Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca

     Cứ mỗi dịp tháng 5 về, toàn Đảng và toàn dân ta lại náo nức bồi hồi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

     Cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời.

     Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch Nước, là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19/5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối những lễ nghi phiền phức, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ. Qua mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác, chúng ta đều thấy một sự giản dị, khiêm tốn đến cao thượng. Đó là bài học quý giá cho mỗi chúng ta trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của đất nước. Là dịp để chúng ta soi vào tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, học tập đức tính khiêm tốn, giản dị, mẫu mực của Bác.

     Từ năm 1941 đến 1969, nhân Ngày sinh nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được hàng ngàn bức thư, điện chúc thọ của nhân dân, cán bộ, quân đội trong nước và bạn bè quốc tế, Người đều gửi lời cảm ơn.

     Ngày 19/5/1941:(từ ngày 10 đến ngày 19/5), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương họp tại Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương.

     Ngày 18/5/1946:Trên trang nhất báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, bài báo đã chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 19/5/1890.

     Ngày 19/5/1946:Cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn quân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”.

     Ngày 19/5/1947:Giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, sinh nhật Bác diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn Dương (Tuyên Quang) chỉ với một bó hoa rừng của những người thân cận tặng người đứng đầu cuộc kháng chiến. Nhưng Bác đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét.

     Ngày 19/5/1948: Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã gửi thư chúc mừng nhân sinh nhật Bác. Đáp lại những lời chúc mừng, Bác viết thư cảm ơn, có đoạn: "Đồng bào yêu mến chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…".

     Khi ở Hà Nội, đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. Ngày 19/5/1953, Bác thăm các cháu lớp mẫu giáo nhỏ tuổi, con em của các đồng chí cán bộ các cơ quan Trung ương, Bác nhắc các cô giáo phải cố gắng nuôi dạy các cháu cho chu đáo, Bác còn chụp ảnh chung với cô giáo và các cháu.
 
Bác Hồ thăm lớp Mẫu giáo tại Chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1953. Ảnh: Tư liệu

     Ngày 19/5/1954:Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được nhiều thư, điện của cán bộ, nhân dân, quân đội, thiếu nhi... gửi chúc thọ Người và tiếp nhiều đoàn đến chúc thọ. Cùng ngày, với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Phi la tốp”, đăng báo Nhân Dân số 186 (từ ngày 19/5 đến 21/5/1954), bài báo viết về khả năng sản xuất loại thuốc mới của Y tế Việt Nam.

      Ngày 19/5/1963: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II năm 1963 khai mạc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 Ngày sinh của Bác. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Biết tin, Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”, Bác nói tiếp: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.

      Ngày 19/5/1964: Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 74, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của tạp chí MaiNôrily Ốpoăn - Tạp chí của một nhóm trí thức tiến bộ Mỹ xuất bản. Nội dung trả lời phỏng vấn về tình hình ở Việt Nam và cuộc xâm lược của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam và quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Năm 1965: Nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình, lần đầu tiên Bác viết: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khoẻ mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Tài liệu này được Bác bắt đầu viết vào ngày 15/5/1965, có sự chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

     Ngày 19/5/1966, 1967:Chủ tịch Hồ Chí Minh công tác tại nước ngoài.

     Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút! Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau vào lúc 9h ngày 10/5/1968: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây…”. Vì vậy, sinh nhật lần thứ 78 của mình, Bác không “vắng nhà” như những năm trước mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản “Di chúc” - “tài sản vô giá” của Người để lại cho dân tộc Việt Nam. Năm đó, Bác viết thêm vào “tài sản” của mình một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Ðảng, chăm lo đời sống của nhân dân… Những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.

     Sinh nhật lần thứ 78, tuy Bác không đi công tác xa như những năm trước, nhưng buổi tối ngày 18-5-1968, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây. Trưa ngày 19-5, Bác và một số anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ cùng ăn một bữa cơm thân mật nhân Ngày sinh của Người.

     Trong dịp sinh nhật của Bác năm 1969, 16 giờ 15 phút ngày 11/5/1969, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện thân mật với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cấp cao toàn quân. Khi Bác vào phòng họp, mọi người đứng dậy và hô vang: ''Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!''. Bác thân mật hỏi thăm: ''Các chú khỏe cả chứ? Có vui không?''; những lời đáp: ''Thưa Bác chúng cháu khỏe. Thưa Bác! Vui lắm ạ!'' và Bác bảo ''Thế là tốt. Vậy các chú vỗ tay đi''. Cả hội trường lại được dịp vang lên những tràng vỗ tay vui mừng, phấn chấn.

     Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt anh em mang hoa đến và phát biểu chúc thọ Bác, vì xúc động quá nên giọng run run, khi đồng chí Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại đồng chí Vũ, một cử chỉ thật âu yếm và thân tình. Chiều 18/5, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số Ủy viên Trung ương Đảng vào chúc thọ Bác ở nhà họp Bộ Chính trị, ngay sau Nhà sàn. Bác Hồ ngồi thoải mái phía đầu bàn, mọi người đứng, ngồi vây quanh. Đồng chí Lê Duẩn đứng lên chúc thọ và đồng chí Tố Hữu tặng hoa Bác. Khi bánh kẹo bưng ra, Bác thân mật mời và lại căn dặn nhớ mang phần về cho các cô, các cháu ở nhà. 10 giờ 30 ngày 19/5, Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Trong ngày này Bác gửi tặng tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới ảnh ''Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân''.

      Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/2022) là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam báo công với Bác về những thành tích cả nước đạt được và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, sai lầm để tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn. Từ đó, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trịnh Hường (Tổng hợp)