Công bố dự án hợp tác đào tạo nghề giữa Australia và Việt Nam đến năm 2025
Dự án trị giá lên tới 13,8 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 246 tỷ đồng), bắt đầu vào năm 2021 và sẽ mở rộng mô hình gắn kết các doanh nghiệp logistics với GDNN ở Việt Nam trong hơn 4 năm.
Sáng ngày 14/ 4/ 2022, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã chính thức công bố giai đoạn tiếp theo của hoạt động hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam.
Trong bốn năm qua, chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia Aus4Skills đã đẩy mạnh việc gắn kết các doanh nghiệp logistics với GDNN ở Việt Nam, giúp bảo đảm kỹ năng của sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong ngành logistics.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng phát biểu tin tưởng Dự án Aus4Skills sẽ đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động (Ảnh: Mai Châm).
Đánh giá cao chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Australia, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng nói: "Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm của Úc và những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác thời gian qua, Dự án sẽ đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động - một yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2045 là trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Đồng thời, Dự án này cũng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa chính phủ hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung và ngành logistics nói riêng tại Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Bà Bridget Collier phát biểu tại lễ công bố Dự án. (Ảnh: Mai Châm)
Bà Bridget Collier, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chia sẻ tại lễ công bố Dự án: "Australia tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp phát triển ở giai đoạn tiếp theo, bao gồm cả việc củng cố kỹ năng của lực lượng lao động. Một lực lượng lao động lành nghề sẽ giúp đảm bảo cho các ngành của Việt Nam duy trì được độ cạnh tranh. Điều này hết sức quan trọng, giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế và phục hồi sau đại dịch. Chúng tôi rất vui vì được chia sẻ với các bạn, thông qua chương trình Aus4Skills, những kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng hệ thống GDNN năng động, do doanh nghiệp dẫn dắt".
Kể từ năm 2017, đã có hơn 5.300 sinh viên của một số cơ sở GDNN được hưởng lợi từ chương trình Aus4Skill thông qua việc chất lượng giảng dạy được nâng cao.
Tỷ lệ nhập học vào các khóa liên quan đến ngành logistics của các cơ sở GDNN này đã tăng gấp 8 lần và sinh viên tốt nghiệp tại đây rất được các nhà tuyển dụng chào đón vì họ có thể làm việc ngay.
Dự án trị giá lên tới 13,8 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 246 tỷ đồng), bắt đầu vào năm 2021 và sẽ mở rộng thành công mô hình gắn kết nói trên trong hơn 4 năm (2021-2025).
Dự án được thiết kế nhằm giúp Việt Nam nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động - một yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2045 là trở thành một quốc gia có mức thu nhập cao.
Hoạt động hỗ trợ này tập trung vào ngành logistics - một ngành được Việt Nam ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, ngành này được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 8%-10% tổng thu nhập quốc dân. Đây cũng là ngành mà Australia có rất nhiều kinh nghiệm.
Thời khắc công bố Dự án thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp logistics với GDNN tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (Ảnh: Mai Châm).
Sự hỗ trợ của Australia thông qua chương trình Aus4Skills sẽ tập trung hợp tác với Tổng cục GDNN, Bộ LĐTBXH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp đối tác.
Các hoạt động của Dự án sẽ tạo cơ hội phát triển chuyên môn cho giáo viên, các nhà quản lý, lãnh đạo GDNN, xây dựng khung đảm bảo chất lượng đào tạo và chương trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, với sự hỗ trợ và gắn kết chặt chẽ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ tiếp tục tạo cơ hội để phụ nữ, người khuyết tật tiếp cận được với GDNN và việc làm trong ngành logistics do ngành này vốn được coi là ngành nghề dành cho nam giới, mặc dù phụ nữ có đủ kỹ năng và năng lực.
Cũng tại lễ công bố dự án, các bên hợp tác cũng tổ chức Hội thảo về "Áp dụng Mô hình GDNN theo dẫn dắt của doanh nghiệp logistics - Định hướng cho Việt Nam".
Mai Châm
Báo Dân trí