Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao để bắt kịp xu hướng thế giới
Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong bối cảnh thay đổi của công nghệ 4.0, hoạt động đào tạo cũng cần chuyển hướng để bắt kịp với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động.
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
PV: Xin ông cho biết các xu hướng lớn của Công nghệ 4.0 trong lao động và việc làm ảnh hưởng thế nào đến người lao động Việt Nam trong 10-15 năm tới?
TS Trương Anh Dũng: Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, cùng với sự tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi mạnh mẽ của thế giới việc làm, thị trường lao động và người lao động. Ở phạm vi toàn cầu, những nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau; 84% người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố công nghệ tác động.
Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin (CNTT), robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ. Do khoảng cách ngày càng tăng giữa các kỹ năng của lực lượng lao động toàn cầu hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi công nghệ và thị trường, 6% GDP của thế giới, tương đương 5 nghìn tỷ USD, bị mất mỗi năm.
Việt Nam hiện đang trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên thị trường lao động và người lao động Việt Nam sẽ không phải là ngoại lệ của xu hướng trên. Thậm chí, do Việt Nam là một nước đang phát triển, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ, lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành/nghề và công việc do số hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa và toàn cầu hóa sản xuất của CMCN 4.0.
Số liệu dự báo thì có thể khác nhau, nhưng chắc chắn thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Nó không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số.
Theo nhận định của ông, các chính sách trung tâm và chương trình quan trọng đã giúp chuẩn bị cho lực lượng lao động của Việt Nam như thế nào trong việc cải thiện vị thế và thích ứng với công nghệ 4.0? Hoạt động đào tạo hiện nay đang chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu lao động công nghệ 4.0 ra sao?
Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư, từ đó đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chủ đề này. Riêng về vấn đề lao động, mới đây Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời bạn hành quyết định của Thủ tướng về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ tư” với mục tiêu Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường; Tạo việc làm tốt hơn cho người lao động; Xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.
Các chính sách trên đã giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội nhất là cơ quan quản lý nhà nước để có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng CMCN lần thứ tư; tập trung, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo thích ứng CMCN lần thứ tư; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bên nhà nước – nhà trường- doanh nghiệp trong đào tạo
Hoạt động đào tạo đang chuyển hướng để đáp ứng nhu cầu lao động CMCN 4.0 bằng cách xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra đã có những chuẩn kiến thức, kỹ năng, công nghệ của CMCN lần thứ 4, trước mắt đang cập nhật những kỹ năng 4.0 trong khoảng 50-60 nhóm ngành, nghề được tổ chức thi kỹ năng ở khu vực ASEAN và thế giới.
Tiếp nhận chuyển giao 34 chương trình từ nước ngoài đào tạo chất lượng cao, trong đó có các nghề trong lĩnh vực CMCN lần thứ tư như cơ điện tử, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, công nghệ sinh học v.v...
Chuẩn bị triển khai đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của CMCN lần thứ tư cho ít nhất 300.000 lượt người xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới nhằm thích ứng với yêu cầu của CMCN lần thứ tư.
Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo từ xác định nhu cầu từ doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo, quá trình triển khai đào tạo, đánh giá…
Xin ông cho biết chuyển đổi việc làm cần được thực hiện song song với chuyển đổi số và số hóa việc làm như thế nào? Cần làm gì để Việt Nam có thể bắt kịp, chủ động với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động 4.0?
Chuyển đổi số có thể làm nhiều việc làm mất đi, những cũng tạo việc làm mới, công việc cũng thay đổi từ công việc giản đơn chuyển sang công việc cần hàm lượng tri thức và kỹ năng nghề cao, nhiều việc làm được xem là rủi ro do tự động hóa hoặc số hóa như công việc văn phòng, bán hàng, vận chuyển hơn là ngành, nghề khác như quản lý, quản lý nguồn nhân lực, khoa học, kỹ sư, một số loại hình dịch vụ như nghề công tác xã hội…Ranh giới việc làm rủi ro và những việc làm ít rủi ro cũng sẽ dịch chuyển theo thời gian, ngày càng nhiều việc làm sẽ bị xếp vào rủi ro hơn. 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ sẽ giảm lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, 41% có kế hoạch mở rộng việc sử dụng các nhà thầu cho các công việc chuyên biệt và 34% có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động của họ do tích hợp công nghệ
Trong nền kinh tế số, sự gián đoạn không chỉ giới hạn ở công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mà còn ở lực lượng lao động và năng lực của họ. Chuyển đổi số đang làm thay đổi bản chất công việc, đặt ra yêu cầu với nhà sản xuất không chỉ tái cấu trúc tổ chức mà còn phải chuyển đổi việc làm cho lực lượng lao động, đầu tư vào việc thu hút lao động am hiểu công nghệ và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ lao động hiện có để có thể khai thác, áp dụng công nghệ mới và thích ứng với các tác động của công nghệ.
Trong thế giới ngày nay, sự gián đoạn không chỉ giới hạn ở công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mà còn xảy ra xung quanh lực lượng lao động và khả năng của họ. Trong kỷ nguyên số hóa, sự gián đoạn này có thể được gọi là Lực lượng lao động 4.0.
Để Việt Nam có thể bắt kịp, chủ động với xu hướng thế giới về việc làm và kỹ năng cho lực lượng lao động trong CMCN 4.0, cần phải chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề chịu tác động của CMCN lần thứ tư; Cho đến nay vẫn còn thiếu các quan sát, đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề và sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh công nghệ 4.0.
Đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để thúc đẩy đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ 4;
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhất là các chính sách đối với doanh nghiệp để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia GDNN trong đó có lĩnh vực ngành, nghề CMCN lần thứ tư.
Nghiên cứu, khai thác kinh nghiệm quốc tế về GDNN thích ứng yêu cầu CMCN lần thứ tư.
Trong đào tạo nhân lực cần nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá. Các chương trình giảng dạy mới sẽ bao gồm các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai - cả kỹ năng kỹ thuật số cũng như kỹ năng “con người” mà máy móc công nghệ không thể thay thế như giao tiếp, giải quyết vấn đề, sáng tạo, cộng tác và tư duy phản biện.
Các chính sách và cơ chế hợp tác hiện thời (Luật, các văn bản dưới luật PPP và các cơ chế liên quan…) cần được thực hiện và điều chỉnh như thế nào nhằm thúc đẩy hợp tác giúp người lao động nâng cao sự chủ động sẵn sàng tham gia vào công nghệ 4.0.
Đẩy nhanh việc triển khai, cụ thể hóa quyền và trách nhiệm các của các bên trong Bộ Luật lao động về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề; kịp thời tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt việc gắn kết Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, nhất là thiết chế " Hội đồng kỹ năng ngành" để huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ hình thức "tập nghề” doanh nghiệp; cơ chế để thúc đẩy nhà giáo học tập trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.
Rà soát, bổ sung cập nhật danh mục ngành, nghề đào tạo trong đó bổ sung ngành, nghề đào tạo mới thích ứng yêu cầu CMCN lần thứ tư;
Xây dựng, số hóa các công cụ, tài liệu hướng dẫn để thúc đẩy gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động
Có chính sách hỗ trợ cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó mở rộng đối tượng được hỗ trợ gồm cả người lao động thất nghiệp và người lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ nguồn kinh phí, các quỹ hợp pháp và vốn sự nghiệp.
Thời Vũ (thực hiện)
Báo Vietnamnet