Để nâng cao chất lượng công tác kiểm định trong giáo dục nghề nghiệp và góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề, các cơ quan quản lý, cơ sở dạy nghề cần phải tích cực, chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tham gia hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề.
Tại hội thảo thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày 27/12/2021, các chuyên gia cho rằng kiểm định chất lượng là một công cụ hữu hiệu bảo đảm chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả kiểm định cũng là cơ sở giúp các cơ quan quản lý các cấp có chính sách phù hợp để phát triển dạy nghề.
Từng bước nhập cuộc
Cũng như kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, kiểm định chất lượng dạy nghề nói riêng hiện đã được quy định trong các chính sách cụ thể như Nghị quyết 29, Trung ương khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XII, XIII Ban chấp hành trung ương Đảng, Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH , Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH…
Nắm được điều này, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đã kết hợp với các trung tâm kiểm định để đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên. Cụ thể, giai đoạn 2019-2021 đã đào tạo kiểm định viên cho 769 người. Ngoài ra còn tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cho các kiểm định viên… Mặc dù mới có 4 tổ chức kiểm định nhưng công tác kiểm định đã được thực hiện ở hàng trăm trường. Điều này cho thấy vấn đề kiểm định trong và kiểm định ngoài đã từng bước “nhập cuộc”.
|
Hội thảo thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
|
Thực tế cho thấy, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn là nội dung mới ở Việt Nam. Bà Trần Thị Thu Hà, chuyên viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng Giáo dục Nghề nghiệp cho biết việc triển khai kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp là cơ hội để các trường tự xem xét chính mình để thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình từ đó có phương hướng, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, nếu như tại Mỹ, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã làm từ 70 năm nay còn ở Việt Nam mới bắt đầu trong những năm gần đây nên việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường.
“Nhận thức của cán bộ quản lý các cấp (cơ quan chủ quản, Sở LĐTB&XH), của lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tầm quan trọng, cần thiết xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ hoặc chưa thể hiện quyết tâm cao, chưa dành nguồn lực hỗ trợ cần thiết để cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các quy định hệ thống bảo đảm chất lượng theo Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH”, bà Trần Thị Thu Hà cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là nội dung mới chưa được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ nhà trường. Chương trình, tài liệu tập huấn lần đầu tiên ban hành, chưa cập nhật, đổi mới cách thức để đảm bảo tính linh hoạt phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nâng cao chất lượng
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, muốn nâng cao chất lượng kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì các trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đánh giá, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng. “Việc nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý các cấp là điều hết sức quan trọng”, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho biết.
|
TS Phạm Vũ Quốc Bình cho biết ngoài sự vào cuộc của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì các trường các trung tâm kiểm định vien cũng cần tích cực hơn trong công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
|
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về tổ chức, quản lý việc bảo đảm chất lượng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, cho biết để nâng cao chất lượng công tác kiểm định thì Thông tư 27/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần bổ sung vấn đề “đưa ra những khuyến cáo cho các nhà trường” trong quá trình kiểm định chất lượng. Vì bản chất của công tác kiểm định chất lượng là nắm được ưu điểm, nhược điểm của trường để đưa ra các giải pháp để trường sửa đổi phù hợp, tuy nhiên hiện nay trong thông tư 27 chưa đề cập đến vấn đề này.
Hiện nay, lực lượng, nhân sự thực hiện công tác kiểm định chất lượng vẫn còn thiếu. Theo thống kê, hiện nay mới có chưa đến 300 kiểm định viên, trong khi số lượng trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất lớn nên khó thực hiện được chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 100% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin bảo đảm chất lượng, kết nối thông suốt với hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia…
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về kiểm định viên là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, theo TS Phạm Vũ Quốc Bình việc đào tạo kiểm định viên ngoài vai trò của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thì các trung tâm kiểm định cũng có vai trò không nhỏ trong việc lựa chọn người, lên kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp để có thể “sản xuất” ra những kiểm định viên giỏi, có kỹ năng, năng lực.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hệ thống thông tin nhằm bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ đó có thể kết nối thông suốt với hệ thống thông tin quản lý chất lượng quốc gia và nâng cao công tác kiểm định chất lượng trong toàn hệ thống.
“Việc kiểm định phải theo sự phát triển của khoa học công nghệ vì hiện nay là thời đại 4.0. Nếu kiểm định thủ công, không số hóa được các dữ liệu thì không thể nâng cao được chất lượng”, TS Phạm Vũ Quốc Bình khuyến nghị.
Nguồn từ cổng thông tin GDNN - tác giả: Như Yến