Gen Z chuyển hướng học nghề từ sớm thay vì chọn THPT công lập

 

Sau tốt nghiệp THCS, Huệ Linh, Lương Văn Thành chọn học nghề làm bánh và thương mại điện tử để có ưu thế trong thị trường việc làm sớm hơn bạn đồng trang lứa.

*Gen Z: thế hệ sinh ra từ năm 1997 - 2012


Từ Huệ Linh trong cuộc sống thường ngày. Ảnh: NVCC

Từ Huệ Linh trong cuộc sống thường ngày. Ảnh: NVCC

Đều đặn từ 13h30 - 16h30 các ngày thứ Ba, Năm và Bảy, Từ Huệ Linh, 17 tuổi, sẽ học lớp bếp bánh thuộc ngành Kỹ thuật làm bánh ở trường CET (trường Trung cấp Kinh tế Du lịch TP HCM). Năm nay đã là năm thứ hai Huệ Linh theo học tại trường và khoảng tháng 10 - 11, khi hoàn thành chương trình đào tạo, cô sẽ được cấp bằng Trung cấp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Linh nói về chọn lựa học nghề từ sớm của mình: "Khi tốt nghiệp THCS, tôi muốn theo học nghề bếp bánh ngay nhưng bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ muốn tôi phải thi THPT công lập. Tôi chiều theo ý bố mẹ nhưng không đủ điểm theo học do đăng ký nguyện vọng quá cao. Khi đó, tôi đã thuyết phục bố mẹ nhiều lần để theo nghề bếp bánh. Tôi nói: 'Đó là đam mê của con, con muốn theo học làm bánh'. Tôi cũng nhờ anh hai, người này người kia tác động để bố mẹ cho học. Sau khoảng một tuần thuyết phục, bố tôi đồng ý và cả nhà cũng chấp nhận quyết định này của tôi".

Đến khi chuẩn bị đi học tại trường, Huệ Linh phải nghe nhiều định kiến từ những người xung quanh về lựa chọn của cô. "Người ta bảo: 'Chọn học nghề sớm sẽ không có tương lai, không thành công'. Càng nghe những lời nói đó, tôi muốn làm cho người ta suy nghĩ khác về mình, về nghề bếp bánh. Lúc chính tay tôi mang bánh mình làm về tới nhà, mọi người thấy tôi đã học được cách làm bánh ngon nên họ không còn nói thêm gì". Linh kỳ vọng sau khi ra trường, nghề mình theo đuổi có được mức lương từ 20 triệu đồng trở lên.

Huệ Linh (bên trái) khi giữ vị trí bếp bánh cho mô hình nhà hàng buffet trà bánh mô phỏng tại Á Âu Group ngày 10/4. Ảnh: CET

Huệ Linh (bên trái) khi giữ vị trí bếp bánh cho mô hình nhà hàng buffet trà bánh mô phỏng tại Á Âu Group ngày 10/4. Ảnh: CET

Chị Ngô Hoàng Vân Anh, chuyên viên truyền thông của trường Hướng nghiệp Á Âu và Trung cấp Kinh tế Du lịch TP HCM - CET, cho hay: "Với khoảng 30.000 học viên mỗi năm, số lượng học viên ở độ tuổi gen Z chiếm tỷ lệ lớn. Cụ thể, tỷ lệ học viên 18-22 tuổi (sau Trung học phổ thông) chiếm gần 45% và học viên 15-17 tuổi (sau Trung học cơ sở) chiếm gần 5% mỗi năm. Điều này cho thấy học nghề là xu hướng của nhiều bạn trẻ Gen Z. Các bạn muốn ra nghề sớm và trở lại tiếp tục học nâng cao nghiệp vụ với đầy đủ cơ sở thực tế hơn sau một thời gian làm việc, hoặc muốn có song bằng - song nghề, vừa học song song trường Cao đẳng - Đại học vừa học thêm nghiệp vụ yêu thích qua các khóa đào tạo nghề.

Theo đó, với hai năm học, học viên sẽ hoàn thành chương trình nghề hai cấp độ (cơ bản, nâng cao), được thực tập, thi tốt nghiệp và lấy bằng Trung cấp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp. Ưu thế khác của học nghề là được đào tạo về tư duy làm nghề cũng như được định hướng rõ ràng về lộ trình thăng tiến. Nhiều nhà tuyển dụng ưu ái học viên trường nghề vì các bạn có tâm thế đi ra để làm nghề, không ngại những vị trí nhỏ, sẵn sàng học hỏi để phát triển lên những vị trí cao hơn".

Lương Văn Thành và bạn cùng đạt Giải Nhất cuộc thi Sức sống mới từ rác thải nhựa do nhà trường tổ chức. Ảnh: NVCC

Lương Văn Thành và bạn cùng đạt Giải Nhất cuộc thi Sức sống mới từ rác thải nhựa do nhà trường tổ chức. Ảnh: NVCC

Giống Linh, Lương Văn Thành không chọn học THPT công lập sau tốt nghiệp THCS. Anh chọn học Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic, nơi có thời gian đào tạo văn hóa ngắn hơn THPT công lập và học viên được thực hành nghề sớm hơn. 7h hàng ngày, chàng trai 17 tuổi thức dậy để kịp ăn sáng, vào học lúc 8h ở trường và trải qua bốn tiết học trong ngày. Thành cho hay: "Tôi và các bạn trong lớp được thảo luận, làm bài tập theo dạng thực hành khá nhiều, bằng nhiều hình thức như quay video, thuyết trình, sơ đồ tư duy... làm tôi cảm thấy việc học dễ dàng hơn, không áp lực, không đòi hỏi phải học thêm. Khi vào chuyên ngành, tôi học bằng dự án nên lúc bảo vệ đề tài, các môn Marketing làm tôi hiểu rõ thực tế công việc hơn".

Nhờ theo học tại trường, Thành rút ngắn thời gian đến với nghề mơ ước - Digital Marketing (thương mại điện tử). Thành chỉ cần học kiến thức phổ thông trong hai năm với bốn môn văn hóa: Văn, Toán, Lý, Hóa cùng các môn kỹ năng mềm, tiếng Anh, thể dục võ Vovinam, hoạt động ngoại khóa. Sau đó là học chuyển tiếp lên cao đẳng trong một năm với các môn chuyên ngành về Digital Marketing. Vì vậy, theo lộ trình dự kiến, khi 19 tuổi, Thành sẽ có bằng Cao đẳng FPT Polytechnic về Digital Marketing, có thể lập tức kiếm việc làm.

"Hồi tốt nghiệp THCS, tôi đã bày tỏ với cha mẹ muốn học trường này nhưng bố mẹ chưa hoàn toàn đồng ý. Vì vậy, tôi đăng ký thi tuyển cả THPT công lập và đỗ nguyện vọng ba nhưng vẫn quyết chọn trường này vì muốn hướng tới nghề nghiệp cụ thể. Sau đó, tôi dành chừng một ngày thuyết phục bố mẹ việc chọn trường và được đồng ý vì thời gian nộp hồ sơ vào trường không còn nhiều.

Tới khi đi học, tôi từng nghe vài người hỏi: 'Tại sao Thành học cũng được mà không chọn THPT mà lại chọn trường này? Sao lúc thi tuyển sinh không học hành đàng hoàng để bị thi trượt tuyển sinh?'. Lúc đó, tôi cảm thấy buồn nhưng đã chọn trường rồi. Tôi nhận thấy khi tìm việc làm, nơi nào cũng đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm trước. Vì thế, khi theo trường này, tôi nghĩ lúc ra trường, mình đã có kinh nghiệm sẵn nên chuyện tìm kiếm việc làm sẽ đơn giản hơn".

Kỳ vọng của Thành sau khi học xong tại trường là tìm một công việc và xa hơn là tiếp tục học liên thông lên Đại học. Thành đặt mục tiêu nhanh chóng nhận mức lương tám chữ số khi đã quen việc ở doanh nghiệp.

Thạc sĩ Bùi Quang Hùng - Giám đốc Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - cho hay: "Gen Z ngày nay đủ điều kiện để hiểu bản thân, hiểu đâu là thế mạnh, là đam mê của mình nên việc rẽ hướng học phân luồng là một lối đi để rút ngắn thời gian tham gia nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm thực tế. Với thời gian ba năm tám tháng, các sinh viên hoàn thành đủ khối lượng kiến thức văn hóa, chuyên môn ngành theo quy định, sẽ nhận được bằng Cao đẳng do Cao đẳng FPT Polytechnic thuộc tổ chức Giáo dục FPT cấp.

Khi học tập tại trường, các sinh viên sẽ được đào tạo kỹ năng bài bản với các môn kỹ năng được triển khai thành các môn học chính khóa vào mỗi học kỳ, mô hình CLB và các hoạt động trải nghiệm. Các bạn học bằng dự án, chương trình đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp vì có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng khung chương trình; các môn học hướng nghiệp được triển khai ngay từ học kỳ đầu tiên và nhiều hoạt động tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Việc học bằng dự án còn giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế chứ không chỉ học lý thuyết giấy và được gặp gỡ, 'săn' cơ hội việc làm tại các tập đoàn, công ty lớn qua các Ngày hội Việc làm được tổ chức hàng năm".

Theo Vnexpress.net, ở Hà Nội, mỗi năm hơn 120.000 học sinh tốt nghiệp THCS, hơn 90.000 em đăng ký thi lớp 10 công lập; tỷ lệ trúng tuyển khoảng 60% (tương đương 54.000 em). TP HCM có khoảng 80.000 trong tổng số 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm dự thi vào trường công lập; tỷ lệ trúng tuyển khoảng 70% (tương đương 56.000 em).

Như vậy, mỗi năm, số lượng học sinh không theo học trường công lập ở hai thành phố tương đối lớn - ở Hà Nội khoảng 66.000 em, ở TP HCM là khoảng 44.000 em. Các em có thể chọn học ngoài công lập, ở khối trường tư thục, quốc tế, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với hệ trung cấp hoặc cao đẳng (do trung tâm liên kết với các trường nghề). Các em cũng có thể học song song văn hóa hệ giáo dục thường xuyên để sau ba năm vừa lấy bằng trung cấp nghề, vừa tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, hệ thống cao đẳng, kể cả công lập và tư thục với gần 500 trường, cũng đẩy mạnh tuyển sinh "hệ 9 +" (vừa học văn hóa, vừa học nghề). Học sinh tốt nghiệp THCS, sau ba năm có thể được cấp bằng trung cấp hoặc sau bốn năm lấy bằng cao đẳng, xin việc làm. Bằng cách này, các em tiết kiệm thời gian rất nhiều so với cách học truyền thống là tốt nghiệp THPT rồi mới học nghề.

Hằng Trần
Ngoisao.net