Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phải nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao dộng đào tạo người lao động theo Nghị quyết 68 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 13/4…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các DN đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài  phải coi đây là một cơ hội để nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các DN đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải coi đây là một cơ hội để nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực người lao động.

 

Nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai chính sách chậm

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, tính đến hết tháng 3 năm 2022, theo báo cáo của các địa phương, có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng, trong đó 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng. Vùng Đông Nam bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, 02 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50 ngàn người (công ty CP Pousung Việt Nam, công ty Co Teawang vina)); vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của 13 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 30 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho trên 3.200 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Địa phương có quyết định phê duyệt cao nhất là Hà Nội với 05 đơn vị, 936 lao động, Quảng Bình 04 đơn vị, 418 lao động. Một số địa phương mặc dù có số lượng doanh nghiệp ít nhưng đã ban hành quyết định hỗ trợ cho người sử dụng lao động như: Cao Bằng (4 đơn vị), An Giang (4 đơn vị) Thái Bình (1 đơn vị với hơn 600 lao động). Tuy nhiên có địa phương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ nhưng sau đó thu hồi như Vĩnh Phúc phê duyệt cho 2 đơn vị nhưng sau thời gian gần 1 tháng triển khai đã thu hồi quyết định 1 đơn vị và một đơn vị dừng đào tạo.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khai mạc Hội nghị

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khai mạc Hội nghị

 

Là một trong những địa phương làm tốt chính sách, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động, thành phố đã ban hành văn bản và thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền đến người lao động, chủ sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành chỉ thị riêng để chính sách nhanh chóng được hiểu đúng và triển khai thực hiện.  Không chờ DN tiếp cận mà  Sở trực  tiếp chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận với DN xây dựng phương án đào tạo và hoàn thành thủ tục hồ sơ. Ngoài ra Sở còn họp trực tiếp và  trực tuyến với DN để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và họp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hướng dẫn thực hiện.

Tuy nhiên bà Nhàn cũng cho biết, trong quá trình triển khai cho thấy các điều kiện để được hỗ trợ vẫn còn nhiều vướng mắc như tiêu chí về doanh thu, điều kiện liên quan đến chủ sử dụng lao động phải đóng BHTN cho người lao động đủ 12 tháng trở lên, hay DN phải có sự thay đổi, đổi mới về cơ cấu công nghệ hay cơ cấu lao động. Bà Nhàn cho rằng, đề xuất của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp xin kéo dài thời gian thực hiện chính sách là rất nhân văn nhưng cơ quan chủ trì cũng cần xem xét điều chỉnh  những khó khăn, vướng mắc  xảy ra trong thực tiễn.

Bên cạnh các tỉnh làm tốt thì một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thái Nguyên mặc dù tập trung nhiều khu công nghiệp nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả thực hiện. Tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho 2 đơn vị nhưng sau thời gian gần 1 tháng triển khai đã thu hồi quyết định 1 đơn vị và một đơn vị dừng đào tạo. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc lý giải  một số DN xin thu hồi quyêt định vì nhiều lao động mắc Covid bên cạnh đó  họ phải tập trung cho sản xuất, không bố trí đào tạo được. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở này cũng thừa nhận, một phần nguyên nhân là từ nhận thức và trách nhiệm, đặc biệt là lo sợ trục lợi chính sách nên việc triển khai chậm.

Tinh Nghệ An cũng cho biết, tỉnh thực hiện rất tốt 11 chính sách nhưng riêng đối với chính sách đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động chưa có kết quả. Lý do chính là do chính sách thay đổi cơ cấu công nghệ khá khó khăn, nên nhiều DN không chủ động đề xuất. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn chính sách này và đồng tình với đề xuất xin kéo dài thời gian thực hiện chính sách.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long- Phó TGĐ Cty May 10 cho biết, chính sách hỗ trợ DN đào tạo cho người lao động  mang tính nhân văn và  nhiều DN có nhu cầu. Tổng Cty May 10 có trường đào tạo nằm trong DN nên thuận lợi hơn khi triển khai so với nhiều đơn vị khác. Về vướng mắc trong quá trình thực hiện, ông Bạch Thăng Long cho biết tiêu chí về doanh thu đến thời điểm này không còn phù hợp nữa. Bên cạnh đó, thời gian nộp hồ sơ lâu vì phải sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của các Sở LĐ-TB&XH. “Có cảm giác các Sở đang có e ngại vì sợ trục lợi, hy vọng thời gian tới việc xét duyệt hồ sơ sẽ nhanh hơn”- ông Long nói.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

Tổng Cục trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng báo cáo tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

 

Không sợ trục lợi chính sách

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Nghị quyết 68 từng được các tổ chức quốc tế ví như “cây cầu bắc qua dòng sông chảy xiết” và thực tế là một chính sách chưa từng có tiền lệ  với nhiều nội dung Quốc hội đã cho phép “vượt rào”.  Với sự phối hợp chặt chẽ của BHXH VN, Ngân hàng CSXH , chúng ta đã đạt những kết quả rất tốt trong việc triển khai nhóm chính sách này.

“Với Nghị quyết 68 và Quyết định 116,  đến nay con số giải ngân là 80 ngàn tỷ, gần 50 triệu lượt người được thụ hưởng. Nhiều chính sách năm 2020 kết quả không cao nhưng năm 2021, 2022 khi chúng ta điều chỉnh tiêu chí  thì kết quả rất tốt. Như chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, năm 2020, Nghị quyết 42 chi được 4 tỷ nhưng triển khai Nghị quyết 68 thì đến nay đã chi khoảng 4,8 nghìn tỷ.  Hay khó nhất là hỗ trợ lao động tự do thì cũng hàng chục triệu người được thụ hưởng. Như vậy chứng tỏ khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng và có tính quyết định.  Nhiều chính sách thực hiện trong thời gian cách ly xã hội khó khăn muôn vàn nhưng chúng ta vẫn triển khai được.”, Bộ trưởng  thông tin và nhấn mạnh, kết quả này  góp phần rất quan trọng vào ổn định đời sống, công ăn việc làm cũng như góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Các nhóm chính sách đều mang lại hiệu quả thiết thực, 11 nhóm chính sách đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tình trạng trục lợi, vi phạm chính sách đến nay về cơ bản là không có.

Riêng với nhóm chính sách thứ 3 là chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động  mặc dù thời gian vừa qua, nhiều địa phương thực hiện tốt, DN và người lao động đều phấn khởi nhưng nhìn tổng thế bức tranh chung thì theo Bộ trưởng đây là chính sách chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, nhìn xu hướng chưa thấy tích cực, chưa thấy hiệu quả trong thời gian tới dù thời gian chỉ còn 2 tháng nữa.

“Về thủ tục, nếu theo đúng Nghị định của Chính phủ và Luật Việc làm thì các tiêu chí đặt ra rất cao, rất chặt chẽ, tuy nhiên trong qúa trình triển khai, Quốc hội, Chính phủ đã nới lỏng các tiêu chí và đến giờ này các tiêu chí, điều kiện đặt ra ở mức độ thấp nhất có thể rồi.  Tại sao cũng chính sách này, nhiều địa phương rất khó khăn thì lại triển khai rất tốt nhưng nhiều địa phương lại không triển khai được, thậm chí là không triển khai. Tôi rất sốt ruột về chính sách hỗ trợ đào tạo này. Phải chăng khâu tổ chức thực hiện có vấn đề?", Bộ trưởng đặt câu hỏi.

"Thời gian không còn dài, Ủy ban xã hội của Quốc hội mới có báo cáo tổng kết sơ bộ  chỉ ra  rất nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân cơ bản là do nhận thức và trách nhiệm. Trong đó có phần lo sợ rủi ro, không an toàn. Nhưng tôi xin nói, nếu giao việc này chỉ riêng cho doanh nghiệp thì sẽ làm rất nhanh nhưng có thể có rủi ro nhưng ba bên cùng thực hiện thì sao rủi  ro được, làm sao trục lợi được. Tôi không sợ trục lợi cái này”, Bộ trưởng khẳng định.

Các địa phương tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến

Các địa phương tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến

 

Yêu cầu người đứng đầu các Sở LĐ-TB&XH phải trực tiếp chỉ đạo

Theo Bộ trưởng, ý kiến tại Hội nghị đã chỉ ra nhiều nguyên  nhân cơ bản như sự vào cuộc của các cơ quan, một số địa phương kể cả trong ngành LĐ-TB&XH chưa thực sự tốt, tình trạng “dễ thì làm, khó thì bỏ, rủi ro thì né tránh”. Nhận thức chưa đầy đủ, chưa thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo nghề.  “Đào tạo nghề vừa chống thất nghiệp, vừa chuyển đổi công việc, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa giữ chân người lao động.”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phê duyệt.  Nhiều DN nộp hồ sơ nhưng thẩm định rất chậm. “Nhiều nơi còn e ngại trục lợi chính sách,  nếu DN lo lắng, thì Sở LĐ-TB&XH có thanh tra phải giúp họ triển khai chặt chẽ ngay từ đầu.”, Bộ trưởng nói.

Về ý kiến xin kéo dài việc thực hiện chính sách, Bộ trưởng cho biết, hiện tại, chưa bàn đến chuyện kéo dài.  Trước mắt tập trung làm thật tốt, tuyên truyền, vận động, phê duyệt hồ sơ ngay để cho DN triển khai ngay, phải hướng dẫn DN, đồng hành cùng DN. Với những tỉnh chưa làm phải tổ chức Hội nghị các ngành liên quan và các DN, các KCN trên địa bàn để triển khai, phải xác định đây là công việc quan trọng trong hai tháng tới. 

“Tôi đề nghị đích thân người đứng đầu các Sở LĐ-TB&XH trực tiếp chỉ đạo công việc này trong thời gian tới. Cần thiết thì thành lập một nhóm để đôn đốc công việc này. Đồng thời, cần quán triệt lại, cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến lại chính sách nhất là hướng dẫn của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cho các doanh nghiệp ”, Bộ trưởng yêu cầu

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các DN đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài , theo Bộ trưởng cần phải coi đây là một cơ hội để nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực người lao động.

“Cuối cùng, phải hướng dẫn kiểm tra đôn đốc thực hiện theo tinh thần vướng gì thì điện về Tổng Cục GDNN, Cục Việc làm,  nếu vượt quá thẩm quyền của Cục, cần thiết gọi điện thẳng cho Bộ trưởng, tôi sẵn sàng lắng nghe các đồng chí. Đối với một số DN lớn đã nộp hồ sơ, Bộ trưởng  yêu cầu Cục Việc làm và Tổng cục GDNN trực tiếp về địa phương, đơn vị hướng dẫn triển khai thực hiện.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.


Châu Giang- Mạnh Dũng
Báo Dân sinh