Nội dung 6 cơ chế, chính sách đặc thù về Nghệ An Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2
Sáng nay (27/10), Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An, thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An do Chính phủ trình Quốc hội gồm 6 nội dung, tập trung vào việc mở thêm dư địa cho tỉnh huy động nguồn lực cần thiết, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cũng như phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương chủ động, phản ứng nhanh, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành trong một số lĩnh vực, nhất là về thu hút đầu tư.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
TẠO THÊM DƯ ĐỊA HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH
Theo dự thảo nghị quyết, về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, Nghệ An được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Căn cứ dự toán năm 2021, hạn mức dư nợ vay tối đa của Nghệ An là 2.062 tỷ đồng, vì theo quy định chung hiện hành, mức dư nợ vay là 20%. Theo tính toán, nếu dự thảo nghị quyết được thông qua, nâng hạn mức vay của tỉnh lên tới 40%; lúc đó dư nợ vay tối đa sẽ đạt 4.124 tỷ đồng (tính theo dự toán năm 2021), tăng 2.062 tỷ đồng so với quy định hiện hành thì mới gần đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.
Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Lê Thắng
Báo cáo trước Quốc hội sáng 22/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị đối với các địa phương này, trong đó có Nghị quyết số 26, Thông báo số 55 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An.
Các cơ chế, chính sách thí điểm cho 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế, chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế, chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế, chính sách.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế tại phiên họp sáng 22/10 vừa qua. Ảnh: Quochoi.vn
Cùng với đó, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.
Chính sách này sẽ khuyến khích, tạo thêm động lực cho tỉnh thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; đồng thời, tạo nguồn lực bổ sung cần thiết cho tỉnh chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo ra động lực mới cho phát triển của địa phương.
Chính phủ còn đề xuất Quốc hội cho phép Nghệ An được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Đề xuất này, nếu được thông qua sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu chi của địa phương và bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố lớn khác trong cả nước.
Phần kinh phí tăng thêm sẽ tạo điều kiện để tỉnh tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… để hướng đến xây dựng Nghệ An trở thành “trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ” theo mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
TĂNG CƯỜNG PHÂN CẤP, PHẦN QUYỀN, TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã trình Quốc hội cho phép phân cấp, phân quyền cho tỉnh trên một số lĩnh vực quan trọng gồm: Quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị và quản lý, sử dụng rừng. Điều này được đánh giá là phù hợp với chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; đồng thời tăng tính chủ động cho địa phương và rút ngắn thời gian xử lý các nội dung liên quan.
Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam đoạn qua dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thành Duy
Cụ thể, về quản lý đất đai, Chính phủ kiến nghị giao HĐND tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ với quy mô dưới 50 héc - ta, đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 héc -ta và thực hiện trình tự, thủ tục tương tự như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh theo quy định hiện hành của pháp luật đất đai, nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục và gắn trách nhiệm của HĐND tỉnh khi thực hiện chính sách này. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô từ 50 héc - ta trở lên của tỉnh và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc áp dụng chính sách này sẽ góp phần đẩy mạnh phân cấp, phù hợp với chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tăng tính chủ động cho địa phương và rút ngắn thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất so với quy định hiện hành. Đây là giải pháp tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực trên địa bàn tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế tại phiên họp sáng 22/10 vừa qua. Ảnh: Quochoi.vn
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế vào sáng 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí ban hành Nghị quyết này để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
Dự thảo luật cũng đề nghị cho phép trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Nghệ An thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Như vậy, có thể thấy, việc Thủ tướng phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Nghệ An về nội dung này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, góp phần thúc đẩy sớm thu hút một số dự án đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm của tỉnh và đảm bảo có cơ chế giám sát hậu kiểm.
Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An dự Kỳ họp tại điểm cầu Nghệ An vào chiều 26/10. Ảnh: Thành Duy
Cùng với đó, về quản lý, sử dụng rừng, dự thảo Nghị quyết đề xuất cho HĐND tỉnh Nghệ An có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 héc-ta bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Chính sách này nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là khu vực miền Tây Nghệ An. Vì thực tế một số dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt là các dự án mang tính cấp thiết thực hiện trên địa bàn thuộc các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An nói riêng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số như: Đường giao thông, xây dựng khu tái định cư, truyền tải điện... cần phải thực hiện trên diện tích đất có rừng mà không thể bố trí địa điểm khác và cần phải thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác theo quy định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, do đó, địa phương và chủ đầu tư sẽ phải cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện trình tự, thủ tục, dẫn đến có thể ảnh hưởng tiến độ của các dự án.
Như vậy, nếu được Quốc hội đồng ý thông qua theo thể thức rút gọn tại kỳ họp này, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ là một trong những động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Theo chương trình kỳ họp, sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết và đến chiều 12/11 sẽ tiến hành biểu quyết khi họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Thành Duy
Báo Nghệ An