Nâng cao uy tín cán bộ


Mỗi kỳ bầu cử, hoặc kiện toàn nhân sự trong hệ thống chính trị các cấp, người dân thường có tâm lý ngóng chờ, để xem người được tín nhiệm đề cử, bổ nhiệm vào các vị trí ấy là ai, năng lực thế nào, uy tín ra sao...
 

Khi thấy những nhân sự có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, am hiểu sâu sắc tình hình địa phương, đơn vị, hòa đồng, khiêm tốn,... thì dư luận rất tán đồng. Họ tin tưởng cơ quan, ban ngành, địa phương tìm được cán bộ có uy tín, năng lực, kỳ vọng họ sẽ góp phần cùng tập thể làm tốt nhiệm vụ, thúc đẩy ngành và địa phương phát triển.

Ngược lại, cũng có những nhân sự khiến nhiều người thất vọng. Vì có những cán bộ “có điều tiếng” không hay về phẩm chất đạo đức và năng lực, có biểu hiện vun vén cá nhân, hay bè cánh, mất đoàn kết nội bộ, không tương xứng với vị trí công tác, vô cảm với dân, thậm chí có sai phạm, bị xử lý kỷ luật. Đáng buồn là có những vị leo cao nhờ thu vén, sắp đặt “thiếu trong sáng” theo kiểu “quan hệ”, “tiền tệ”, “hậu duệ”,...

Thông thường, uy tín được dùng đối với những người có chức danh, có quyền lực, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm, mến phục và công nhận. Đó là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực nổi trội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sống đàng hoàng, tử tế, có sức thuyết phục, lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng, hoặc có tầm quốc gia, quốc tế.

Một người khi được cất nhắc vào một vị trí nào đó trong bộ máy công quyền thì khắc có uy, có quyền. Chức vụ càng to, lĩnh vực càng quan trọng thì cái uy, cái quyền càng lớn. Những người đưa hết trí tuệ, tài năng, tâm huyết để phục vụ, được mọi người tín nhiệm, mến phục thì càng làm việc càng phát huy, phát triển.

Tuy nhiên, có vị bằng mọi thủ đoạn chạy chọt để được cất nhắc, đề bạt. Khi được rồi thì vênh vang, “đổi ghế đổi mồm”, tưởng mình là “siêu nhân”, giỏi giang lắm lắm. Họ không hiểu rằng quyền uy ấy có từ cái ghế chứ không phải từ người ngồi trên cái ghế ấy. Một bộ phận giảm sút uy tín, thậm chí tha hóa phẩm chất, năng lực, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tập thể, niềm tin của Nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Đó là sự xuống cấp nghiêm trọng về phẩm chất, năng lực, làm giảm sút uy tín của người cán bộ, đảng viên.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến cơ sở mà uy tín thấp sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, gây tác hại to lớn không thể lường hết. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao uy tín, thực sự là đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

- Phải luôn luôn trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu. Bác Hồ đã viết: “Đức là đạo đức cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Đạo đức cách mạng là lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, kiên định sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, có lối sống giản dị, trong sạch, không xa hoa lãng phí, thực dụng,… Phải tu dưỡng thường xuyên, bền bỉ trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Phải đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, làm tổn hại đến thanh danh và uy tín của Đảng và chế độ ta.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ‘‘Cán bộ là cái gốc của mọi công việc“, ‘‘Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém‘‘.
 

- Không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Ở bất kỳ lĩnh vực nào thì uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên bắt đầu từ năng lực chuyên môn vì nó quyết định chất lượng, hiệu quả của công việc, là thước đo năng lực của người cán bộ. Vì luôn quan tâm đến việc rèn đức, luyện tài cho mỗi cán bộ, đảng viên, Bác Hồ từng nói: “Có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích được gì ai”. Hiện nay, có không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý hạn chế về năng lực chuyên môn, quản lý, điều hành chung chung, kém hiệu quả.

- Tích cực rèn luyện tác phong công tác phù hợp. Là cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ trì, đảm nhận vị trí người đứng đầu thì cần phải có phong cách, tác phong công tác phù hợp. Đó là phong cách làm việc có kế hoạch, hiệu quả, chính xác, tỷ mỷ, sâu sát, cụ thể tránh đại khái, qua loa, quan liêu, hình thức. Người cán bộ, đảng viên cần phải có phong cách, tác phong dân chủ, vì tập thể. Luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, luôn đặt lợi ích của tập thể, của xã hội, vì quyền lợi chung, vì dân vì nước trên lợi ích cục bộ, cá nhân.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “… Phải khắc phục hiện tượng thiếu tập thể, thiếu dân chủ, khắc phục tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải nghe ngóng ý kiến của cán bộ và nhân dân”. Cần tránh xa phong cách độc đoán, gia trưởng, quan liêu, xa dân nhưng đồng thời cũng phải rèn luyện, thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Nghĩa là phải dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, chịu trách nhiệm về các quyết định và hành động của mình nhưng không mất dân chủ. Không định kiến, hẹp hòi mà phải khoan dung, đại lượng, biết xử sự có lý có tình, giữ vững nguyên tắc mà không quan liêu, hách dịch, không làm mất lòng dân.

Người cán bộ phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, có tinh thần tập thể  cao cả, “lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ”; phải công bằng với mọi người, chính tâm, thành ý,… thì dân sẽ tin, sẽ phục và làm theo.

 - Phải tự giác tự giáo dục, rèn luyện. Đó chính là phát huy nội lực, tự vươn lên hoàn thiện mình, học tập, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Muốn vậy, phải nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác Hồ dạy: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bài trừ bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, thực sự là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân. Dù cương vị nào phải luôn gương mẫu, tự thấy được những ưu điểm và khiếm khuyết của mình, tự giác rèn luyện để hoàn thiện nhân cách.

- Bên cạnh đó, phải kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Có thể nói, nâng cao uy tín của người cán bộ, đảng viên – nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trong tình hình hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, thiết thực củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ.


Anh Đặng
Báo Nghệ An