Thủ tướng: Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội
     
Thủ tướng yêu cầu Bộ phải thực hiện bằng được quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần…

Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện bằng được quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, không "hi sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, quan tâm hơn nữa tới người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 5 năm qua, Bộ đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, “dám nghĩ, dám làm” với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đã hỗ trợ hơn 14,4 triệu người với tổng kinh phí hơn 33.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do vậy thời gian tới, Bộ và ngành xác định quan điểm thực hiện chính sách xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững, với 3 nội dung cốt lõi: Nâng tầm kỹ năng lao động; tạo việc làm thỏa đáng; an sinh xã hội bền vững với hai trụ cột cơ bản nhất là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực nổi bật. Giảm nghèo là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, nhân dân đánh giá cao, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Thị trường lao động tiếp tục phát triển, nguồn nhân lực tăng lên cả về số lượng và chất lượng, nhân lực trong một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội được thực hiện nghiêm túc, có đột phá. Công tác trợ giúp xã hội ngày càng được mở rộng, diện bao phủ tốt hơn. Công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được quan tâm, đạt nhiều thành quả. Công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy đạt được những thành tích nhất định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ còn những nhóm công việc chưa làm tốt. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu tổng thể, liên thông. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng trong đó có trách nhiệm của Bộ, nhất là trong đào tạo nghề bởi con người với tri thức, trí tuệ, kỹ năng, tay nghề là yếu tố quyết định trong nâng cao năng suất.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn chậm cải thiện, còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực. Việc xuất khẩu lao động còn nhiều yếu kém liên quan đến việc đào tạo tay nghề, kiến thức, luật pháp cho người lao động, lĩnh vực này cũng còn nhiều tiêu cực, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ hiệu quả. Thông tin về thất nghiệp còn chậm được cập nhật. Các quy định về phòng ngừa, xử lý tai nạn lao động còn chưa đầy đủ.

Việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (gói 62.000 tỷ đồng) còn nhiều bất cập. Ngân sách đã có, phải “tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả”, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được.

Cơ chế, chính sách và việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ người yếu thế trong xã hội còn bất cập; vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này chưa nổi bật, trong khi nhiều cá nhân tự phát thực hiện các công việc này. Công tác cai nghiện còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền không quan tâm đúng mức; Thủ tướng yêu cầu Bộ thiết kế công cụ, cơ chế, chính sách để khắc phục. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chưa được coi trọng từ lãnh đạo, chỉ đạo cho tới đầu tư và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng chỉ rõ, tư duy nhận thức, tư tưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn chưa theo kịp tình hình, chưa thực sự bám sát thực tiễn. Phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Trước tình hình trên, Bộ “phải nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thật thành quả”, chính sách phải dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó tập trung vào một số tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ lớn như: bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm về chính sách xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Phát huy những thánh tựu đạt được, không thỏa mãn, chủ quan, tiếp tục kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển; tất cả vì sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, gạt bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và xã hội phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, căn cứ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để xử lý sớm, kịp thời; bảo đảm thượng tôn pháp luật, xây dựng, hoàn thiện và thực thi tốt pháp luật; có chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khắc phục các thách thức và hậu quả của tình trạng già hóa dân số, nhất là chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; tiếp tục nâng cao nhận thức, quan tâm sâu hơn, đầu tư nhiều hơn, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách với người nghèo, người yếu thế.

Tán thành với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Bộ báo cáo, Thủ tướng đề nghị, trước hết, Bộ phải tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, những việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp triển khai tốt công tác hỗ trợ, giải cứu người lao động Việt Nam tại các nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với hoàn cảnh. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, người lao động thực hiện nghiêm túc 5K, các cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong đó tập trung sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đề xuất các giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.


Nguồn từ Báo mới