Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) – Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Kế thừa hào khí chống giặc, giữ nước trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh “ngàn cân treo sợi tóc” bằng một quyết định quan trọng, một quyết định thể hiện sự lựa chọn của lịch sử vào ngày 19/12/1946 – Ngày Toàn quốc kháng chiến, khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác có sức mạnh rất lớn giúp động viên, lan tỏa tinh thần đấu tranh vì dân tộc. Ảnh: Tư liệu
Cuối năm 1946, sau khi có thêm viện binh, Thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích. Tháng 11/1946, chúng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường…đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.
Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Khoảng 20h ngày 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu kháng chiến toàn quốc. Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào, trong đó Người khẳng định rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Tư liệu
Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta tại các thành phố, thị xã ở bắc Vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng đánh địch. Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra (tiêu hao, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài), lực lượng ta chủ động rút về hậu phương an toàn.
75 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Trước hết, đó là kết quả từ một quá trình đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo, mà biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết. Kết quả đem lại là chúng ta từng bước loại bỏ bớt kẻ thù, tranh thủ được thời gian chuẩn bị tiềm lực để bước vào kháng chiến. Mặt khác, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến còn thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam, sức mạnh ấy được tạo ra từ truyền thống yêu nước nồng nàn kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, nhờ đó mà ngay từ đầu chúng ta đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, mở ra thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 – 1975). Bao trùm hơn tất cả, quyết định ấy góp phần khẳng định cho đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp.
Kỷ niệm 75 năm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đó còn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống “Toàn quốc kháng chiến”, hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra, trong đó có nhiệm vụ thứ ba là: “Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Trịnh Hường (Tổng hợp)