Tết Trung thu – Tết đoàn viên

Tết Trung thu, theo Âm lịch là ngày Rằm tháng Tám hằng năm, là một trong những lễ hội cổ truyền của Việt Nam, đươc công nhận là “Tết Thiếu nhi”, vào dịp này, trên đường phố, người ta thường thấy rất nhiều đèn lồng, đèn ông sao, đèn sư tử, đèn kéo quân, mặt nạ, trống, hình tượng chị Hằng, chú Cuội … đều là những món đồ chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, Trung thu cũng là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam bởi nó mang cho mình nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị. Vào đêm Rằm Trung thu, Trăng sáng nhất, đẹp nhất, tròn trịa viên mãn nhất, ánh trăng vằng vặc chiếu sáng muôn nơi và mọi người quây quần bên mâm cỗ.
 

Trải qua hàng ngàn năm, người Việt Nam luôn cho rằng có mối liên hệ gắn bó giữa cuộc đời và vầng Trăng. Trăng tròn và Trăng khuyết gắn liền với niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó, Trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên. Trong ngày vui này, theo phong tục của người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh Trăng vàng, nhà nhà cùng nhau sum họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh  kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa sư tử, múa lân, phá cỗ…

Tết Trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh Trăng vàng. Những chiếc đèn với vô số hình dáng như: ngôi sao năm cánh, bông hoa, cá, gấu… vô cùng xinh đẹp được làm cho trẻ em chơi trong đêm Trung thu. Đèn lồng Việt Nam chủ yếu được làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài là những nét vẽ, đường thêu vô cùng đặc sắc. Đèn lồng của người Việt Nam còn là biểu tượng của ấm no và hạnh phúc gia đình.

Ngày Rằm tháng Tám là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Dưới ánh trăng sáng, các ông bố bà mẹ cũng thường kể về giai thoại “Chú Cuội ngồi gốc cây Đa” cho con mình nghe. Khi đêm về, dưới ánh trăng rằm, tiếng trống múa lân, múa sư tử hòa lẫn trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ rộn ràng khắp nơi nơi. Đường phố nhộn nhịp người qua lại, vui cười hớn hở. Dưới ánh đèn lung linh, các bạn nhỏ cùng nhau phá cỗ, người lớn ăn bánh ngắm ánh trăng khuya.

Những năm trước, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, mới đầu tháng Tám âm lịch, từ các cửa hiệu nơi phố phường sầm uất đến các quán hàng tạp hóa trong thôn xóm hẻo lánh đều bày la liệt bánh Trung thu và đồ chơi các loại cho trẻ em, đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng và màu sắc rực rỡ. Không khí phố phường thêm nhộn nhịp, vui tươi, trẻ em ríu rít theo bố mẹ đi chọn đồ chơi. Bố mẹ cũng tranh thủ mua quà bánh để biếu người thân, bạn bè bởi Tết Trung thu còn là tết của tình thân.

Năm nay, ngày Tết Trung thu đã cận kề nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà các cửa hàng bày bán bánh trung thu và đồ chơi không nhiều như  năm trước, đường thôn, góc phố không có tiếng trống múa sư tử, múa lân rộn ràng, các em thơ không được tập trung rước đèn, phá cỗ nhưng các bạn nhỏ vẫn háo hức chờ mong được đón Tết Trung thu với đêm trăng sáng đẹp bên những người thân yêu. Đó đây, trong từng ngõ phố hay thôn xóm hẻo lánh, giai điệu rộn rã vui tươi “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…” vẫn ngân vang trong những ngôi nhà nhỏ giữa đại dịch Covid-19 làm ấm áp lòng người.
 
Trịnh Hường