Điểm mới về tuyển sinh cao đẳng nghề
Luật Giáo dục sửa đổi đã được thông qua năm 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020, trong đó có những điều khoản tác động đến công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp. Điểm mới đáng chú ý là học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ cao đẳng chính quy. Tổng thời gian học là 4 năm, bao gồm các môn học văn hóa.
Có 2 hình thức đào tạo: Thứ nhất được học 4 môn văn hóa và được cấp bằng cao đẳng, không cấp kèm bằng THPT. Nhưng được xác nhận hoàn thành chương trình phổ cập nội dung văn hóa.
Ở hình thức thứ hai, các em được học văn hóa tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên. Với hình thức học này các em được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.
Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi, cơ quan quản lý sẽ sớm có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện, trong đó cho phép các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đào tạo các môn học văn hóa được phép đăng ký cho học sinh, sinh viên của mình tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.
Như vậy, với Luật Giáo dục mới, từ năm nay các em học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể tiếp tục học lên hệ cao đẳng và được học văn hóa.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, từ năm 2019 trở về trước, nhà trường rất ít thu hút đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, bởi việc bảo đảm đào tạo chất lượng cao.
Từ năm nay, khi Luật cho phép, đào tạo nghề và dạy văn hóa, trường xây dựng chiến lược đào tạo, cam kết về chất lượng chương trình học tập văn hóa, trong đó có đào tạo những hạt nhân điển hình.
Các học sinh tốt nghiệp lớp 9 đăng ký học hệ cao đẳng nghề trong 2 năm đầu được miễn học phí học nghề và chỉ phải trả học phí học văn hóa theo quy định chung của địa phương. Mức học phí khoảng 200.000 đồng/tháng, một năm học 10 tháng.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo văn hóa, kinh phí Nhà nước không còn cấp bù, nhà trường sẽ thu học phí học nghề là 940.000 đồng/tháng, cam kết không thay đổi học phí trong năm học.
Định hướng môi trường học tập nghề nghiệp phù hợp
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Châu (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng: Điểm mới trong năm nay được nhiều phụ huynh quan tâm là học nghề từ sau tốt nghiệp THCS lên trình độ cao đẳng mà không nhất thiết phải có trình độ tốt nghiệp THTP như trước đây.
Các em học sinh tốt nghiệp THCS học nghề được miễn học phí và đồng thời học văn hóa THPT để có cơ hội tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: huyện Ba Vì năm nay có trên 4.000 học sinh lớp 9, 3.000 học sinh lớp 12. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh thi vào lớp 10 chiếm khoảng 82%, còn lại 18% các em không thi hoặc tham gia học tập tại các trường dân lập, trường nghề,…
Chất lượng tuyển sinh vào 10 ở Ba Vì nhìn chung còn thấp, công tác định hướng nghề và phân luồng học sinh cũng còn hạn chế. Các trường THPT lấy điểm đầu vào rất thấp, do đó tư tưởng của phụ huynh, học sinh cho rằng việc học THPT là dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều em vào học THPT rất vất vả bởi sự hạn chế về khả năng và nhận thức.
Tại Ba Vì, hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng nghề còn ít, các ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh rất băn khoăn về việc đi lại, sinh hoạt của con mình khi vào học trường nghề, học nghề xong có việc làm không?...
Vì vậy, cần xây dựng các nội dung truyền thông, thông tin cụ thể chương trình đào tạo, chế độ ưu đãi về học phí, trợ cấp, cơ sở vật chất, đầu ra việc làm, để phụ huynh và các em học sinh có thể lựa chọn, tham gia môi trường học tập nghề nghiệp phù hợp.