Tết dương lịch (ngày 01/01 hàng năm) là ngày đầu tiên của năm mới. Đây cũng là ngày lễ quan trọng của nhiều quốc gia cũng như nhiều nền văn hóa trên thế giới.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới gần như đều thống nhất đón Tết Dương lịch hay Tết Tây vào ngày 01/01 hàng năm. Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử thì vài trăm năm trước đây, các nước trên thế giới đón tết vào những ngày khác nhau tùy theo mỗi vùng miền và văn hóa. Mãi đến 400 năm sau, việc chấp nhận ngày 01/01 là tết dương lịch mới dần dần được phổ biến rộng rãi và mang ý nghĩa đánh dấu một năm mới bắt đầu.
 

La Mã là quốc gia đầu tiên chọn ngày 01 tháng 01 làm ngày đầu năm mới vào năm 153 trước Công nguyên. Trước đó ngày 25 tháng 3 là ngày Xuân phân (Vernal equinox) được chọn là ngày đầu năm Dương lịch (New Year). Ban đầu, phải mất thời gian khá lâu để dân chúng chấp nhận sự thay đổi này, bởi họ cho rằng ngày 01/01 không gắn liền với thời điểm hoa màu hay mùa vụ nào đặc biệt mà chỉ là một ngày bình thường.

Tại Việt Nam, Tết Dương lịch được áp dụng từ thời Pháp thuộc, khi lịch Tây bắt đầu được sử dụng trong công việc hành chính. Các công sở lúc đó được nghỉ những ngày này để tổ chức lễ hội đón năm mới. Ngày nay, Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ của toàn dân, cùng với tết âm lịch truyền thống.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhận ngày 01/01 là ngày khởi đầu của năm mới – ngày lễ để các gia đình sum họp. Tết Dương lịch ở nhiều quốc gia có thể coi là ngày lễ lớn nhất trong năm. Ngày lễ này thường có pháo hoa vào lúc 0h00 ngày 01/01. Đồng thời, người lao động, học sinh, sinh viên được nghỉ học, nghỉ làm để mừng năm mới.

Ở phương tây, ý nghĩa ngày Tết Dương lịch là dịp để mọi người quây quần, tụ họp cùng nhau đón chào năm mới. Họ có nhiều cách chào đón khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa là thể hiện sự biết ơn một năm đã qua và hi vọng vào một năm tiếp theo gặp nhiều may mắn, an lành.
 

Vào ngày Tết Dương lịch, câu cửa miệng của mọi người luôn là “Happy New Year”, cùng những lời chúc tốt đẹp. Có lẽ suốt một năm bận rộn đã khiến người ta nhiều khi quên mất cách nói lời yêu thương, nhưng trong khoảnh khắc thiêng liêng này, tạm gác những bộn bề lo lắng bấy lâu, nhìn vào nụ cười rạng rỡ của những người thân bên cạnh, người ta chợt muốn dành cho nhau những lời yêu thương chân thành hơn bao giờ hết…

Ở phương Tây, ngày Tết Dương lịch thể hiện sự mới mẻ với mong muốn những điều mới tốt đẹp sẽ đến. Ở Anh, vào trước ngày Tết Dương lịch, hầu hết người dân đều mua rượu về và đổ đầy tất cả các chai, hũ trong nhà. Sở dĩ người Anh làm vậy bởi họ mong muốn năm mới sẽ có nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp. Họ cho rằng nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ. Còn năm mới ở Pháp được xem như “Lễ hội Ánh sáng”. Theo đó người dân ở đất nước này tham gia vào các cuộc diễu hành với ánh sáng lung linh của ngọn đuốc và cùng nhau uống rượu mừng năm mới. Ánh sáng trong Lễ hội này mang ý nghĩa tượng trưng cho một năm mới nhiều điều mới tươi sáng, tốt đẹp.
 

Không chỉ là ngày khởi đầu một năm mới, ngày 01/01 – Tết Dương lịch còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp với nhiều người dân trên khắp thế giới. Tết Dương lịch ở các nước phương Tây, mọi người thường hay quây quần bên gia đình hoặc tụ tập cùng bạn bè. Con cháu thì chúc tết người lớn, bạn bè thì chúc tết cũng như cảm ơn nhau sau một năm cùng làm việc, cùng giúp đỡ… Mọi người cùng nhau chúc tụng và ăn mừng để cảm ơn những tình cảm cũng như sự giúp đỡ trong một năm vừa qua.

Cho dù năm cũ vẫn còn những điều chưa trọn vẹn, nhưng trong giây phút giao thừa, chúng ta quyết định quên hết nỗi buồn đã qua và chỉ giữ lại niềm vui hiện tại, để ca hát, nhảy múa tưng bừng, rộn rã bên cạnh những người thân yêu và cất vang bài ca hi vọng vào một năm mới tràn đầy hạnh phúc. Chúng ta hãy chào đón năm mới, chào tháng Giêng tràn đầy nhựa sống và những cánh Én đang hòa chung niềm vui của đất trời sang xuân. Hãy cùng chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng ta trong năm 2025!
 
Trịnh Hường