Lao động thanh niên cần được nâng tầm kỹ năng đối mặt với "cú sốc kép"

 

Nhóm lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 là ở độ tuổi từ 25-54, chiếm 75%. Lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng.

"Cú sốc kép" đối với thị trường lao động toàn cầu

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện ở mức độ tốt nhất thế giới từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế trên thế giới.

Đáng chú ý, trong số 12 trụ cột và 103 tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, trụ cột về kỹ năng tăng 4 bậc, đặc biệt tiêu chí về chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc. Năng suất lao động Việt Nam trong nhiều năm qua có tốc độ tăng cao trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm chứng tỏ trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được cải thiện và nâng lên. 

Tuy nhiên, Covid-19 và Cách mạng Công nghiệp 4.0 là "cú sốc kép" đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.

Điều này được các chuyên gia bàn luận tìm giải pháp tại diễn đàn Diễn đàn quốc tế về "Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 - Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam" do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức mới đây.

Lao động thanh niên cần được nâng tầm kỹ năng đối mặt với cú sốc kép - 1

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì diễn đàn.

Ông Till Alexander Leopold, Giám đốc Trung tâm Tầm nhìn tiên phong, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho hay, dịch Covid-19 đã khiến 83% doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, 84% doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số và 50% phải đẩy mạnh tự động hóa. 

Lao động trẻ đứng trước cơ hội và thách thức

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng, lực lượng lao động trẻ đứng trước cả cơ hội và thách thức trong thế giới việc làm đang biến chuyển mạnh mẽ.

"Để duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, dẫn số liệu: "Tính đến quý 2 năm nay, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… tăng 3,7 triệu người so với quý 1/2021.

Trong đó, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ở độ tuổi từ 25-54, chiếm 75%. Số người thất nghiệp ở độ tuổi lao động trong quý 2 là gần 1,2 triệu người, tăng 87.100 người so với quý trước".

Trong bối cảnh suy giảm việc làm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, ông Srinivas B Reddy, Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng thúc đẩy việc làm cho thanh niên là ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ lưu ý: "Tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Mà muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ", ông nói.

Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay là 51,0 triệu người, chiếm 55,4% dân số; trong đó lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng.

Theo ILO, việc làm của thanh niên đã giảm 8,7% năm 2020 so với 3,7% ở người lớn tuổi hơn. Số người thất nghiệp dự báo vẫn ở mức cao và đến năm 2023 mới trở về mức trước đại dịch.

Lao động thanh niên cần được nâng tầm kỹ năng đối mặt với cú sốc kép - 2

Tính đến quý 2 năm nay, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Mặt khác, hai cú sốc đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và kỹ năng nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Việc làm bị mất đi trong những ngành công nghiệp cũ đã lạc hậu dự báo sẽ được thay thế bằng việc làm mới trong những ngành kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển.

Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng (reskilling và upskilling).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến quý II/2021, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51,1 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 26,1%. Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%...

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang tập trung xây dựng đề án "Nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam" theo yêu cầu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Kỹ năng nghề - Bộ LĐ-TB&XH cho hay: Đề án nhằm phát triển nâng tầm kỹ năng và năng lực hành nghề người lao động Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, phát triển các kỹ năng cơ bản, nền tảng cho người lao động.

Đồng thời, hình thành đội ngũ lao động tương lai có tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thích ứng linh hoạt và sáng tạo đáp ứng nhu cầu tìm việc làm, tự tạo việc làm bền vững, chuyển đổi và thăng tiến nghề nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Đối tượng chính dự án hướng tới là người lao động ở các giai đoạn phát triển nghề nghiệp khác nhau, tập trung các giải pháp xác định và bù đắp sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động nhằm giảm chi phí, thời gian đào tạo, từ đó tăng hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, năng lực hành nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động.

Nguồn từ Cổng thông tin Tổng cục giáo dục nghề nghiệp