Tạo sự đột phá trong công tác đào tạo nghề
Nghệ An, là tỉnh có diện tích 1.648 km2 (lớn nhất cả nước), dân số hơn 3,3 triệu người; gần 1,9 triệu lao động, chiếm 57,1% tổng dân số của tỉnh. Năm 2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 9,03%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 43,08 triệu đồng. Công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, GQVL mới cho hơn 37 ngàn lao động, trong đó xuất khẩu lao động 13.662 người.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An
Công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện các đề án Đào tạo lao động kỹ thuật giai đoạn 2012-2020. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020… đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn có thương hiệu uy tín đã và đang triển khai hiệu quả các dự án tại Nghệ An như: Tập đoàn Vingroup, FLC, TH, Mường Thanh… nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động hiệu quả, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh đã góp phần giải quyết nhiều việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường chất lượng cao, 16 trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm, với 13 lượt nghề cấp độ Quốc tế, 11 lượt nghề cấp độ ASEAN, 36 lượt nghề cấp độ quốc gia. Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 292.565 lượt người; gồm: Cao đẳng 19.784 người, Trung cấp 34.783 người, Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 237.998 lượt người. Riêng, năm 2019 tuyển sinh đào tạo 70.069 lượt người.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Công tác đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm tích cực và chủ động hơn. Một số doanh nghiệp đã tiếp cận, tìm đến các trường nghề để tuyển lao động có tay nghề thông qua việc ký kết hợp tác trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Một số trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên; cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp.
Do các trường nghề đã quan tâm nâng cao chất lượng, gắn với tìm kiếm thị trường lao động nên năm 2019 số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định đạt gần 78,6% (riêng học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp đạt trên 90%, tăng 6% so với năm 2018); với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng, một số ngành, nghề từ 12-15 triệu đồng/tháng như nghề: Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng... Điển hình một số doanh nghiệp tiếp nhận nhiều lao động sau đào tạo như: Lilama 18, Công ty CP Sông đà 4, Khách sạn Mường Thanh, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Forsoma, Công ty Canon Việt Nam, Tập đoàn Hồng Hải, Công ty MLBTENNEGY - Nghệ An...
Tăng cường công tác tuyên truyền
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Trong những năm tới, Nghệ An tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đủ mạnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2 017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Từng bước giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn với giải quyết việc làm đã được Chính phủ, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phê duyệt".
"Tiếp tục tuyên truyền về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận trong hành động để huy động sự tham gia của toàn xã hội và sự đồng hành của doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS ở trong và ngoài nhà trường gắn với giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động để cập nhật, cung cấp kịp thời, dự báo chính xác nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, cấp trình độ đào tạo, vị trí việc làm... Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sàn giao dịch việc làm của tỉnh để kết nối thông tin cung - cầu lao động giữa cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời bảo đảm chương trình đào tạo sát thực tiễn, gắn với nhu cầu thị trường lao động" ông Vũ cho biết thêm.
"Đặc biệt trong năm 2020, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; thực hiện các chương trình giải quyết việc làm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm của địa phương; quan tâm các dự án sử dụng nhiều lao động kỹ thuật; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ" Giám đốc Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.
Nguồn:
http://baodansinh.vn/nghe-an-tao-su-dot-pha-trong-cong-tac-dao-tao-nghe-va-giai-quyet-viec-lam-20191225163223148.htm?fbclid=IwAR3nEuUTkSXrY4e5IMxcUWx14PIKvzMcPcecalbXzdtsiCKVFFc3n2UbG2M