Thiếu kỹ năng sẽ mất cơ hội việc làm
 

 “Lực lượng lao động cần chuẩn bị một loạt kỹ năng để có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm” - ông Christophe Lemiere, Phụ trách bộ phận Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới chia sẻ nhân Ngày Kỹ năng nghề thế giới 15.7. 

Nên đào tạo theo nhu cầu

- Theo ông, điều gì khiến các thành quả giảm nghèo của Việt Nam thiếu tính bền vững?

- Những năm qua, Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng về tăng trưởng bền vững và phát triển vốn con người. Tuy nhiên, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng vẫn còn đáng kể, đặc biệt là ở nhóm dân tộc thiểu số. Người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chiếm đa số mặc dù họ chỉ chiếm 14% dân số.

Ông Christophe Lemiere, Phụ trách bộ phận Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: N. Nga

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới về “Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm dân tộc thiểu số” cho thấy phần lớn người dân tộc thiểu số sống dựa vào nông nghiệp. Họ có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận với thông tin thị trường lao động, thiếu những kỹ năng phù hợp, thiếu sự hỗ trợ để tìm việc và kết nối việc làm. Điều đó làm giảm cơ hội tiếp cận việc làm tốt, dẫn đến thu nhập thấp và tỷ lệ có việc làm thấp.

- Liệu đào tạo nghề có phải là giải pháp cốt lõi để xử lý vấn đề này không?

Chúng tôi cho rằng, nếu mỗi gia đình dân tộc thiểu số có được một việc làm hưởng lương thì họ sẽ thoát nghèo bền vững. Ở đây, đào tạo nghề và các dịch vụ kết nối việc làm đóng vai trò hết sức quan trọng.

Để hỗ trợ những hộ gia đình này có được việc làm tốt, cần có các giải pháp can thiệp của Chính phủ, chuyển từ mô hình đào tạo truyền thống - đào tạo theo hướng cung - sang đào tạo theo nhu cầu. Điều đó có nghĩa là cần thiết kế gói hỗ trợ kết hợp giữa đào tạo với tư vấn, hỗ trợ tìm việc cũng như các hỗ trợ khác như chi phí ăn ở, đi lại.

Đào tạo ngắn hạn cần tập trung vào những kỹ năng mà người lao động cần hoặc kỹ năng để tự tạo việc làm như kỹ năng chuyên môn, khởi sự kinh doanh, kỹ năng kỹ thuật số, kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề... Những kỹ năng này giúp họ tìm được việc làm nhanh và bền vững. Việc đào tạo nên được tổ chức tại doanh nghiệp vì khả năng có việc làm sau đào tạo thường cao hơn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các chương trình hỗ trợ tổng thể như vậy thường có tác động tích cực đến việc tạo việc làm và giúp họ thoát nghèo bền vững.

Một vấn đề quan trọng nữa là hướng nghiệp cho thanh niên, nhất là thanh niên vùng dân tộc thiểu số. Việc thiết lập hệ thống tư vấn và định hướng nghề nghiệp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (TVET) và cho người lao động là cần thiết. Chúng tôi thấy cần phải phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và sử dụng hệ thống này như một công cụ hữu hiệu để truyền thông đến phụ huynh, học sinh, giáo viên và người dân qua nhiều kênh khác nhau. Với sự phát triển của công nghệ, thông tin thị trường lao động trực tuyến có thể tiếp cận rộng rãi đến các nhóm đối tượng thông qua nền tảng trực tuyến hoặc một ứng dụng di động. Một số nước châu Phi đã ứng dụng di động trong việc cung cấp các thông tin về việc làm trống, yêu cầu kỹ năng, mức lương... cho thanh niên và kết nối họ với doanh nghiệp.

Việt Nam cần một chiến lược phát triển kỹ năng cho lao động

- Theo ông, lực lượng lao động Việt Nam sẽ phải vượt những thách thức nào nhằm thích ứng với việc làm trong tương lai?

- Thế giới đang đứng trước những thách thức có thể thay đổi bức tranh việc làm. Sự gia tăng của tầng lớp người tiêu dùng châu Á, sự chuyển dịch sang các nền kinh tế tri thức, các đối tác và mô hình thương mại mới, tự động hóa tại nơi làm việc, biến đổi khí hậu và già hóa đều đe dọa cơ cấu việc làm hiện tại của Việt Nam.

Dân số đang già đi có nghĩa là Việt Nam sẽ không còn được hưởng lợi từ lợi tức dân số và phải tập trung vào việc tăng năng suất của nhóm dân số trong độ tuổi lao động trẻ. Tự động hóa và tầm quan trọng ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức sẽ khiến một số công việc gặp rủi ro, tạo ra các công việc khác và thay đổi bản chất của các công việc, đòi hỏi các loại kỹ năng mới. Sự bùng phát Covid-19 cũng có thể có tác động đáng kể, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số và kéo theo đó là nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Một số công việc xanh mới sẽ được tạo ra, trong khi các công việc khác có thể bị loại bỏ do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và do chuyển đổi sang phương thức sản xuất sạch hơn. Thích ứng, giảm thiểu và nâng khả năng phục hồi sẽ đòi hỏi người lao động ở mọi cấp độ phải phát triển các kỹ năng mới.

Cụ thể, để trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2035, Việt Nam nên làm gì?

- Mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 sẽ đòi hỏi một số cải cách căn bản. Những nỗ lực để hướng tới việc làm tốt hơn không chỉ đòi hỏi tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư thuận lợi. 

Đầu tư phát triển kỹ năng có một vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu. Hiện tại, Việt Nam chưa có một chiến lược phát triển kỹ năng tổng thể để định hướng sự phát triển lực lượng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Chiến lược này phác thảo các xu hướng chính sẽ hình thành nhu cầu về kỹ năng ở Việt Nam trong những năm tới, bao gồm nêu bật quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế chăm sóc. Lực lượng lao động cần chuẩn bị một loạt kỹ năng gồm kỹ năng chuyên môn, kỹ năng kỹ thuật số, khả năng thích ứng, sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp để có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm. Hệ thống đào tạo bao gồm từ giáo dục trung học đến sau phổ thông, bao gồm cả đào tạo chính quy và phi chính quy cần phải linh hoạt để thích ứng với những xu hướng trên đây.

- Xin cảm ơn ông!   

          Nguồn từ Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp