Hội giảng nhà giáo GDNN năm 2021, ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Phó Trưởng Ban thường trực cho biết, Hội giảng toàn quốc 2021 theo kế hoạch ban đầu tổ chức trực tiếp tại Nghệ An. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Ban tổ chức đã quyết định chuyển sang hình thức trực tuyến từ ngày 5 đến 12/11/2021.

Ban tổ chức hội giảng tập trung ở 1 địa điểm tại Hà Nội (Trường CĐ Cơ điện Hà Nội) để thực hiện điều hành, giám sát thông qua cổng thông tin Hội giảng. Các nhà giáo sẽ thực hiện bài trình giảng tại địa điểm trình giảng do các địa phương chuẩn bị và kết nối với công thông tin hội giảng. Giám khảo thực hiện đánh giá tại nơi làm việc của giám khảo qua máy tính cá nhân kết nối cổng thông tin hội giảng.

Trong khuôn khổ Hội giảng sẽ diễn ra các hoạt động chuyên môn, gồm: Cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN”, “Triễn lãm số trong GDNN”, Tọa dàm “Thành quả và tiềm năng hợp tác của GDNN Việt Nam với các cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế”, “Hội thảo phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN và người dạy nghề của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Trong đó, Cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN” do Tổng cục GDNN cùng với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp tổ chức. Cuộc thi được Ban tổ chức phát động ngày 15/7/2021 và đã nhân được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, cơ sở GDNN trên cả nước. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 101 bài và đang tổ chức chấm, lựa chọn 7 bài có chất lượng tốt nhất để trình diễn trực tuyến tại Hội giảng vào ngày 7/11/2021.

“Triển lãm số trong GDNN” do Tổng cục GDNN cùng với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF phối hợp tổ chức nhằm giới thiệu kết quả các dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN tại Việt Nam; kết quả tiêu biểu của các cơ sở GDNN, các công nghệ và sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GDNN.

Ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Phó Trưởng Ban thường trực thông tin về Hội giảng

Ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Phó Trưởng Ban thường trực thông tin về Hội giảng

Dự liệu kịch bản xử lý rủi ro phát sinh

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên Ban tổ chức Hội giảng cho biết, việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó để chủ động và đạt được mục tiêu đề ra của Hội thảo cần dự liệu các giải pháp ứng phó, nhất là việc đảm bảo đường truyền. Các ý kiến cũng lưu ý việc thiết kế mẫu chung cho Hội giảng tại các điểm thi, lớp trình giảng, quy định vị trí đặt máy quay, vị trí người giảng.

Trao đổi về nội dung này, ông Trần Minh Thịnh cho biết: Ban tổ chức đã dự liệu những rủi ro phát sinh đối với nhà giáo, ban giám khảo trong quá trình tham gia trình giảng, chấm điểm. Chẳng hạn đối với nhà giáo gặp sự cố khi đang trình giảng, nếu dưới 10 phút khắc phục được sự cố thì tiếp tục trình giảng. Việc trình giảng tiếp chia thành 2 trường hợp. Nếu bài giảng đã giảng được 1/3 thì sẽ giảng tiếp còn nếu chưa giảng được 1/3 thì giảng lại từ đầu. Nếu trên 10 phút chưa khắc phục được sử cố thì nhà giáo gặp sự cố sẽ thi lại vào cuối ngày thi sau khi những người khác đã thi xong.

Trường hợp giám khảo gặp sự cố, nhà giáo vẫn giảng bình thường. nếu thời gian khắc phục dưới 5 phút thì giám khảo tham gia chấm điểm, đánh giá bình thường, nếu sau 5 phút không chấm được thì xem lại file bài giảng và chấm sau.

*.Dự kiến lễ khai giảng Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 5/11/2021 (bắt đầu từ 8g30) theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Hội trường Trường CĐ Cơ điện Hà Nội.

Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào ngày 12/11/2021 (bắt đầu từ 8g30), theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Nhà hát lớn Hà Nội, số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Văn Lý
Báo Dân sinh