Người về thăm quê lần thứ hai!
Năm 1906, khi 16 tuổi, Nguyễn Tất Thành lần thứ hai theo cha rời Nghệ An vào Huế, năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn – Gia Định), Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Văn Ba xuống tàu, bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước. Đến năm 1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Tất Thành, lúc này là Nguyễn Ái Quốc, quay trở về Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạng và giành độc lập, tự do cho dân tộc vào năm 1945.
Tiếp theo những năm tháng sau đó, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vừa xây dựng, kiến thiết đất nước, vừa đấu tranh với giặc ngoại xâm, Người vẫn chưa có dịp trở về thăm quê hương Nghệ An.
Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà được độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác Hồ kính yêu chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương, lần đầu tiên vào tháng 6 năm 1957 và lần thứ 2 vào tháng 12 năm 1961. Tuy thế, đến hôm nay, trong lòng người dân Xứ Nghệ vẫn còn vẹn nguyên kỷ niệm về những mẩu chuyện nhỏ mà sáng ngời đạo đức của Bác – một nhân cách lớn song lại vô cùng giản dị, gần gũi.
Bác tươi cười vẫy chào mọi người!. Ảnh: Tư liệu
Đúng 12 giờ 30 phút ngày 8 tháng 12, máy bay của Bác hạ cánh xuống sân bay Vinh. Hàng ngàn người tay cầm cờ hoa, đón Bác Hồ từ ngoài cổng đến nơi máy bay hạ cánh. Cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy ra đón Bác hôm đó có đồng chí Võ Thúc Đồng – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Võ Trọng Ân – Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính. Đại diện Quân khu 4 có đồng chí Chu Huy Mân – Tư lệnh Quân khu cùng thủ trưởng các đơn vị. Đoàn khách Trung ương cùng đi với Bác Hồ, ngoài đồng chí Soàn giúp việc có đồng chí Nguyễn Khai - Ủy viên Trung ương Đảng – Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Tỉnh ủy đã bố trí chiếc xe đi đầu sang trọng nhất, trải thảm đỏ ở bậc lên xuống, trong xe bọc vải trắng tinh, trang trí hoa hồng phía trước đầu xe, rồi chọn người lái cẩn thận để chở Bác đi. Nhưng Bác đã không lên chiếc xe đó mà lên chiếc xe bình thường của các đồng chí cảnh vệ. Từ sân bay xe chạy vào thành phố, người dân hân hoan đứng dọc theo đường từng dãy dài để chào đón Bác, Bác tươi cười vẫy tay chào mọi người trong tiếng hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm”.
Trong những ngày về với quê hương, Bác Hồ đã lưu lại nhiều nơi, gặp gỡ làm việc với nhiều người như: đầu giờ chiều ngày 8 tháng 12, Người làm việc với Ban Chấp hành Tỉnh ủy; buổi tối Bác có cuộc gặp gỡ với các cháu học sinh giỏi Thị xã Vinh. Trong ngày 9 tháng 12, Người đã đi thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào Tỉnh Nghệ An; về thăm mảnh đất Hoàng Trù, Làng Sen – quê ngoại và quê nội của Bác; Bác có cuộc nói chuyện với cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ Tĩnh. Tiếp đó, Người đến với Trường Sư phạm miền núi Nghệ An rồi tới thăm Nhà máy Cơ khí Vinh. Ngày 10 tháng 12, Bác đến thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành và Nông trường Đông Hiếu. Với lịch trình dày, thời gian tuy ngắn nhưng đi đến đâu Người cũng góp những ý kiến quan trọng, lời khuyên nhủ chân tình đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà.
Khi nói chuyện với lãnh đạo Tỉnh ủy, với cán bộ đảng viên, Người đã chỉ ra rằng: “Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc: Một là nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Muốn làm tốt việc ấy phải dân chủ nội bộ, phải phê bình và tự phê bình”.
Xa quê hương, dù bận rộn với trăm công ngàn việc nhưng trong trái tim Bác Hồ, Nghệ An – Kim Liên luôn dành vị trí đặc biệt. Bởi nơi đó, Người đã được sống chan hòa trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè và những người hàng xóm mộc mạc, dễ mến. Những kỷ niệm thuở thiếu thời là ký ức đẹp không phai mờ trong tâm trí Bác. Về với quê hương, sau khi thăm những kỷ vật gắn với tuổi thơ của mình, ngồi tại ngôi nhà tranh ba gian giữa vòng vây của bà con, Bác vẫn nhận ra cụ Nguyễn Thuyên – người bạn cũ thời niên thiếu. Người ôm vai cụ Nguyễn Thuyên rồi hóm hỉnh sờ lên vành tai mình và hỏi: “Ông bạn già, ông còn nhớ tôi không? Vết sẹo ngày xưa mà nay vẫn còn”. Cụ Thuyên nhớ ngay ra câu chuyện xưa; chả là một lần hai người rủ nhau ra câu cá ở ao ông Tùa, thấy phao động ông Thuyên giật mạnh, thật không may lưỡi câu ngoắc vào tai Bác chảy máu. Ông Thuyên sợ cuống cuồng nhưng Bác vẫn bình tĩnh gỡ lưỡi câu ra rồi tìm lá Niệt ở bờ ao rịt cho cầm máu. Vết thương nhỏ nhưng để lại sẹo. Bác sờ lỗ tai mình nhắc lại kỷ niệm xưa, cả hai người rưng rưng cảm động.
Bác về thăm Làng Sen rồi ra sân vận động nói chuyện với bà con trong xã. Bác khen Kim Liên có nhiều tiến bộ: lần trước Bác về, “đèn nhà ai rạng nhà nấy”, “niêu nhà ai nhà nấy dùng”, làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức Hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ nhau. Đó là một thay đổi lớn. Lần trước Bác về, chưa có mấy cái trường này (Trường cấp 2 xây gạch lợp ngói cạnh sân vận động), mà nay đã có cho các cháu trong làng và các xóm làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hóa. Thế là văn hóa tiến bộ. Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề ở đây, cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ.
Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày quê hương đón Bác về thăm lần thứ hai, nhưng những bước chân, dấu ấn, tình cảm và lời dặn dò của Người vẫn còn nguyên vẹn và có tính thời sự đối với nhân dân tỉnh nhà. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh và học tập theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ và nhân dân tỉnh nhà luôn khắc sâu lời Bác dạy, cố gắng phấn đấu đạt nhiều thành tích góp phần đưa Nghệ An thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Trịnh Hường (Tổng hợp)