(Congannghean.vn)-Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (hay còn gọi là trường nghề) chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, các trường nghề đang gấp rút chuẩn bị các khâu tuyển sinh và linh hoạt trong đào tạo để thu hút các học viên tham gia đăng ký học tập tại trường.
|
Trường cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc giới thiệu những ngành nghề đang đào tạo cho các giáo viên và học sinh đến tham quan |
Nhiều hình thức tuyển sinh
Xác định công tác tuyển sinh là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường nên thời gian qua, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, thiết thực để thu hút học sinh. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều bị trì hoãn. Vì thời điểm này, các em học sinh cuối cấp đang tập trung ôn thi nên chưa quan tâm đến tuyển sinh, chọn trường sẽ là sau khi kết thúc các kỳ sát hạch vào khoảng tháng 7, tháng 8.
Để thích ứng với tình hình mới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến, chiêu sinh các đối tượng mới. Theo đó, các trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tuyến qua website của nhà trường, qua mạng xã hội, báo, đài phát thanh - truyền hình; qua các trang facebook, đẩy mạnh việc đăng ký dự tuyển trực tuyến qua website của các cơ sở GDNN và trên Trang tuyển sinh của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp…, kết hợp với doanh nghiệp để làm tốt công tác tuyển sinh.
Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN đã thành lập tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, vùng miền, các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, kết hợp xây dựng cổng thông tin tuyển sinh. Đồng thời, phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức hội nghị tư vấn hướng nghiệp học nghề nhằm giúp cho các em nắm bắt kịp thời đầy đủ các thông tin về chủ trương chính sách về GDNN để các em có cơ sở lựa chọn vào học GDNN. Các cơ sở GDNN còn tổ chức họp mặt phụ huynh học sinh để tư vấn các chính sách ưu đãi trong GDNN, vận động, định hướng cho con em vào học GDNN. Tổ chức cho học sinh các trường trên địa bàn và khu vực lân cận tham quan học tập trải nghiệm tại trường mình để từ đó các em có những suy nghĩ thực tế hơn về học nghề.
Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức cho biết: Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã thành lập “Tổ tư vấn” đi các trường THCS, THPT làm việc với các hội phụ huynh ở các trường để chia sẻ thông tin, quảng bá hình ảnh của trường. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị giáo dục nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp; tổ chức “ngày hội việc làm” để kết nối sinh viên với doanh nghiệp để sinh viên sau khi tốt nghiêp có thể làm việc ngay. Nhà trường đã linh hoạt đẩy mạnh công tác tuyển sinh trên mạng xã hội, qua zalo, facebook… Trong đó, phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn và gửi phiếu khảo sát điện tử. Từ những phiếu khảo sát này, nếu em nào quan tâm về học kỹ thuật, nhà trường sẽ tổ chức tư vấn sâu thêm.
Chú trọng hướng nghiệp
Nghệ An hiện có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 9 trường cao đẳng và 14 trường trung cấp nghề. Năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh cho 70.096 lượt người, gồm: Cao đẳng 5.070 người, trung cấp 9.028 người, sơ cấp và đạo tạo dưới 3 tháng 55.971 lượt người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58,1%, tỉ lệ tuyển sinh đạt 96,1%, (cao hơn cùng kỳ năm 2018). Trung bình năm 2018, tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 83%. Những trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay ở mức rất cao, như: Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, cao đẳng Việt Đức, cao đẳng Du lịch - Thương mại, trung cấp Dân tộc nội trú, trung cấp Kỹ thuật Yên Thành…
Để thu hút học sinh, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt trong công tác đào tạo, chú trọng hướng nghiệp và liên kết nhà trường, doanh nghiệp. Nhiều trường đã chủ động hơn trong hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp và thực hiện có hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Một số trường tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm và các quy định cơ bản khi người lao động ký kết hợp đồng, trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp.
Ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: “Nhà trường hiện có 11 ngành nghề đào tạo, nhà trường cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo và việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp ở trong nước và ngoài nước. Hằng năm, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đặt đơn hàng tại trường. Học sinh sau một năm học tại trường sẽ được đưa về doanh nghiệp học thực hành và được hưởng lương cơ bản. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên có thể tiếp tục học liên thông lên đại học tại các trường đại học Hàn Quốc, được ở lại Hàn Quốc làm việc theo diện lao động kỹ thuật cao. Nhà trường còn liên kết với hơn 50 quốc gia để đưa các em đi xuất khẩu lao động như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nga ... ".
Còn thầy Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Đức cho biết: “Nhà trường đã đổi mới, nâng cấp, xây dựng các chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy. Đồng thời mời các doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình đào tạo, doanh nghiệp; tham gia giảng dạy, sát hạch các khâu đào tạo để kiểm soát chất lượng sinh viên sau khi ra trường làm việc tại doanh nghiệp. Để tăng kết nối tuyển sinh, nhà trường tư vấn cho các em học ngoại ngữ và liên kết với các nước cho các em đi học và làm việc tại nước ngoài”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Sỹ Tuyến, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết, Sở đang chú trọng công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác gữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để có đầu ra tốt. Sở cũng khuyến khích các trường tận dụng các mối quan hệ để tổ chức tuyển sinh đi liền với tuyển dụng, bảo đảm đầu ra cho người học nghề. Các trường nghề cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp, đào tạo những ngành, nghề mà doanh nghiệp và thị trường cần, chứ không phải đào tạo những gì mình có. Cần tăng cường liên kết với các quốc gia tiên tiến trên thế giới để chuyển giao chương trình dạy nghề theo chuẩn quốc tế.
“Năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu tuyển sinh đạt 68.000 người, trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng 5.200, trung cấp 9.100 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 53.700 người. Bộ LĐ-TB&XH cũng đặt mục tiêu học viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trong năm 2020 đạt khoảng 2,6 triệu người, ít nhất 80% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Đây sẽ là nguồn cung chất lượng cho thị trường lao động, trong bối cảnh yêu cầu từ các doanh nghiệp về trình độ, tay nghề của người lao động ngày càng cao. Dù rất khó đạt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề trong năm 2020, song nếu các nhà trường cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, làm tốt công tác tuyển sinh và chú trọng chất lượng đào tạo thì vẫn được bảo đảm. Đó cũng là giải pháp cơ bản để bình ổn thị trường lao động, nâng cao nhất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh”, ông Hoàng Sỹ Tuyến cho biết thêm.
Cao Loan
Nguồn : https://congannghean.vn/van-hoa-giao-duc/202006/truong-nghe-day-manh-tuyen-sinh-linh-hoat-trong-dao-tao-902398/?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30