Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam: “Nâng ngọn hay nâng gốc?”
“Nâng tầm” là khái niệm có nội hàm mơ hồ, khó để định lượng, nên trước hết cần định vị được kỹ năng lao động Việt Nam đang đứng ở đâu để đặt ra mục tiêu cụ thể, từ đó xây dựng các chiến lược giáo dục, đào tạo đi kèm.
Định vị được kỹ năng lao động đang ở đâu mới có thể xây dựng các chiến lược giáo dục, đào tạo đi kèm phù hợp.
Định vị kỹ năng lao động Việt Nam
Tại hội thảo Góp ý Dự thảo Đề án và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam do Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam tổ chức hôm 9/8 tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về khái niệm “nâng tầm” của Dự thảo Đề án.
Theo TS Phan Chính Thức – nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, “nâng tầm” là một khá niệm có nội hàm khá mơ hồ, khó định lượng. TS Phan Chính Thức cho rằng, đây chỉ là vấn đề câu chữ, tuy nhiên để nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam trước hết phải định vị được kỹ năng lao động Việt Nam đang ở đâu, từ đó đặt ra mục tiêu cụ thể và xây dựng chiến lược giáo dục, đào tạo đi kèm tương ứng.
Theo số liệu của Tổng cục GDNN, chất lượng đào tạo nhân lực của Việt Nam chỉ đứng 102/141 quốc gia có xếp hạng, năng suất lao động chỉ bằng 1/10 Singapore. Kỹ năng của lao động Việt Nam cũng chỉ có 46/100 điểm, xếp thứ 103 và kém xa với nhóm ASEAN-4.
TS Phan Chính Thức cho rằng, còn một hố sâu khoảng cách giữa đào tạo và kỹ năng lao động khi làm việc của Việt Nam. Trong khi đó, kỹ năng lao động chính là chỉ số quan trọng trong năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, Việt Nam bắt buộc phải nâng cao kỹ năng lao động để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nâng tầm phải là một hành trình mang tính hệ thống, trước – trong và sau đào tạo. Hiện nay, thị trường lao động biến đổi nhanh chóng kéo theo yêu cầu về kỹ năng lao động cũng thay đổi rất nhanh. Nếu như trước đây, người lao động sẽ học 1 lần và làm việc suốt đời thì hiện giờ, người lao động sẽ phải học tập suốt đời để thích ứng với công việc.
Đồng quan điểm với TS Phan Chính Thức về việc phải làm rõ nội hàm của khái niệm “nâng tầm” và xác định vị trí cụ thể của kỹ năng lao động Việt Nam, PGS Bùi Thế Dũng (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ) cho rằng: “Nếu coi kỹ năng nghề là gốc còn kỹ năng mềm là ngọn thì phải nâng gốc hay nâng ngọn? Theo đánh giá của doanh nghiệp trong và ngoài nước, cái yếu nhất của lao động Việt Nam không phải là kỹ năng kỹ thuật mà là kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm và thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, điều mà nhiều trường chưa đào tạo tốt”.
Doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt trong xây dựng, đánh giá và đào tạo kỹ năng lao động.
Do vậy PGS Bùi Thế Dũng cho rằng để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam phải xây dựng trên 3 trụ cột: Tiêu chuẩn (xác định các tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng), Đánh giá (đánh giá kỹ năng lao động đứng ở đâu, thiếu cái gì, cần làm gì) và Đào tạo (theo mục tiêu xây dựng trên những đánh giá cụ thể).
Ở một góc độ khác, bên cạnh việc đánh giá cao sự chỉn chu của Dự thảo Đề án sau nhiều lần chỉnh sửa, PGS.TS Mạc Văn Tiến lại nêu ý kiến về việc Dự thảo chưa thấy đề cập đến chủ thể chính là người lao động, họ sẽ được quyền lợi gì đi kèm với việc học tập, nâng cao kỹ năng lao động.
Doanh nghiệp phải là người dẫn dắt
Lý giải về những hạn chế của lao động Việt Nam, PGS Bùi Thế Dũng cho rằng, phần lớn là do chất lượng đào tạo của các trường ở Việt Nam chưa cao, nhưng không phải là tất cả. Không ít trường đào tạo rất tốt nhưng khi đi làm thực tế, nhiều em vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại.
Nguyên nhân là khoảng cách giữa giáo trình đào tạo và thực tế sản xuất tại doanh nghiệp khác xa nhau, giữa nhà trường và doanh nghiệp thiếu sự kết nối. “Trong Dự thảo Đề án, vai trò của doanh nghiệp chỉ là đối tác tham gia. Trong khi tại các nước phát triển, cụ thể là tại Đức, không phải nhà trường mà doanh nghiệp mới là người dẫn dắt trong xây dựng, đào tạo và đánh giá kỹ năng lao động. Nhà trường giống như là đơn vị đào tạo thuê cho doanh nghiệp”, PSG Bùi Thế Dũng nhấn mạnh.
Mọi điểm xuất phát đều cần có tiêu chuẩn để đi đúng lộ trình. Đặc biệt, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong 3 trụ cột: Tiêu chuẩn – Đánh giá – Đào tạo. “Doanh nghiệp cần ở vai trò dẫn dắt để đưa ra các yêu cầu về kỹ năng cụ thể để đào tạo sát với thực tế. Do đó, Dự thảo Đề án cần làm rõ hơn vai trò của doanh nghiệp”, PSG Dũng góp ý thêm.
Từ góc nhìn của cơ sở đào tạo, bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chia sẻ quan điểm chung với PGS Bùi Thế Dũng về vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực. Theo bà Hường, ở những lớp chất lượng cao, nhà trường phối hợp rất chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành. Đây gần như là những lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Do vậy, hệ thống máy móc cũng được đầu tư hiện đại, tương đồng với dây chuyền thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, trong 70% khối lượng đào tạo là thực hành, sinh viên cũng được thực tập làm việc từ rất sớm tại doanh nghiệp nên sau khi ra trường có thể làm việc được ngay mà không cần đào tạo lại. “Do đó, việc xác định doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt là hoàn toàn chính xác”, bà Hường đánh giá.
Ngô Diệp
Báo Nghề nghiệp và Cuộc sống