Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: GDNN tập trung triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-CP
 

Nhằm kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm, sáng 20/7, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TBXH) tổ chức hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có Lãnh đạo Tổng cục GDNN, lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ và trên 400 điểm cầu trực tuyến tại các Bộ, ngành, 63 Sở LĐ-TBXH, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp...

Công tác tuyển sinh đạt 27,2% kế hoạch năm 2021

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Bộ, toàn thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục đã đoàn kết, nỗ lực tổ chức triển khai các nhiệm vụ năm 2021, tập trung vào 5 trọng tâm gồm: (i) chỉ đạo hệ thống GDNN ứng phó với dịch bệnh Covid-19; (ii) chỉ đạo tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; (iii) đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; (iv) đổi mới tuyển sinh và hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; (v) kịp thời tổ chức làm việc và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương (trực tiếp và trực tuyến) để cùng nhận diện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở GDNN.

IMG-5822.JPG
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Công tác tuyển sinh trong 6 tháng đầu năm cả nước tuyển được: 645.000 người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng là 45.000 người (đạt 7.5% kế hoạch), trình độ sơ cấp và các chương trình GDNN khác là 600.000 người (đạt 34% kế hoạch). Số lao động nông thôn được đào tạo 350.000 người, trong đó số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 40.000 người.

Về nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh đạt thấp, ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN lý giải: do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN khó tiếp cận với các trường THCS, THPT để thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, hình thức tuyển sinh trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong các CTMTQG chưa được phê duyệt; đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo gặp khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương. Đồng thời, 06 tháng đầu năm không phải là thời điểm tuyển sinh/mùa tuyển sinh của GDNN vì thời điểm này chưa kết thúc năm học của GDPT và chưa qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, do đó tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 11 hàng năm.

30cccba770f987a7dee8.jpg
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm Tổng cục đã tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách về GDNN đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, hiện đại và hội nhập quốc tế với nhiệm vụ được giao xây dựng 43 văn bản. Về cơ bản các văn bản được giao được triển khai đảm bảo tiến độ.

Tổng cục cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của GDNN. Tham mưu trình Bộ ban hành kế hoạch truyền thông GDNN giai đoạn 2021-2025. Tăng cường các hoạt động truyền thông, phản ánh kịp thời các sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm như vấn đề dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN, xây dựng chiến lược GDNN...

Về tổ chức triển khai đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác, theo Tổng cục GDNN trước mắt, cần ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lao động tại các tỉnh bị thiên tai, biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long và lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Tham mưu Bộ có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ cho phép sử dụng nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để tổ chức đào tạo đón đầu, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề và phòng chống thất nghiệp.

200e286c9332646c3d23.jpg
Ngoài ra, Tổng cục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của Tổng cục, thực hiện chuyển đổi số trong GDNN; Các hoạt động hợp tác quốc tế và triển khai các dự án ODA được thúc đẩy mạnh mẽ; Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới GDNN.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi những thách thức, khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hệ thống GDNN, đặc biệt là công tác tuyển sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, các đại biểu đã có những sáng kiến, ý tưởng và giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, đảm bảo “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra. Các ý kiến thảo luận tập trung vào 3 nội dung: Tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế; Đề xuất những nội dung cần Tổng cục GDNN hỗ trợ và tình hình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-CP

Kiên định và nỗ lực tối đa để đạt được mục tiêu đề ra

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Công tác GDNN luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, doanh nghiệp, người học và toàn xã hội quan tâm. Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, tự lực, tự cường trong từng công việc để tạo khí thế mới trong thi đua chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai Nghị quyết Đại hội.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng điểm lại ngày 19/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ LĐ-TBXH, trong đó Thủ tướng đánh giá lĩnh vực GDNN bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong quản lý nhà nước. Một số ngành nghề đào tạo tiếp cận với trình độ các nước trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới. GDNN được triển khai đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động. Những kết quả bước đầu đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt, tập trung cao cho chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là khu vực nông thôn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

a86167ded58022de7b91.jpg
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu tại hội nghị

Đánh giá hội nghị diễn ra nghiêm túc, đổi mới phương pháp tổ chức, đi thẳng vào những khó khăn, kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận và đồng tình với 14 ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm và sát tình hình thực tiễn triển khai nhiệm vụ của lĩnh vực GDNN của các đại biểu.

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức của Tổng cục và lãnh đạo các Sở LĐ-TBXH 63 tỉnh thành, các cơ sở GDNN và các đơn vị có liên quan đã phối hợp, tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định trong 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực GDNN.

Tuy nhiên, nhiều bất cập đã được nhìn nhận thẳng thắn tại Hội nghị. Theo Thứ trưởng đó là: việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT chưa đạt được so với kỳ vọng, mục tiêu đã đề ra; phối hợp giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp chưa thật bền vững; giữa cơ sở GDNN với các Trung tâm giới thiệu dịch vụ việc làm chưa gắn kết chặt chẽ; năng lực bộ máy quản lý ở một số địa phương trong lĩnh vực GDNN còn nhiều bất cập, lúng túng khi triển khai công việc; nguồn lực nhà nước dành cho GDNN tuy tăng dần qua các năm song chưa đáp ứng được yêu cầu.

Định hướng GDNN trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ LĐ-TBXH đang tích cực tập trung xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, lĩnh vực GDNN thời gian tới cần bám sát vào chủ trương, đường lối, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đi vào cụ thể nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu Tổng cục GDNN trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh cần kiên định và nỗ lực tối đa để đạt được mục tiêu đề ra.

Trước mắt, tập trung triển khai tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Coivd-19 về nội dung chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người sử dụng lao động hiểu và triển khai được chính sách này.

“Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp thật tốt với các doanh nghiệp để chỉ đạo xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lần đầu tiên, gói hỗ trợ cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng để dành cho công tác đào tạo phục hồi giữ chân người lao động hậu Covid-19. Đây là thời cơ vàng với doanh nghiệp khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho người lao động” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng công tác xây dưng thể chế, bởi theo Thứ trưởng: “Muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì phải dựa vào thể chế”. Các hoạt động thường xuyên như tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10; Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021; Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu GDNN năm 2021... tiếp tục triển khai trên tinh thần phù hợp với điều kiện thực tế và công tác phòng, chống dịch bệnh.


Nguồn từ Cổng thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp