Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) vừa ban hành văn bản số 351/TCGDNN-ĐTTX về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới. Ngoài mục tiêu nâng cao trình độ cho lao động những ngành nghề mới, cơ quan này đề ra mục tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2024 đạt 2,34 triệu người.

Đào tạo nhân lực có tay nghề phục vụ các ngành nghề mới là yêu cầu cấp thiết của thị trường lao động hiện nay. Ảnh: Hải Nguyễn

Nâng cao trình độ cho lao động trong bối cảnh hội nhập

Văn bản số 351 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới bao gồm trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logicstics, đường sắt cao tốc...

Mục tiêu nhằm triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới và Kế hoạch hành động của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cả nước hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên.

Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024.

Đào tạo đón đầu, có đặt hàng

Trao đổi với PV Lao Động ngày 3.3, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) - cho hay, Văn bản 351 liên quan đến ngành nghề mới Chính phủ đang chỉ đạo để tổ chức đào tạo.

Tổng cục phải rà soát lại các ngành mới, như chip bán dẫn, tín chỉ carbon, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Công văn đề nghị các trường đã vào cuộc, theo đó báo cáo rõ với các ngành nghề mới này, nhà trường đã chuẩn bị đến đâu; khó khăn, vướng mắc gì trong danh mục nghề, các điều kiện tổ chức đào tạo...

Cũng theo ông Đào Trọng Độ, một số trường hiện nay đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài để triển khai đào tạo nhóm ngành nghề này, trong đó, Trường Cao đẳng FPT đã có đăng ký phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài, đã có phương án đào tạo.

“Chúng tôi yêu cầu các trường cao đẳng làm rõ có thể tham gia đào tạo được, nhưng tham gia ở cấp độ nào. Trên cơ sở báo cáo của các trường, về khả năng hiện nay, vướng về cơ chế chính sách, đăng ký ngành học, nguồn lực... chúng tôi có cơ sở dữ liệu tổng thể, chính xác. Sau đó, khi họp với chuyên gia, các nhà sản xuất sẽ có phương án hỗ trợ để các trường vào cuộc đào tạo” - ông Đào Trong Độ cho hay.

Cũng theo ông Độ, dự kiến trong tháng 3.2024 sẽ có thông tin tổng hợp báo cáo của các trường trên cả nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc giải quyết các cơ sở dạy nghề yếu kém nhằm tập trung nguồn lực cho các trường trọng điểm, ông Độ cho hay, Theo quyết định 73 của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương và bộ ngành cùng rà soát các trường theo tiêu chí: ngành nghề trùng nhau, cùng địa bàn đào tạo cùng ngành nghề, trường không hiệu quả sáp nhập hoặc giải thể... Đến nay, có địa phương đã sắp xếp xong, có bộ ngành vẫn tiếp tục rà soát.

Khó khăn lớn nhất của các trường khi triển khai đào tạo các ngành nghề mới, theo ông Độ, là họ đều không biết bắt đầu từ đâu.

“Các trường rất mong muốn phối hợp với doanh nghiệp vì hiện chưa biết triển khai như thế nào. Với nhiều trường, những ngành này mới quá. Thực tế, các trường có muốn vào cuộc thì phải nắm được lộ trình, tiêu chuẩn, yêu cầu của doanh nghiệp... và phải có đặt hàng. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang phối hợp với các địa phương, trong đó có nhiều địa phương vào cuộc tích cực như Hà Nội, Bắc Giang... để xây dựng phương án cụ thể. Chúng tôi quan tâm cả những nhóm nhân lực mới như vận hành đường sắt trên cao, đường sắt cao tốc... để có phương án đón đầu đào tạo” - ông Độ nói.

Về mục tiêu tuyển sinh dạy nghề cho 2,43 triệu người trong năm 2024, ông Độ khẳng định con số này hoàn toàn khả thi.
 
laodong.vn