(Dân trí) - Nhân dịp Tết Quý Mão, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trả lời phỏng vấn của Báo Dân trí về định hướng và mục tiêu phát triển lĩnh vực này trong năm mới.

Nhân dịp Tết Quý Mão, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trả lời phỏng vấn của Báo Dân trí về định hướng và mục tiêu phát triển lĩnh vực này trong năm mới.

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 1

Thưa ông, trong năm qua, về công tác tuyển sinh, đào tạo, duy trì chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề, hệ thống GDNN của chúng ta đã đạt được những thành quả nào?

- Có thể nói, kết quả tuyển sinh, đào tạo năm 2022 của hệ thống GDNN đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, cao hơn so với 2 năm trước, do nước ta đã khống chế tốt đại dịch Covid-19.

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 3


Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh đã được các cơ sở GDNN tập trung làm tốt. Các chính sách hỗ trợ người học, hỗ trợ công tác đào tạo nghề của Chính phủ đã thúc đẩy hoạt động tuyển sinh, đào tạo các trình độ trong GDNN.

Để đáp ứng yêu cầu nguồn lao động có kỹ năng nghề phục vụ các chương trình phục hồi kinh tế của đất nước, hệ thống GDNN đã tích cực, chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, tăng cường kết nối doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Những việc trên nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công việc của người lao động trong doanh nghiệp và thích ứng với sự thay đổi sản xuất, kinh doanh trong kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp những thách thức gì?

- GDNN hiện chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh. Việc tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế. Nhiều khó khăn do công tác phân luồng, tâm lý trọng bằng cấp, gắn kết các cơ sở GDNN với doanh nghiệp.

Người học tốt nghiệp THPT vào đại học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo còn nhiều; người học thích tập trung về các thành phố lớn để học tập.
 

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 5

Những khó khăn trong việc dạy văn hóa bậc THPT trong các cơ sở GDNN chưa hoàn toàn được tháo gỡ, người học vẫn còn nhiều băn khoăn và thiếu sự yên tâm khi học tập theo hình thức này.

Công tác tuyển sinh đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề đòi hỏi năng khiếu còn gặp nhiều thách thức. Thiếu nguồn lực để thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN.

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 7

Năm qua, chúng ta có 2 kỳ thi quan trọng là Kỳ thi Kỹ năng nghề (KNN) Quốc gia lần thứ 12 đợt 2 và Kỳ thi KNN thế giới phiên bản đặc biệt. Xin ông đánh giá về hiệu quả của 2 kỳ thi này?

- Về Kỳ thi KNN Quốc gia lần thứ 12 đợt 2 diễn ra vào tháng 7/2022. Thứ nhất, chúng ta đã thành công vượt bậc trong việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp về kỹ thuật và tài chính. Tất cả 9 nghề tổ chức đều được xã hội hóa 100%, tiết kiệm lớn kinh phí cho nhà nước.

Thứ 2, mặc dù đề thi của các nghề đề tiếp cận với chuẩn của ASEAN và thế giới nhưng phần lớn các thí sinh dự thi đều đã hoàn thành bài thi đạt yêu cầu.
 

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 9
Theo ông Dũng, một trong những thành công của GDNN năm 2022 là huy động được tối đa nguồn xã hội hóa cho các kỳ thi (Ảnh: TCGDNN).

Thứ 3, mỗi đề thi của mỗi nghề là một tiêu chuẩn mới bắt kịp với yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, khu vực và quốc tế. Đó là một chuẩn mực quan trọng để các cơ sở đào tạo, cơ sở GDNN tham khảo để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ 4, đợt 2 của kỳ thi đã lần đầu tiên tổ chức thi hai nghề đang có nhu cầu lớn trong thị trường lao động, đó là nghề lái xe ô tô và sơn ô tô. Điều đó giúp thúc đẩy việc phát triển đào tạo, tiến cùng với yêu cầu của thị trường lao động.

Về Kỳ thi KNN thế giới phiên bản đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam giành được 02 Huy chương tại một kỳ thi KNN thế giới (huy chương Bạc ở hai nghề: nghề Phay CNC và nghề Tiện CNC). Đặc biệt hơn, các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức quốc tế đã tham gia đồng hành, tài trợ hoàn toàn cho đoàn Việt Nam dự thi.
 

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 10


Trong năm qua, hệ thống GDNN đã đầu tư để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số như thế nào?

- Chúng tôi đã đưa vào vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu GDNN, dịch vụ công trực tuyến và xây dựng nền tảng học tập trực tuyến giúp các cơ sở GDNN, người dân tiếp cận, nâng cao nhận thức. Trong đó có các chương trình học, cấp chứng chỉ trực tuyến về giao tiếp trực tuyến, tham gia trực tuyến an toàn và trách nhiệm, tạo nội dung số, cộng tác và quản lý nội dung số…

Nền tảng học liệu số, nâng cao năng lực sư phạm cho các nhà giáo trên môi trường số đã bước đầu được triển khai và đưa vào sử dụng.

Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động triển khai các hoạt động chuyển đổi số của mình như: Xây dựng các phần mềm điều hành, quản lý, các phần mềm đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.

Bước đầu, các cơ sở GDNN đã chủ động đổi mới, sửa đổi nội dung chương trình đào tạo, gắn với tăng cường kiến thức công nghệ thông tin trong môn học, theo yêu cầu của nghề.
 

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 12

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong GDNN là bài toán khó, nhiều cơ sở GDNN chưa xây dựng cho mình chiến lược, chương trình, kế hoạch để thực hiện chuyển đổi số, còn lúng túng đi tìm mô hình, cách thức, chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị. Các cơ sở GDNN cần các nguồn đầu tư, hỗ trợ về tài chính cho chuyển đổi số.

Hệ thống nhân lực vận hành và triển khai chuyển đổi số, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và quản trị hệ thống cần được đào tạo, bồi dưỡng hơn nữa để các cấp có đủ năng lực thực hiện.

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 14

Trong năm mới 2023, xin ông cho biết những mục tiêu và định hướng cho sự phát triển của GDNN?

- Chúng tôi đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể, chúng tôi mong muốn số lượng tuyển sinh tăng khoảng 10% so với năm 2022; Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo chủ trương của Đảng, Chính phủ để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan.
 

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 16 Ông Trương Anh Dũng và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trao giải cho các ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc của học sinh, sinh viên GDNN (Ảnh: Tùng Nguyên).


Trong năm tới, chúng tôi định hướng phát triển hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.

Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao và các cơ sở GDNN cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của xã hội.

Chúng ta đang có những thời cơ, thuận lợi nào cho những mục tiêu và định hướng đó thưa ông?

- Nhìn vào bối cảnh quốc tế, chúng ta có thể thấy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Điều đó tạo cơ hội thuận lợi để GDNN tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, các chuẩn quốc tế, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý GDNN.

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 17

Về thời cơ trong nước, đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của GDNN trong việc hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng trong sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo nói chung và GDNN nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm đầu tư.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước ta 10 năm tới và các năm tiếp theo là: "Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao", đồng thời xác định phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 đột phá chiến lược.

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 19

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và ban hành Chỉ thị riêng về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Hiện nay, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26,2%, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mặt khác cần đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động do ảnh hưởng của Cuộc CMCN lần thứ 4 để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.

Cuối cùng, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Tổng cục trưởng gửi gắm gì đến ngành GDNN và các cơ sở GDNN?

Trước hết, tôi muốn dành lời khen ngợi, động viên các em học sinh đã lựa chọn GDNN và đang cố gắng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề tại các cơ sở GDNN trong cả nước. Tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các trường nghề, cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo, nhân viên vì sự nỗ lực và đóng góp cho sự phát triển của ngành trong năm qua.

Năm 2023 được xác định là năm tăng tốc của ngành, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ GDNN năm 2023 tạo đà cho các năm tiếp theo để hoàn thành kế hoạch 5 năm tới.

Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp - 21

Tôi tin tưởng các cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong ngành tiếp tục giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm mới.

Các nhà trường cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới quản lý, hoạt động dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá; phát triển mạnh quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo, luôn coi người học là trung tâm và gắn kết doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Các em học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực rèn luyện không chỉ kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà trang bị kỹ năng số, ngoại ngữ, và kỷ luật, tác phong công nghiệp để linh hoạt thích ứng với yêu cầu ngày càng khắt khe của môi trường công việc.

Tôi xin chúc các cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên ngành GDNN và các em học sinh, sinh viên cùng gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn. Chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe và thành công!

Nội dung:  Mai Châm - Quang Trường

Thiết kế: Đỗ Diệp

Tháng 1/2023

Link nội dung: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nam-2023-se-la-nam-tang-toc-cua-giao-duc-nghe-nghiep-20230101104357565.htm