Bản anh hùng ca - “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

     Vào những ngày cuối tháng 12 cách đây 49 năm, với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, quân và dân cả nước đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm và giành chiến thắng vang dội trong cuộc đối đầu với không quân của đế quốc Mỹ.
     Chiến thắng mang tên “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã đánh dấu một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Bộ đội Tên lửa những ngày đánh trận "Điện Biên Phủ trên không". Ảnh: Tư liệu
     Sau trận đánh máy bay B-52 không thành công tại Hải Phòng (16/4/1972), Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam rút ra những nhận xét rất chính xác: Thứ nhất, khả năng Mỹ sử dụng B-52 đánh lớn vào Hà Nội sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa, do đó, việc rà soát lại các phương án đánh B-52 bảo vệ Hà Nội và những mục tiêu quan trọng khác càng trở nên cấp thiết. Thứ hai, muốn bắn hạ được B-52, ta không thể dựa vào những kinh nghiệm cũ, mà cần phải đi sâu nghiên cứu địch trên tất cả các mặt, nhất là về chiến thuật, kỹ thuật để tìm ra cách đánh mới phù hợp. Đặc biệt, việc tìm ra dải nhiễu B-52 để xác định đúng “mục tiêu B-52” sẽ trở thành yếu tố then chốt cho kết quả thắng – thua. Thứ ba, việc đến thời điểm này, chưa có đơn vị tên lửa nào của ta bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, cũng như thắng lợi tạm thời của Mỹ trong trận đánh Hải Phòng vừa qua sẽ khiến địch càng dễ chủ quan; quân dân ta có thêm điều kiện để giành chiến thắng. Những nhận xét này đã đặt nền tảng cho một quá trình chuẩn bị khoa học của bộ đội Phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.
     Đến giữa tháng 11/1972, trước thái độ lật lọng của phái Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, Bộ Chính trị họp bàn, khẳng định quyết tâm đánh bại mọi hành động leo thang chiến tranh của Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Ngày 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263 của ta bắn trúng máy bay B-52 của Mỹ rơi gần biên giới Lào – Thái Lan (cách vị trí bắn khoảng 200km). Đây là chiến công có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra khả năng ta hoàn toàn có thể bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52 của Mỹ, cổ vũ động viên tinh thần to lớn cho quân dân Việt Nam.
     Dựa trên kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài cùng thủ đoạn hoạt động của địch, tài liệu “Cách đánh B-52” sau nhiều lần bổ sung hoàn chỉnh được ban hành (tháng 11/1972), giúp các đơn vị phòng không, không quân thống nhất về tư tưởng và cách đánh, từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, các mặt công tác bảo đảm, nhất là bảo đảm kỹ thuật được xúc tiến một cách có hiệu quả. Ta khẩn trương xây dựng một số sân bay dã chiến bí mật ở vòng ngoài; bố trí thêm nhiều trận địa nghi binh, trận địa dã chiến cho bộ đội tên lửa, bộ đội cao xạ cơ động; bố trí thêm một số trạm ra – đa nhằm “tăng độ dài cánh sóng”…
     Tại các địa phương, lực lượng dân quân tự vệ được trang bị thêm nhiều loại súng máy, pháo cao xạ và phương tiện cấp cứu. Hệ thống công sự chiến đấu, hầm hào ẩn nấp được sữa chữa hoặc xây dựng thêm. Việc sơ tán các kho hàng, sơ tán nhân dân ở Hà Nội, Hải Phòng được tiến hành khẩn trương. Toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch phòng không Hà Nội – Hải Phòng bao gồm: 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn rada, 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân. Có thể khẳng định: Kế hoạch chuẩn bị đánh trả và phòng tránh máy bay B-52 của quân dân Việt Nam đã được triển khai rất tích cực, chủ động và công phu, vượt ra ngoài những toan tính của kẻ thù.
     Vào hồi 19 giờ 10 phút ngày 18/12/1972, hệ thống rada của ta bắt được tín hiệu máy bay B-52 địch đầu tiên hướng về Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược. 19 giờ 15 phút, Bộ Tổng tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc, cuộc chiến đấu chính thức bắt đầu.
     Phán đoán chính xác âm mưu, hành động của địch, có sự chuẩn bị sớm từ trước, quân dân ta ở Hà Nội và các địa phương bước vào chiến dịch phòng không với tinh thần chủ động, bình tĩnh, tự tin. Lúc 20 giờ 13 phút, bộ đội tên lửa của ta bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên của chiến dịch (rơi tại Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội). Tin chiến thắng lập tức được truyền đi khắp trận địa.
     Với quyết tâm “bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái B-52, tiến đến đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của không quân Mỹ”, lực lượng phòng không của ta tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa nghệ thuật tác chiến phòng không lên một bước phát triển cao. Các đơn vị rada có nhiều sáng tạo về kỹ - chiến thuật, kịp thời phát hiện cảnh báo sớm mục tiêu B-52. Bộ đội tên lửa thực hiện cách đánh trong nhiễu đạt hiệu suất cao, là lực lượng chủ yếu tiêu diệt B-52, tạo nên bất ngờ lớn đối với địch. Các đơn vị không quân tiêm kích phát huy cách đánh dũng cảm, mưu trí tiêu diệt nhiều máy bay cường kích, đồng thời bắn rơi cả máy bay B-52. Bộ đội pháo cao xạ tích cực đánh trả máy bay cường kích ném bom, bảo vệ an toàn cho trận địa tên lửa. Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ triển khai hỏa lực chiến đấu trên địa bàn rộng lớn tạo nên hệ thống lưới lửa đánh máy bay tầm thấp rất lợi hại…
     Ngay trong đêm đầu tiên (18/12), bộ đội ta đã lập chiến công to lớn: bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 3 máy bay B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ), mở ra khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của địch. Những ngày tiếp theo, ta tiếp tục bắn rơi thêm nhiều B-52 (đêm 20/12 bắn rơi 7 chiếc, đêm 26/12 bắn rơi 8 chiếc…), cùng các loại máy bay chiến thuật khác. Bị tổn thất nặng nề, đến sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, chấp nhận nối lại đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
 
Xác B-52 rơi ở đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
     Kết quả toàn chiến dịch, ta bắn rơi 81 máy bay các loại (trong đó có 34 B-52 và 5 F-111), diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ. Riêng ở thủ đô Hà Nội, ta bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 B-52 và 2 F-111). Dư luận phương tây gọi chiến thắng này là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng nhiều nhất máy bay B-52, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ, đồng thời làm chấn động dư luận thế giới. Bản thân Richard Nixon cũng thú nhận: “Mối lo lớn nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán đến từ trong nước cũng như ngoài nước như đã dự kiến mà là tầm quan trọng của những tổn thất bằng B-52” (Trích Hồi ký Richard Nixon).
     Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta, của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt của nhân dân ta, chứng minh sức sống của học thuyết Mac-Lênin về chiến tranh cách mạng trong thời đại ngày nay và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam. Đó là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn. Đó là chiến thắng của sự kế thừa và phát huy truyền thống quân sự Việt Nam, của đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng trong thế trận phòng không nhân dân, trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù.
     “Điện Biên Phủ trên không” là trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lược, là trận thử thách chưa từng có trong lịch sử của quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không – Không quân với lực lượng không quân chiến lược Mỹ, đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta, để chúng ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
     Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi trở thành dấu son chói lọi trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã trở thành truyền thống vẻ vang và niềm tin vững chắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội Phòng không – Không quân. Chiến thắng “Hà Nội – Điên Biên Phủ trên không” đã chứng minh sức sống của học thuyết Mác-Lênin về chiến tranh cách mạng trong thời đại ngày nay và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam.
     Kỷ niệm 49 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” chúng ta có dịp ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, của quân đội nhân dân Việt Nam, của quân và dân Thủ đô Hà Nội anh hùng; qua đó, càng tin tưởng, tự hào hơn về dân tộc ta, Đảng ta, Quân đội ta – một dân tộc luôn đoàn kết chống lại một kẻ thù hùng mạnh và đã làm nên những chiến thắng chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu. Một Đảng Mác xít kiên cường, luôn trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo đã dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một quân đội anh hùng, quân đội của dân, do dân, vì dân. Chúng ta tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc, lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn sức mạnh, là nội lực của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.
 
Trịnh Hường (Tổng hợp)