Báo cáo Chỉ số Kỹ năng Toàn cầu của Coursera
Hàng năm, Coursera xuất bản Chỉ số Kỹ năng Toàn cầu nhằm đưa ra một cái nhìn toàn diện hơn về các kỹ năng. Năm nay, báo cáo gồm ba phần, đi sâu vào các xu hướng nâng cao kỹ năng của các quốc gia trên thế giới. Báo cáo kỹ năng toàn cầu được xây dựng dựa trên khai thác hệ sinh thái của hơn 77 triệu người học, 4.000 cơ sở, 2.000 doanh nghiệp và hơn 100 chính phủ, được nghiên cứu từ quý I năm 2020 đến quý I năm 2021. Các phát hiện này nhằm giúp chính phủ, lực lượng lao động và các nhà lãnh đạo ngành hiểu rõ hơn về các xu hướng kỹ năng mới nhất và mối quan hệ của chúng với khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một bối cảnh phức tạp có nguy cơ khiến hàng triệu người lao động không chuẩn bị tốt cho tương lai kỹ thuật số. Vào năm 2020, đại dịch đã gây ra thiệt hại tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian và thu nhập 3,7 nghìn tỷ USD, khiến nó trở thành cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Thiệt hại về công việc trong năm 2020 lớn hơn khoảng bốn lần so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Nhiều công việc trong số này sẽ mất đi hoàn toàn. Hơn bao giờ hết, các nhà hoạch định chính sách cần hiểu biết sâu sắc về các kỹ năng thúc đẩy việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế.
Trong thời kỳ đại dịch, thế giới chứng kiến sự đối lập giữa tình trạng mất việc làm hàng loạt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề - như du lịch, bán lẻ và xây dựng - và sự tăng trưởng việc làm tích cực trong các ngành như công nghệ và tài chính. Những thay đổi này trong nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục và tiềm ẩn những khó khăn đối với những người lao động, đặc biệt là lao động di cư. Một nghiên cứu gần đây về 08 nền kinh tế lớn cho thấy hơn 100 triệu người lao động - khoảng 1/16 người lao động - sẽ cần tìm một nghề nghiệp khác vào năm 2030, thời kỳ hậu Covid-19. Con số này cao hơn 12% so với ước tính trước đại dịch và hơn 25% so với ước tính trước đại dịch đối với các nền kinh tế tiên tiến.
Những thách thức này không phải là mới. Kể từ năm 1980, mức tăng trưởng cao hơn đối với các ngành nghề có mức lương cao. Suy thoái COVID-19 có khả năng đẩy nhanh sự phân cực này của thị trường vì các công ty có xu hướng triển khai tự động hóa nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái. Vào tháng 7 năm 2020, 2/3 giám đốc điều hành cho biết họ đang đẩy mạnh đầu tư vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI). Kết quả là giảm cơ hội về thu nhập, kinh tế và dịch chuyển xã hội cho những người ít học. Ở Mỹ, 90% người sinh năm 1940 kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ của họ. Kể từ năm 1980, chỉ có khoảng 50% kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ của họ. Trên toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp trung bình vẫn cao hơn rõ rệt đối với những người lao động có trình độ học vấn thấp hơn.
Sự gián đoạn kép này của đại dịch và tự động hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ. Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi mất việc làm nhiều hơn nam giới. Trên toàn cầu, tổng tỷ lệ mất việc làm đối với phụ nữ là 5% vào năm 2020, so với 3,9% đối với nam giới. Nếu không có hành động nào được thực hiện để giải quyết khoảng cách giới này, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể thấp hơn 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2030. Khi phụ nữ tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới, tất nhiên tỷ lệ đăng ký tham gia các khóa học tăng với tốc độ chưa từng có. Tỷ lệ đăng ký khóa học STEM từ học viên nữ đã tăng từ 31% trong năm 2018-2019 lên 38% vào năm 2020. Tổng số đăng ký khóa học cho học viên nữ tăng từ 38% lên 45% trong cùng khung thời gian. Sự linh hoạt của phương pháp học tự định hướng mang lại hy vọng và hứa hẹn rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Khoảng cách kỹ thuật số cũng vẫn tồn tại khi quyền truy cập vào Internet vẫn còn bị hạn chế đối với nhiều người trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu năm 2019, tỷ lệ sử dụng Internet ở các nước phát triển là 87%, nhưng tỷ lệ này chỉ là 47% ở các nước đang phát triển và 19% ở các nước kém phát triển nhất. Việc truy cập không bình đẳng vào Internet đã dẫn đến bất bình đẳng về cơ hội đến trường học tập và phát triển kỹ năng - vào thời điểm mà hiện nay cần có kiến thức và kỹ năng mới. Do sa sút trong học tập và tỷ lệ học sinh bỏ học gia tăng, thế hệ sinh viên này có thể mất thu nhập ước tính 10 nghìn tỷ đô la, hay gần 10% GDP toàn cầu. Vào thời điểm cao điểm của việc phong tỏa do COVID-19, hơn 160 quốc gia đã yêu cầu đóng cửa trường học đối với ít nhất 1,5 tỷ học sinh.
Vậy đầu tư vào kỹ năng nào mang lại tương lai?
Thời điểm này là cơ hội duy nhất để xây dựng các hệ thống giáo dục hòa nhập, hiện đại và có thể mở rộng hơn. Việc đào tạo lại hàng triệu công nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tự động hóa có nghĩa là bây giờ, hơn bao giờ hết, thế giới cần các giải pháp nâng cao kỹ năng của cả lĩnh vực công và tư. Đối với người lao động, chính phủ và các nền kinh tế, tăng trưởng trong tương lai ngày càng được xác định dựa trên kỹ năng. Trong những năm tới, chính phủ các nước sẽ đầu tư vào một số chương trình nâng cao kỹ năng lớn nhất từng được thực hiện. Ví dụ, nền tảng Diễn đàn Kinh tế Thế giới phấn đấu cung cấp cho 1 tỷ người có trình độ giáo dục, kỹ năng và việc làm tốt hơn vào năm 2030. Các quan hệ đối tác công tư này không chỉ có tiềm năng cải thiện cuộc sống mà còn có tiềm năng cải thiện nền kinh tế và xã hội bền vững hơn. Coursera đã đưa ra một số kết luận chinh sau về kỹ năng cho tương lai:
- Đầu tư kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy khả năng cạnh tranh, đổi mới và công bằng. Mặc dù không có mô hình “phù hợp cho tất cả” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các kỹ năng và nhu cầu về các kỹ năng cụ thể phần lớn phụ thuộc vào bối cảnh từng nước. 21 quốc gia có kỹ năng cao nhận thấy nhiều kết quả tích cực và trình độ kỹ năng của một quốc gia được phản ánh trên các khía cạnh sau:
· Hiệu suất vượt trội về Chỉ số Đổi mới Toàn cầu
· Lực lượng lao động tham gia cao hơn
· Giảm mức độ tập trung của cải trong nhóm 10% người có thu nhập cao nhất
· Tăng sản lượng kinh tế
- Kỹ năng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người lao động bắt kịp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra cùng với đại dịch. Các quốc gia dẫn đầu về các chỉ số kinh tế cho thấy mức độ thông thạo kỹ năng tổng thể cao hơn. Các khoản đầu tư vào kỹ năng cũng có thể có những tác động đáng kể tới cách chính phủ xử lý những thách thức sắp xảy ra như biến đổi khí hậu. Ngày nay, 1,2 tỷ việc làm phụ thuộc trực tiếp vào việc quản lý hiệu quả một môi trường lành mạnh và 24 triệu việc làm mới có thể được tạo ra trên toàn cầu vào năm 2030 nếu các chính sách thúc đẩy nền.
- Chính phủ các nước đều có khả năng phục hồi và kinh tế phát triển nhờ lực lượng lao động có tay nghề cao. Vào đỉnh điểm của đại dịch, Sáng kiến Phục hồi Lực lượng Lao động toàn cầu đã được Coursera thực hiện để giúp chính phủ các nước ổn định lực lượng lao động và tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế của họ thông qua đào tạo phù hợp với việc làm. Sáng kiến này đã cho thấy tầm quan trọng và mối liên kết giữa đào tạo với các công việc đang phát triển cao và nhu cầu của ngành công nghiệp.
- Tương lai của công việc đòi hỏi khả năng nâng cao kỹ năng và đào tạo lại liên tục, nhưng khả năng thành công trong giáo dục và sự nghiệp của một cá nhân bắt đầu từ sự giáo dục và môi trường của họ. Vị trí của quốc gia dựa trên chỉ số kỹ năng có mối tương quan cao (0,74) với Chỉ số vốn con người của Ngân hàng Thế giới, tính đến các lĩnh vực như kết quả chăm sóc sức khỏe, số năm đi học cơ bản và sự tham gia của lực lượng lao động vào các công việc năng suất cao. Điểm số PISA của OECD, đo lường thành tích của học sinh 15 tuổi ở các quốc gia trên thế giới, cũng có mối tương quan thuận giữa trình độ thông thạo các kỹ năng và điểm số môn toán (0,73), khoa học (0,68) và đọc (0,67).
- Khi người học bước sang tuổi trưởng thành, các kỹ năng hàng đầu cần thiết cho các công việc trong tương lai dễ tiếp cận hơn. Những kỹ năng kỹ thuật số này có thể đạt được sau một số giờ học trực tuyến, không cần cả năm học. Người học có thể phát triển các kỹ năng kỹ thuật cốt lõi trong một lĩnh vực như Bán hàng trong vòng 38 giờ; hoặc, có thể đạt được các kỹ năng để trở thành Nhà phân tích dữ liệu trong 64 giờ để bắt đầu con đường sự nghiệp trong ngành khoa học dữ liệu. Những con đường như vậy chỉ là bước khởi đầu của quá trình học tập suốt đời cần thiết để bắt kịp với nền kinh tế kỹ thuật số thay đổi nhanh chóng.
- Học tập suốt đời đặc biệt quan trọng đối với những người theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực Khoa học Dữ liệu và Công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Trong những lĩnh vực này, thời gian cần thiết trung bình của một kỹ năng, hoặc số năm cần thiết để một kỹ năng đạt được một nửa giá trị trên thị trường lao động, ngắn hơn khoảng bảy năm so với thời gian cần thiết của một kỹ năng bên ngoài các lĩnh vực đó. Những xu hướng này kêu gọi việc nâng cao kỹ năng trở thành một phần thường xuyên hơn của cuộc sống công việc hiện đại.
- Học trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian học. 71% những người học tích cực dành ít hơn ba giờ một tuần cho các môn học để thăng tiến sự nghiệp của họ. Học trực tuyến có thể giúp người lao động, bao gồm người đang đi làm hay tạm thời thất nghiệp, dễ dàng tiếp cận công việc trong tương lai hơn.
- Tỷ lệ nhập học của những người học thất nghiệp cũng tăng lên trong thời kỳ đại dịch. Người học thất nghiệp chiếm 10% số đăng ký học STEM từ năm 2018 đến 2019 và 17% vào năm 2020. Đối với số lượng đăng ký khóa học tổng thể, tỷ lệ của họ tăng từ 9% số người đăng ký từ năm 2018 đến năm 2019 lên 14% vào năm 2020. Điều này, một phần là do lời kêu gọi hành động khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo chính phủ và lực lượng lao động để nâng cao kỹ năng và đào tạo lại những người lao động thất nghiệp và chuyển việc sang các công việc kỹ thuật số, tăng trưởng cao.
Văn phòng Tổng cục GDNN dịch và biên soạn
Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp