Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2024 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức từ ngày 04/11 đến ngày 10/11/2024 tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là kỳ Hội giảng có số lượng Nhà giáo tham gia trình giảng và số lượng đoàn tham dự lớn nhất từ trước đến nay: 462 Nhà giáo đến từ 68 đoàn thuộc 61 địa phương và 7 bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Số lượng bài trình giảng thực hành và tích hợp nhiều nhất từ trước đến nay (416/462 bài, chiếm hơn 90% tổng số bài tham gia Hội giảng). Số lượng ngành, nghề trình giảng đa dạng nhất với 116 ngành, nghề khác nhau, trong đó có nhiều ngành, nghề có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đây là một trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An về tham dự với 02 Nhà giáo ưu tú được Hội giảng Nhà giáo GDNN tỉnh Nghệ An lựa chọn, gồm có:
1. ThS. Trần Thị Dung tham gia dự thi với bài giảng tích hợp “Điều khiển động cơ 3 pha đảo chiều trực tiếp dùng PLC S7_200”.
2. Giảng viên Nguyễn Khắc Hòa tham gia dự thi với bài giảng tích hợp “Chẩn đoán hệ thống điện điều khiển phun dầu động cơ ô tô trên mô hình bằng thiết bị đọc lỗi”.
Đoàn công tác Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An tham dự Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024. Ảnh: Tư liệu
Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 mang thông điệp "Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp: Gương mẫu, sáng tạo, số hóa, hội nhập – Động lực phát triển Giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, bao trùm" với nhiều điểm nổi bật. Hội giảng nhằm tôn vinh Nhà giáo GDNN; động viên, khuyến khích nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề. Hội giảng là hoạt động chuyên môn nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ Nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp; tạo cơ hội cho Nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; tạo động lực phát triển Giáo dục nghề nghiệp của mỗi bộ, ngành, địa phương; góp phần củng cố niềm tin của xã hội, đặc biệt là của người học về chất lượng của hệ thống Giáo dục nghề nghiệp.
Ngay sau Lễ Khai mạc sáng ngày 04/11, Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc đã chính thức bước vào tranh tài với sự tham gia của 462 Nhà giáo đại diện cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên khắp cả nước. Hội giảng năm nay là một bước đột phá trong đánh giá toàn diện năng lực của giảng viên. Theo đó, năng lực của các nhà giáo được xem xét dưới nhiều khía cạnh như: bài giảng phù hợp với học sinh, khối lượng kiến thức đảm bảo độ chính xác, rõ ràng, mạch lạc, có sự chuyển tiếp hợp lý, sinh động, hấp dẫn, việc sử dụng thiết bị có triệt để, hài hòa, các tình huống sư phạm được xử lý tốt. Điều này bắt buộc giảng viên dạy nghề phải thuần thục cả lý thuyết lẫn thực hành, có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn dắt nguồn nhân lực quốc gia đi đúng hướng: Thực hành, thực nghề và thực nghiệp. Hội giảng có nhiều bài trình giảng ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, thiết kế, sử dụng học liệu số nhằm tăng cường tương tác với người học – là minh chứng sống động nhất cho quá trình chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp thể hiện sự nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà giáo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp.
Bài trình giảng của Thầy giáo Nguyễn Khắc Hòa - Giảng viên khoa Công nghệ ô tô - Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An tham dự Hội giảng toàn quốc. Ảnh: Tư liệu
Bài trình giảng của ThS. Trần Thị Dung - Giảng viên khoa Điện - Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An tham dự Hội giảng toàn quốc. Ảnh: Tư liệu
Đến với Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024, các Nhà giáo của Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An mong muốn đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp: “Thực tâm, thực tài, thực nghề”, gương mẫu, sáng tạo, đổi mới, theo một tư duy mới, cách tiếp cận mới “Dạy những gì doanh nghiệp, thị trường lao động và xã hội cần”. Các Nhà giáo trình giảng đều giảng dạy được cả ba loại giáo án: lý thuyết, thực hành và tích hợp. Ngoài các tiêu chí đánh giá phần trình giảng, mỗi nhà giáo còn được đánh giá về tiêu chí sử dụng hiệu quả thiết bị giáo dục nghề nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng, phản ánh toàn diện năng lực dạy học của nhà giáo. Kết quả Đoàn Hội giảng Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An đã giành 01 giải ba và 01 giải khuyến khích.
Các nhà giáo của Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An nhận giải thưởng tại Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024. Ảnh: Tư liệu
Thông qua Hội giảng, những bài giảng hay, những phương pháp sư phạm, nghệ thuật giảng dạy hiệu quả đã được lan tỏa trong đội ngũ Nhà giáo các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Để có được những thành công trên, ngoài sự nỗ lực của cá nhân các nhà giáo tham gia trình giảng, còn có sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, đầu tư về trang thiết bị và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà giáo tham gia Hội giảng, góp phần tạo nên thành công của Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.
Một số hình ảnh lưu niệm. Ảnh: Tư liệu
Trịnh Hường