Toàn cảnh 69 triệu cử tri cả nước tham gia Ngày hội non sông
Hôm nay, 23/5/2021, 69 triệu cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chọn người đại diện cao nhất cho quyền lực nhân dân trong bộ máy nhà nước.
Toàn cảnh 69 triệu cử tri cả nước tham gia Ngày hội non sông
Sáng 23/5, hòa chung không khí hân hoan của cử tri toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có mặt tại điểm bầu cử số 4 phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng cử tri cao tuổi nhất tại điểm số 4 là cụ Hoàng Thanh Tuyền (90 tuổi) tham gia bỏ những lá phiếu đầu tiên tại đây.
Cùng trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại điểm bầu cử số 41, khu phố 7, thị trấn Củ Chi (TPHCM) từ rất sớm, gặp gỡ bà con nơi đây và tham gia bỏ phiếu.
Tại phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bí thư thành ủy Lê Quang Mạnh thực hiện quyền công dân ở đơn vị bỏ phiếu số 18 cùng với khoảng 1.400 cử tri.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có mặt tại Khu vực bỏ phiếu số 1, thị trấn An Lão, huyện An Lão, TP Hải Phòng, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Cụ bà Đoàn Thị Thuận năm nay 96 tuổi tham gia bỏ phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 2, phường Điện Biên, Ba Đình . Đây là cử tri lớn tuổi nhất tham gia bỏ phiếu tại khu vực này. Từ sáng sớm, cụ Thuận đã cùng con cháu, chắt diện áo dài truyền thống, phấn khởi đến điểm bỏ phiếu.
Vợ chồng anh Nguyễn Đức Bình đều là thành viên của phong trào phục dựng áo ngũ thân - trang phục truyền thống Việt Nam xưa. Trong ngày trọng đại của đất nước, anh và vợ dậy sớm, diện áo ngũ thân và áo dài, sẵn sàng đi bầu tại điểm bỏ phiếu tổ dân cư số 8, ngõ 90/18 Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Không chỉ để nhiều người biết đến và nhận thức rõ hơn về trang phục nam nữ truyền thống xưa của Việt Nam, với vợ chồng anh thì đây là ngày hội lớn nhất trên cả nước nên việc diện bộ trang phục đẹp nhất, ý nghĩa nhất là điều vô cùng hãnh diện.
Khu vực bỏ phiếu số 6 phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được tổ chức bên trong khuôn viên Đình Hạ Yên Quyết. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thực hiện bỏ phiếu tại đây trong sáng nay.
Ghi nhận tại nhiều địa điểm bầu cử trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều người cao tuổi, người khuyết tật có mặt từ sớm và được ưu tiên bỏ phiếu trước.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có 900 cử tri là học sinh, sinh viên nội trú thực hiện quyền công dân trong ngày hôm nay.
Hai điểm bỏ phiếu của trường nằm tại Ký túc xá Mễ Trì và Ký túc xá Ngoại ngữ. Tất cả cử tri tại đây đều là sinh viên, học sinh nội trú.
Tại điểm bỏ phiếu Học viện Báo chí Quốc gia (Hà Nội), các cán bộ, giáo viên và sinh viên trường tham gia bỏ phiếu. Hầu hết các bạn sinh viên tỏ ra phấn khởi, háo hức khi lần đầu tiên được đi bầu cử.
Tại điểm bầu cử Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc tổ bầu cử số 58, phường 12, quận 5, TPHCM. Có 3 thùng phiếu được chuyển tới bệnh viện, cán bộ bầu cử đã tận tay mang từng thùng phiếu tới giường các bệnh nhân nặng để cử tri có thể tự tay bỏ phiếu.
Tại đây có 1.274 cử tri là thân nhân và bệnh nhân. Cử tri Trần Minh Mão (71 tuổi, quê Đắk Lắk) đang điều trị sau phẫu thuật khối u là người bỏ lá phiếu đầu tiên tại bệnh viện.
Cử tri Nguyễn Văn Khỏe (58 tuổi) tổ 41, ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờn, TPHCM) một mình chèo ghe hơn hai giờ đồng hồ để tới điểm bầu cử số 5 tại ấp Thiềng Liềng.
Ông Khỏe cho biết ông không bỏ sót một lần bầu cử nào từ trước tới nay, những lần trước ông thường đi với vợ, nhưng lần này ông phải đi một mình tới bầu cử.
"Những khóa trước, vợ tôi còn khỏe thì tôi chèo ghe đưa vợ đi bầu cùng, nhưng năm nay vợ không được khỏe nữa, không thể đi được nên tôi đành đi một mình. Sáng dạy sớm, chèo ghe đi mấy hơn hai tiếng mới tới nơi để tự tay bỏ phiếu cho những người mình tin tưởng nhất", ông Khỏe chia sẻ.
Với phong trào phục dựng áo dài ngũ thân tại Thừa Thiên Huế đang được triển khai rộng rãi, sáng nay 23/5, nhiều nam cử tri ở địa phương mặc trang phục truyền thống xưa đi bỏ phiếu bầu cử. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: "Thật vui sướng, tự hào khi cầm lá phiếu trên tay để được thực hiện quyền công dân của mình. Càng vui hơn khi thấy anh chị em cán bộ công chức, viên chức và người lao động của ngành Văn hóa - Thể thao tỉnh hưởng ứng phong trào phục dựng áo dài ngũ thân tại địa phương".
Các Tăng sinh người dân tộc Khmer đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 6, phường 6, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Khu vực bỏ phiếu tại phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đồng bào Công giáo tại Hà Nội đi bầu cử.
Cũng trong sáng nay, hơn 300 cử tri của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An tham gia bầu cử.
Nhiều chiến sĩ trẻ lần đầu được vinh dự cầm trên tay lá phiếu bầu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ trở về đơn vị vào vị trí trực 24/24 giờ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Cử tri Công an tỉnh An Giang và Long Xuyên tham gia bầu cử trong ngày 23/5.
Tại khu vực bỏ phiếu số 8 (phường 11 thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực bầu cử số 3 (phường Ninh Hải, thi xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), toàn thể các cử tri là cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã thực hiện bỏ phiếu bầu trong sáng nay.
Cư dân ở khu chung cư F.home (TP Đà Nẵng) đang được phong tỏa để phòng, chống Covid-19 cũng đã đi bỏ phiếu bầu cử, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.
Các quy trình phòng, chống dịch tại địa điểm bỏ phiếu đặc biệt ở Đà Nẵng được thực hiện nghiêm túc.
Trong sáng nay, các cử trị tại khu phong tỏa trên đường Ngô Quyền, phường Xuân Thanh, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, đã bắt đầu bỏ phiếu. Các nhân viên y tế đã đem thùng phiếu đến tận nhà từng cử tri tại điểm cách ly. Ngoài ra, lực lượng y tế đã thực hiện các bước khử khuẩn trước khi các cử tri tiến hành bỏ phiếu.
Không khí tại Nhà văn hóa cộng đồng Ako Dhong (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) rộn ràng, vui tươi, tràn ngập cờ hoa, biểu ngữ tuyên truyền cho ngày bầu cử. Không chỉ vậy, tiếng cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc Êđê vang lừng, tạo bầu khí phấn khởi trong ngày hội non sông.
Tại thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái), cử tri là người các dân tộc tại đây cũng nô nức tham gia bầu cử.
Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ và dân tộc Dao ( Tiên Yên, Quảng Ninh) bỏ phiếu tại các điểm bầu cử tại địa phương.
Sáng ngày 23/5, cùng với cử tri trong cả nước, 2.669 cử tri của xã vùng biên giới Bát Mọt (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đi bầu cử. Đây là xã xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, có những bản nằm tách biệt với trung tâm xã nên nhiều bà con phải đi từ 5- 6h sáng để thực hiện quyền và nhiệm vụ cử tri của mình.
Tại điểm bầu cử bản Vịn, xã Bát Mọt- nơi cách trung tâm xã hơn 20km đường rừng với hơn 98% đồng bào dân tộc Thái. Hơn 500 cử tri đã có mặt từ rất sớm với tâm trạng vui tươi, phấn khởi với ngày hội lớn. Nhiều gia đình ở xa phải đi bộ hơn một tiếng đồng hồ mới đến được nơi bầu cử.
7h sáng 23/5, đông đảo đồng bào các dân tộc xã Nam Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đến các điểm bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri của mình.
Cử tri Y K'Ram (70 tuổi, trưởng bon Ja Rá) đại diện cho đồng bào các dân tộc xã Nam Nung bỏ lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tại Cà Mau, người dân đi thuyền trên sông nước đến điểm bầu cử ở Đất Mũi Cà Mau.
Điểm cực Nam của Tổ quốc, cử tri xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) háo hức đi bầu cử. Điểm bầu cử được tổ chức ngay tại Cột cờ Hà Nội ở Mũi Cà Mau.
Cùng với hơn 2 triệu cử tri toàn tỉnh, các cử tri tại điểm bầu cử Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, thuộc khu vực bầu cử số 9, xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Những cử tri này là đối tượng đang tạm giữ, tạm giam, tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND tỉnh khóa 2021-2026.
Nguồn từ báo Dân trí