Giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam

 

Giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng GDP cho đất nước.

 

Giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng

Ngày 9/5, tại Đồng Tháp, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị "Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực ĐBSCL".

Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các trường đào tạo nghề khu vực ĐBSCL.

Giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam - 1

Sáng 9/5, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị "Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực ĐBSCL" (Ảnh: CTV).

Liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu của Chiến lược là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng (ngồi giữa) đến dự và chủ trì Hội nghị quan trọng này (Ảnh: CTV).

Theo báo cáo từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu còn nhìn nhận, hiện nay kỹ thuật, kỹ năng hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu.

Năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng còn thấp; quản lý nhà nước và quản trị nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu quản trị nhà nước hiện đại.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn than khó trong công tác giáo dục văn hóa cho học sinh trường nghề.

Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm

Tại hội nghị các đại biểu còn nhận thấy, hiện nay giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều thách thức, nhất là khi các trường đại học đang mở cửa đón thí sinh; các cụm, tuyến khu công nghiệp phát triển, thu hút lực lượng lao động trẻ đến làm việc mà chưa qua đào tạo nghề; việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách… ảnh hưởng đến công tác giáo dục nghề nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam - 3

Giáo dục nghề nghiệp cần nhiều thay đổi trong đó phải có sự liên kết vùng, đào tạo nghề gắn với việc làm cho học viên (Ảnh: CTV).

Trước những thách thức đó, các đại biểu ý kiến cần có sự liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp giữa các địa phương; tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tổ chức phân luồng học sinh bậc THCS, tăng ngân sách dành cho giáo dục nghề nghiệp, tổ chức các hội thảo về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, thậm chí các tỉnh cần thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp để tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp.

Bà Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, giai đoạn tới, giáo dục nghề nghiệp vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm; vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn), vừa đào tạo lại cho người lao động trong doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi, dưới tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam - 4

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: CTV).

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát, các trường giáo dục nghề nghiệp tập trung ngay vào công tác tuyển sinh đào tạo, nhằm góp phần không đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong thời gian tới.

Mặt khác, lãnh đạo Sở lao động, các trường giáo dục nghề nghiệp tập trung rà soát lại các quy định gây khó trong giáo dục nghề nghiệp để tổng hợp ý kiến, trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, thời gian qua Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều đến ngành lao động, ban hành nhiều chính sách dành cho giáo dục nghề nghiệp, các trương trình mục tiêu quốc gia… Do đó, mỗi cán bộ ngành lao động, các thầy cô ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tự hào và nỗ lực, tích cực tham mưu lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban để có những chủ trương, chính sách cụ thể, sát thực tế về giáo dục nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Giáo dục nghề phải thực chất, có chiều sâu, gắn liền đào tạo nghề với việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động cũng là góp phần làm tăng trưởng GDP cho đất nước".

Nguyễn Hành
Báo Dân trí