Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong

      Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2021) là dịp để các thế hệ thanh niên xung phong cùng ôn lại truyền thống hào hùng của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Để có được nền độc lập, hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay có sự đóng góp hết sức to lớn của Lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam nói chung và Lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An nói riêng. Được sự quan tâm, dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và sự quan tâm chăm lo của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, là niềm tự hào của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
      Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang giai đoạn mới. Đảng và Bác Hồ xác định cần phải có thêm một lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, hy sinh, có tổ chức quản lý và lãnh đạo chặt chẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục vụ kháng chiến – đó là Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP). Từ chủ trương này, ngày 15/7/1950 Bác Hồ đích thân chỉ đạo thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 cán bộ, đội viên và giao cho Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam phụ trách. Được sự quan tâm dìu dắt của Đảng, Lực lượng TNXP đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh . Từ 225 cán bộ, đội viên buổi đầu được thành lập, đã trở thành đội quân hùng hậu với hơn 65 vạn cán bộ, đội viên vào cuối thời kỳ chống Mỹ, trong đó, tỉnh Nghệ An có hơn 4.8 vạn cán bộ, đội viên đã lập nên những kỳ tích, làm nên truyền thống anh hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng, khôi phục đất nước sau chiến tranh.
 
  Bác Hồ nói chuyện với Đại biểu TNXP dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1 năm 1967. Ảnh: Tư liệu

       Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, hơn 5 vạn cán bộ, đội viên TNXP cả nước được điều động tham gia phục vụ chiến dịch, trong đó tỉnh Nghệ An có hơn 5.000 cán bộ, đội viên. Ngoài ra, hơn 1.000 TNXP Nghệ An được biên chế vào Đại đội 294 và Đại đội 299 thuộc Đội TNXP 40 của Trung ương phục vụ chiến đấu tại Đèo Pha Đin và tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La rất ác liệt, nhiều cán bộ, đội viên đã anh dũng hi sinh, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
       Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thực hiện Chỉ thị của Đảng, của Bác Hồ, Lực lượng TNXP được chuyển sang làm nhiệm vụ mới, đó là thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh – xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hơn 10 vạn TNXP cả nước đã tình nguyện lên đường, trong đó tỉnh Nghệ An có 4.900 cán bộ, đội viên đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lao động quên mình, xây dựng hàng trăm công trình kinh tế - xã hội.
       Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu to lớn và cấp thiết của cuộc kháng chiến, thực hiện lời Hiệu triệu của Bác Hồ, Chỉ thị số 71 ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung toàn miền Bắc. Cùng với trên 28 vạn TNXP cả nước, 31.000 TNXP Nghệ An đã tình nguyện lên đường phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt mùa xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
       Đến nay, đã có hàng vạn cựu đội viên TNXP được hưởng chế độ theo Quyết định của Chính phủ, được phong tặng những danh hiệu cao quý, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như: Phong trào lập quỹ hỗ trợ, xây nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng tượng đài TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Xuân Sơn (Quảng Bình), Tân Biên (Tây Ninh), Đại Từ (Thái Nguyên)… để tôn vinh lớp TNXP anh hùng.
       Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ngày nay, Tổng đội TNXP luôn là lực lượng xung kích, vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Nhiều thế hệ TNXP tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, luôn nêu cao tinh thần: “Thời trẻ xung phong, về già gương mẫu”, xứng đáng là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ, để tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Bài: Trịnh Hường